Nhiều lô tôm xuất khẩu sang Trung Quốc bị cảnh báo vi phạm quy định kiểm dịch
Nam Bình
(KTSG Online) - Trong ba tháng đầu năm nay nhiều lô hàng thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc, chủ yếu là tôm, bị cơ quan chức năng nước này cảnh báo do vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, kiểm dịch.
Ông Ngô Hồng Phong, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) thông tin, chất lượng các lô hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể trong vài năm trở lại đây.
Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng nhiều lô hàng xuất khẩu sang một số thị trường lớn bị cơ quan chức năng nước nhập khẩu cảnh báo vì vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch…
Gần đây nhất, chỉ trong ba tháng đầu năm 2021, khi kiểm tra 14 lô hàng thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc, cơ quan chức năng nước này đã cảnh báo 6 lô hàng bị phát hiện dương tính với bệnh hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu (IHHNV) cũng như virus đốm trắng (WSSV).
Còn trong năm 2020, có đến 15 lô hàng bị cảnh báo trong tổng số 40 lô hàng được kiểm tra. Nguyên nhân cũng là do vi phạm quy định về chỉ tiêu WSSV và IHHNV. Đây hầu hết là những lô tôm đông lạnh hoặc tôm đã qua xử lý nhiệt.
Trước tình trạng nhiều lô hàng xuất khẩu sang Trung Quốc bị cảnh báo vì vi phạm quy định kiểm dịch, doanh nghiệp được khuyến cáo kiểm tra, kiểm dịch kỹ lưỡng trước khi đưa nguyên liệu vào chế biến. Trong ảnh: Kiểm tra dịch bệnh trên tôm tại một ao nuôi. Ảnh: Nam Bình. |
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu Việt Nam (VASEP) thông tin, thời gian gần đây, phía Trung Quốc tăng cường kiểm tra các vấn đề liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch… đối với hàng thủy sản xuất khẩu vào thị trường này. Do đó, số lô hàng bị cảnh báo, trả về cũng tăng lên.
Bên cạnh việc phải nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của nước nhập khẩu về kiểm dịch, ông Hòe cho rằng, vấn đề khiến doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam “đau đầu” hiện nay là vẫn còn tranh cãi xung quanh những cơ sở khoa học đối với việc phát tán mầm bệnh từ sản phẩm tôm đã qua chế biến. Vì đây là nguyên nhân khiến nước nhập khẩu từ chối cho thông quan các lô hàng dương tính với các bệnh gây hại trên tôm như virus đốm trắng hay bệnh hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu của tôm.
Trước đó, từ cuối năm 2020, ngành nông nghiệp cũng như VASEP đưa ra khuyến cáo với các doanh nghiệp trong việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh đối với các lô hàng thủy sản xuất khẩu vào Trung Quốc.
Ngoài việc việc cảnh báo các chỉ tiêu an toàn thực phẩm (vi sinh vật gây bệnh, kháng sinh cấm, tồn dư kim loại nặng), phía Trung Quốc cũng đã cảnh báo chỉ tiêu bệnh thủy sản (bệnh đốm trắng, bệnh hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu đối với sản phẩm tôm đông lạnh), lạm dụng phụ gia (phosphate trong sản phẩm cá tra fillet/tôm đông lạnh; peroxide trong sản phẩm cá khô).
Theo ông Hòe, những việc này đã từng xảy ra tại các thị trường như Hàn Quốc, Úc… nên doanh nghiệp Việt Nam cũng đã nhận thức được tầm quan trọng cũng như biện pháp phòng ngừa. Hiện, các doanh nghiệp đang cố gắng khắc phục nhưng cũng rất khó để kiểm soát được hoàn toàn.
“Doanh nghiệp chỉ còn cách phải kiểm tra dịch bệnh thật kỹ lưỡng trước khi đưa tôm nguyên liệu vào chế biến, xuất khẩu, nhất là nguồn nguyên liệu mua từ những hộ nuôi nhỏ lẻ, nguy cơ dịch bệnh cao”, ông Hòe khuyến cáo.
Khách hàng tham quan các sản phẩm tôm xuất khẩu vào Trung Quốc tại một hội chợ Vietfish. Ảnh: Nam Bình. |
Còn theo ông Ngô Hồng Phong, hiện Nafiqad đã có văn bản gửi cơ quan kiểm dịch Trung Quốc đề nghị cấp cơ sở khoa học, cơ sở pháp lý cảnh báo bệnh IHHNV, WSSV đối với sản phẩm tôm đã xử lý nhiệt và bằng chứng về đánh giá rủi ro đối với các cảnh báo bệnh IHHNV, WSSV trên sản phẩm tôm đông lạnh chưa bóc vỏ, bỏ đầu. Tuy nhiên đến nay, vẫn chưa có kết quả phản hồi.
Việt Nam hiện có khoảng 737 doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc, tăng 72 doanh nghiệp so với năm 2019. Trong 2 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất khẩu tôm vào Trung Quốc đạt trị giá hơn 26,2 triệu đô la Mỹ, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc hiện là quốc gia xếp vị thứ 5 (sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia) trong các nước nhập khẩu tôm Việt Nam, với tỷ trọng chiếm khoảng 6,3% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Hàn Quốc bổ sung 5 chỉ tiêu dịch bệnh vào kiểm dịch thủy sản nhập khẩu Thông tin từ Nafiqad, theo quy định về kiểm dịch mới của Hàn Quốc, cơ quan chức năng nước này sẽ bổ sung 5 chỉ tiêu bệnh (DIV1 – bệnh do virus mới có tên là Decapod iridescent virus 1 gây hại trên tôm, TiLV – bệnh hại trên cá rô phi, NHP – bệnh hại trên tôm, SAV, AHPND hay còn gọi là bệnh hoại tử gan tụy cấp tính) đối với một số loài/dạng sản phẩm thủy sản. Theo đó, từ ngày 1-8-2021, lô hàng xuất khẩu vào Hàn Quốc phải kèm theo chứng thư chứng nhận kiểm dịch đối với 5 bệnh này. |