Kinh tế Trung Quốc đã phục hồi nhanh từ đại dịch Covid-19 đến nỗi mà giới chức Trung Quốc đang bắt đầu rút đi các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế nhanh chóng hơn so với thời kỳ khủng hoảng tài chính năm 2008, theo tính toán của Allianz.
Nhìn chung, trong lần khủng hoảng trước đây, các gói kích cầu của Trung Quốc giúp cho tăng trưởng trên toàn cầu lên mạnh. Lần này, việc Trung Quốc tập trung giải quyết các vấn đề tại nội địa không mang lại tác động toàn cầu tương tự như vậy, theo phân tích của chuyên gia kinh tế cao cấp, ông Francoise Huang.
Bắc Kinh đã đưa ra chính sách tiền tệ nới lỏng, trong đó có lãi suất thấp từ tháng 1/2020 sau khi số lượng các ca lây nhiễm Covid-19 tại nội địa tăng mạnh. Theo nghiên cứu của chuyên gia, chương trình kích cầu thời kỳ đại dịch Covid-19 đã chấm dứt sớm hơn 3 tháng so với quá trình kéo dài 12 tháng vào năm 2009.
Các biện pháp phong tỏa chặt chẽ tại nội địa và hạn chế đi lại quốc tế đã giúp Trung Quốc có được tăng trưởng kinh tế trở lại từ quý 2/2020, khi đó chỉ còn vài ổ dịch bùng phát. Ngược lại, nước Mỹ vẫn công bố liên tục mỗi ngày hàng chục nghìn ca nhiễm mới còn Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị cho làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 3.
Các biện pháp yêu cầu người dân ở nhà và hạn chế hoạt động kinh doanh đã khiến cho chính phủ các nước trong khu vực phải áp dụng các biện pháp hỗ trợ của riêng họ. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đưa ra gói kích cầu quy mô 1,9 nghìn tỷ USD.
Những động thái trên có ảnh hưởng đến toàn cầu, đặc biệt tác động đến hướng chính sách của các nhà làm luật Trung Quốc.
Gói siêu kích cầu của Mỹ sẽ có thể làm tăng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ trong năm nay và năm sau thêm 60 tỷ USD, theo ông Huang nhận định dẫn chứng số liệu của bộ phận nghiên cứu ngân hàng Allianz.
Nhu cầu của nước ngoài đối với hàng hóa Trung Quốc cũng góp phần quan trọng giúp cho kinh tế nước này vững mạnh hơn, giới chức Trung Quốc vì vậy có thêm nhiều điều kiện để giải quyết các vấn đề địa phương mà không phải quá lo lắng về khả năng gây tổn hại đến tăng trưởng.
"Mục tiêu của việc thắt chặt chính sách tại Trung Quốc có liên quan nhiều đến những yếu tố tổn hại về tài chính và giải quyết rủi ro thị trường tài chính và bất động sản tăng trưởng quá nóng", ông Huang nhận định.
Tuy nhiên, ông Huang không dự báo về khả năng nâng lãi suất hoặc các biện pháp có thể phát đi thông điệp về sự đảo chiều chính sách hoặc làm tê liệt quá trình phục hồi kinh tế mà sẽ là sự thay đổi dần dần.
Các động thái chính sách mới đây nhất cũng cho thấy Bắc Kinh đang có cách tiếp cận rất thận trọng. Trong ngày thứ Hai, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc duy trì lãi suất cơ bản, loại lãi suất dùng để tính toán các khoản vay, ở mức tương đương với 11 tháng trước đó. Lần gần nhất Ngân hàng Trung ương Trung Quốc thay đổi lãi suất là vào tháng 4/2020.
Xem thêm: nhc.71844159032301202-et-hnik-ort-oh-pahp-neib-cac-id-tur-uad-tab-gnad-couq-gnurt-cuhc-ioig/nv.fefac