Trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 ở Peru không ngừng gia tăng, những người Viettel đã đi 600km đường sông, vượt qua những cuộc biểu tình và nhiều trở ngại do rừng thiêng nước độc, để phủ sóng di động tại vùng sâu nhất Amazon.
Năm 2011, Tập đoàn Viettel bắt đầu đặt chân lên Peru và 3 năm sau, Bitel - mạng di động quốc tế thứ 7 của Tập đoàn này chính thức đi vào hoạt động. Peru được kỳ vọng là cú thử nghiệm để Viettel bước chân vào thị trường châu Âu, nhưng không mấy người tin rằng họ sẽ thành công.
Mối hoài nghi mang tên Peru
Peru rất khác biệt so với tất cả các đất nước mà Viettel đã đến đầu tư. Đây là thị trường duy nhất có nền kinh tế phát triển cao hơn Việt Nam, với mật độ điện thoại di động đạt trên 100%.
Đây cũng là nơi mà ngành viễn thông bị thống trị bởi 2 nhà mạng khổng lồ trên thế giới: Movistar - thành viên của Tập đoàn viễn thông Telefonia đứng thứ 3 thế giới về thuê bao và Claro - thành viên của Tập đoàn viễn thông American Movil do Carlos Slim, người từng giữ vị trí giàu nhất thế giới làm chủ.
Riêng 2 nhà mạng này đã chiếm 95% thị phần.
Các điều kiện, giấy phép cho hoạt động xây dựng hạ tầng ở Peru cũng khó khăn hơn nhiều so với những thị trường mà Viettel từng đầu tư. Vì vậy, Peru thiếu mất một điều vốn là thế mạnh của Viettel tại mọi thị trường: Bitel khai trương khi chưa có hạ tầng viễn thông lớn nhất tại đây.
Hoàn cảnh ra đời không thuận lợi khiến cuộc đầu tư của Viettel tại Peru vấp phải vô số sự hoài nghi và không thiếu lời khẳng định rằng tập đoàn đến từ Việt Nam khó có thể sống được ở xứ Nam Mỹ.
Tuy nhiên, những người đưa ra nhận định đó không nhìn thấy được mảng thị trường còn bỏ trống. Khi ấy, vùng phủ sóng 3G vẫn chỉ tập trung ở thành phố lớn mà chưa được phủ tại vùng nông thôn. Và ở một số vùng núi cao, rừng núi hiểm trở như khu vực rừng rậm Amazon, đến sóng di động 2G còn chưa có.
Điều khó tin đã xảy ra. Tháng 10/2016, sau 2 năm kinh doanh, Bitel công bố có lãi. Đây thực sự là cú bất ngờ đối với mọi dự đoán và phân tích, khi mà Entel - nhà mạng thuộc Top 4 tại Peru, đã đầu tư 10 năm nhưng vẫn lỗ.
Cùng với bức tranh tươi sáng của con số tài chính, Bitel còn trở thành nhà mạng được yêu thích nhất tại Peru - theo điều tra của công ty tư vấn và nghiên cứu thị trường Arellano vào tháng 6/2019. Số liệu điều tra cho thấy, khách hàng hài lòng với dịch vụ mạng 4G chất lượng tốt, giá cước cạnh tranh và chăm sóc chu đáo của nhà mạng Bitel.
Cũng vào năm 2019, Bitel chính thức trở thành mạng cáp quang lớn nhất Peru với 26.000km, gấp 15 lần so với nhà mạng đứng thứ 2.
Như vậy, Tập đoàn đến từ Việt Nam đã xây dựng được hệ thống hạ tầng di động vượt xa đối thủ, giống như mọi thị trường mà họ từng đặt chân đến. Từ một “tay chơi” bị đánh giá là không có cửa sống, Bitel mở rộng thị trường và vươn lên chiếm hơn 16% thị phần.
Những người Việt chinh phục vùng sâu nhất của rừng Amazon
Những câu chuyện của Viettel không dừng lại ở đó. Mới đây, một sự kiện chưa từng có trong lịch sử viễn thông Peru đã xảy ra: Vùng sâu nhất của rừng rậm Amazon đã được phủ sóng di động và sóng di động duy nhất đó là từ Bitel.
Kế hoạch phủ sóng 04 trạm thuộc lưu vực sông Amazon nhánh sông Tigre đã được Bitel cho phép triển khai từ cuối tháng 02/2020 rồi bị hoãn lại do dịch Covid-19.
Tuy nhiên, do Peru mất kiểm soát dịch bệnh, tình hình Covid-19 được dự báo vẫn tiếp tục kéo dài nên không thể chờ đợi mãi, Bitel quyết tâm triển khai lắp đặt phát sóng tại đây vào đúng dịp Noel.
Các thiết bị lắp đặt trạm BTS của Bitel đều phải vận chuyển bằng đường sông.
Trong điều kiện bình thường thì cuộc chinh phục vùng sâu nhất của Amazon vốn đã đầy thử thách khi Bitel chỉ có 6 nhân sự chính (gồm 2 đội trưởng người Việt), đem theo một khối lượng máy móc thiết bị rất lớn và di chuyển bằng đường sông dài 600km.
Với mỗi điểm đến, đội kỹ thuật chỉ có thời gian từ 2 – 2,5 ngày để lắp trạm BTS, viba và tích hợp phát sóng. Thời điểm thi công rơi đúng vào mùa mưa lớn.
Khó khăn nhân lên gấp bội trong hoàn cảnh các ca mắc Covid-19 gia tăng không ngừng. Vào thời điểm tháng 12/2020, Peru đứng top 5 thế giới về số ca mắc Covid-19, nhiều cuộc biểu tình nổ ra trên sông. Tàu thuyền bị cấm qua lại.
Để có thể di chuyển đến các trạm lắp đặt, đội kỹ thuật đã phải tuyên truyền rất kỹ cho người dân bản địa về Covid và chứng minh mình khỏe mạnh, đã xét nghiệm Covid đầy đủ thì mới được vào làm.
Bên cạnh đó, tại nơi sâu nhất của rừng rậm, người bản địa dùng ngôn ngữ thổ dân cũ nên đội Bitel phải mất thêm thời gian, chi phí để thông qua trung gian là trưởng làng làm phiên dịch, tìm thuê nhân công tại chỗ.
Trạm phát sóng di động của Viettel Peru ở khu vực sâu nhất của rừng già Amazon.
Tuy nhiên, vượt qua mọi thử thách, đội ngũ Bitel lại tiếp tục tạo nên một điều kỳ diệu. 04 trạm phát sóng được dựng lên đã đem sóng di động và Internet đến vùng sâu nhất giữa rừng Amazon, sau đó phổ cập Internet cho trường học mà chủ yếu là cho những thổ dân sinh sống ở vùng sâu tại khu vực này.
Tiếp theo, việc phát sóng thành công 04 trạm giúp triển khai được luồng truyền dẫn vào khu khai thác dầu khí tại khu vực Trompeteros.
Thử thách phủ sóng di động và Internet ở nơi sâu nhất của rừng rậm Amazon minh chứng cho chiến lược nhất quán của Viettel ở mọi thị trường mà Tập đoàn này đầu tư: Kinh doanh gắn liền với trách nhiệm xã hội.
Ở Việt Nam hay các thị trường quốc tế, Viettel luôn chủ động và tích cực sử dụng thế mạnh của mình để giải quyết những thách thức phát triển của xã hội – trong đó có những công việc mà có rất ít công ty muốn làm.