vĐồng tin tức tài chính 365

Kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ giai đoạn 2016 - 2021

2021-03-24 03:46

Việt Nam ở trong top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, năng suất lao động cải thiện rõ nét và vượt mục tiêu đề ra, tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ hơn nhân tố khoa học công nghệ.

Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2019 đạt 6,8%, trong đó 2 năm gần đây đều trên 7% - mức cao nhất trong 9 năm qua. Chính phủ đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao. Riêng năm 2020, mặc dù gặp tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, thiên tai, bão lũ nhưng Chính phủ vẫn thực hiện thành công "mục tiêu kép".

Việt Nam là một trong 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới, quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015. Trong nhiệm kỳ đã tạo hơn 8 triệu việc làm mới, thu nhập người dân được tăng lên, vai trò của kinh tế tư nhân ngày càng được khẳng định là động lực quan trọng của nền kinh tế đất nước, nhiều sản phẩm hàng hóa đã gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu.

Gần 5 năm qua đã có 6 triệu người thoát nghèo và 2 triệu người thoát khỏi cận nghèo. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 6% của nhiệm kỳ này, sau 5 năm, quy mô của nền kinh tế Việt Nam từ vị trí 55 thế giới đã vượt Singapore và Malaysia, vươn lên thứ 4 trong 10 nước ASEAN và thứ 40 thế giới. Còn nợ công từ trên 64% nay chỉ còn hơn 55%.

Kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ giai đoạn 2016 - 2021 - Ảnh 1.

Việt Nam là một trong 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới. Ảnh: Dân trí.

Doanh nghiệp được hưởng lợi từ những quyết sách của Chính phủ

Những con số vĩ mô cho thấy sự đổi thay về chất của nền kinh tế trong suốt chặng đường 5 năm qua. Về góc độ chính sách, chính phủ đã có những quyết sách mà từ đó doanh nghiệp được hưởng rất nhiều lợi ích.

Gần 170 tỷ USD được các doanh nghiệp nước ngoài đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, nhiều hơn bất cứ giai đoạn nào trước đây.

Con số này cũng cho thấy niềm tin về một môi trường kinh doanh đã có sự chuyển biến mạnh mẽ và Việt Nam đã trở thành nơi đầu tư an tâm, an toàn và sinh lợi bền vững cho nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ giai đoạn 2016 - 2021 - Ảnh 2.

Việt Nam đã trở thành nơi đầu tư an tâm, an toàn và sinh lợi bền vững cho nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Ảnh minh họa.

Khu Kinh tế Nghi Sơn, Thanh Hóa đang được một tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới nhắm tới và lựa chọn để xây dựng một nhà máy có quy mô đầu tư lên tới gần 1,5 tỷ USD. Nếu suôn sẻ đây sẽ là dự án FDI có quy mô lớn nhất của miền Bắc. Chưa dừng lại ở đó, trong năm 2021 này, Khu Kinh tế Nghi Sơn vẫn đang chờ đón nhiều dự án đầu tư nước ngoài có quy mô lớn hơn nữa.

Ông Lê Tiến Dũng - Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu Công nghiệp, tỉnh Thanh Hóa cho hay: "Hiện nay đã có rất nhiều các tập đoàn lớn của quốc tế đã bày tỏ sự quan tâm để đầu tư vào Khu Kinh tế Nghi Sơn. Có dự án có quy mô vốn lên tới hàng chục tỷ USD".

Không chỉ cải cách để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, mà trong 5 năm qua, Chính phủ đã có 3 làn sóng cải cách hành chính. Xóa bỏ gần 3.500 trong hơn 6.000 điều kiện kinh doanh. Cắt giảm và đơn giản hóa gần 1.000 thủ tục hành chính và 3/4 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành. Kế đến là cắt giảm và đơn giản hoá 1/5 các quy định hành chính còn lại và chi phí tuân thủ về kinh doanh.

Với những cải cách thời gian qua, mỗi năm có trên 100.000 doanh nghiệp thành lập mới. Vốn đăng ký ngày càng tăng, thể hiện rõ tinh thần hứng khởi kinh doanh trong toàn xã hội.

Điều hành linh hoạt, hành động quyết liệt

Tính chung gần 5 năm qua, Chính phủ đã trình Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội 112 dự án luật, pháp lệnh và nghị quyết. Đồng thời ban hành 745 nghị định. Bình quân hơn hai ngày, lại có một Nghị định được đưa vào cuộc sống.

Chính phủ "liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp" chính là "kim chỉ nam" cho các quyết sách và hành động mạnh mẽ của Chính phủ trong cả nhiệm kỳ qua.

Phiên họp Chính phủ thường kỳ đầu tiên, phần xây dựng pháp luật được đưa lên trước phần thảo luận về kinh tế - xã hội. Điều này thể hiện quyết tâm không chấp nhận cảnh Quốc hội phải "bắc gạo chờ lửa", giải quyết nợ đọng văn bản quy định hoặc chậm trình Quốc hội các dự luật.

Hơn 5.500 cuộc làm việc cũng là Chính phủ làm việc và đối thoại nhiều nhất với các nhà doanh nghiệp, với cộng đồng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, với công nhân và nông dân. Giải quyết gần 2.200 kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho địa phương và doanh nghiệp.

Chỉ riêng năm 2020 đã đi vào lịch sử thế giới như một trong những giai đoạn khó khăn nhất. Song, "lửa thử vàng, gian nan thử sức", những thành quả của năm 2020 và cả nhiệm kỳ này làm tăng trưởng niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước.

Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động hướng tới người dân và doanh nghiệp

Nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chính phủ là một nhiệm kỳ rất thành công. Trong hoàn cảnh rất khó khăn, phức tạp, Chính phủ đã vững vàng chèo lái sự điều hành quản lý của mình để được những kết quả hết sức quan trọng và có ý nghĩa.

Đánh giá đó không chỉ đến từ trong nước, mà còn được nhìn nhận khách quan từ bạn bè quốc tế khi cho rằng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi nhất từ trước tới nay. Đó là nhờ chính sách cởi mở, cơ chế minh bạch, có sự giám sát của người dân và doanh nghiệp với sự quyết tâm của Chính phủ, người đứng đầu Chính phủ.

Ông Ywert Visser - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam nói: "Chúng tôi đều tin tưởng vào tương lai tươi sáng của Việt Nam. Theo khảo sát, có tới 30% doanh nghiệp EU dự kiến mở rộng và 57% cho biết sẽ duy trì hoạt động tại Việt Nam".

"Có nhiều doanh nghiệp của Hà Lan muốn tiếp tục duy trì, thậm chí mở rộng và thâm nhập sâu hơn hoạt động kinh doanh của mình tại Việt Nam bởi đây là một thị trường tiềm năng với nhu cầu tiêu dùng ngày càng lớn mạnh", bà Elsbeth Akkerman - Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam nói.

Ông Nakajima Takeo - Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Hà Nội cho biết: "Việt Nam đã rất thành công khi thực hiện các chính sách mở cửa, thu hút đầu tư nước ngoài, tăng trưởng kinh tế. Các doanh nghiệp đều kỳ vọng Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục tiến bước trên con đường đó".

Ông Denis Brunetti - Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào cho hay: "Tôi muốn gửi lời chúc mừng tới Đảng và Chính phủ Việt Nam vì đã đề ra được những trọng tâm, tầm nhìn chiến lược vô cùng đúng đắn, xoay quanh phát triển công nghệ và chuyển đổi số. Những mục tiêu phát triển của Việt Nam cho năm 2025, 2030 hay 2045 là rất tham vọng, nhưng đồng thời cũng rất khả thi".

Với tinh thần đoàn kết, vượt khó, quyết tâm giành thắng lợi, thành tựu phát triển đất nước trong 5 năm qua là một trong những nền tảng quan trọng để tiếp tục khơi dậy mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn dân tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, hướng tới mục tiêu Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Xem thêm: mth.28505657132301202-1202-6102-naod-iaig-em-hnam-neirt-tahp-man-teiv-et-hnik/et-hnik/nv.vtv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ giai đoạn 2016 - 2021”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools