Các ngân hàng bắt đầu vào mùa đại hội cổ đông, trong đó cổ tức vẫn là vấn đề nóng nhất - Ảnh: A.H.
Tại đại hội cổ đông tổ chức hôm nay, 24-3, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) cho biết đến cuối năm 2020 ngân hàng có hơn 4.800 tỉ đồng lợi nhuận còn lại sau trích lập các quỹ, do vậy VIB dự kiến sẽ chia cổ phiếu thưởng từ nguồn lợi nhuận này để tăng vốn.
Tỉ lệ chia là 40% để tăng vốn từ 11.093 tỉ đồng hiện tại lên hơn 15.530 tỉ đồng. Việc chia cổ phiếu thưởng VIB dự kiến hoàn thành trước 30-9 năm nay.
Sau khi thực hiện việc tăng vốn bằng hình thức chia cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu VIB sẽ tăng thêm vốn điều lệ khoảng 466 tỉ đồng, lên 15.997 tỉ đồng thông qua chào bán cổ phiếu.
Đại diện VIB cho biết ngân hàng đang trong giai đoạn tăng trưởng tốt, cần vốn để đầu tư vào hệ thống công nghệ, mạng lưới, cấp tín dụng, đáp ứng các tỉ lệ an toàn vốn trong kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Với hơn 4.900 tỉ đồng vốn tăng thêm, VIB dự kiến sẽ dành 4.400 tỉ để tăng cường cấp tín dụng, phần còn lại để đầu tư cơ sở vật chất, mạng lưới chi nhánh, đầu tư tài sản thanh khoản...
Tại đại hội cổ đông cũng được tổ chức vào hôm nay, cổ đông Ngân hàng Hàng hải Việt Nam (MSB) thông qua phương án chi cổ tức theo tỉ lệ 30% bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Dự kiến, sau khi hoàn thành kế hoạch, vốn điều lệ của MSB sẽ đạt 15.221 tỉ đồng.
Nhiều ngân hàng khác cũng lên kế hoạch chia cổ tức khá cao như Ngân hàng Á Châu (ACB) dự kiến phát hành hơn 540 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020, tỉ lệ 25%. Qua đó, vốn điều lệ của ngân hàng dự kiến tăng thêm hơn 5.400 tỉ đồng.
SHB dự kiến sẽ chia cổ tức với tỉ lệ 20,5% bằng cổ phiếu, trong đó 10% cho năm 2019 và 10,5% cho năm 2020.
Trước đó, cổ đông Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên hơn 48.500 tỉ đồng bằng hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành riêng lẻ, chào bán ra công chúng.
Theo đó BIDV dự kiến phát hành 207,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019 và phát hành 281,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 (tương đương tỉ lệ 7%). Thời gian thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu dự kiến trong quý 3 và quý 4 năm nay.
Đến thời điểm này vẫn chưa có ngân hàng nào công bố kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt năm nay dù Chỉ thị số 01 của Ngân hàng Nhà nước ban hành hồi tháng 1 không đề cập đến câu chuyện "các ngân hàng không chia cổ tức bằng tiền mặt".
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một số chuyên gia cho rằng có nhiều lý do khiến các ngân hàng vẫn chia cổ tức bằng cổ phiếu dù Ngân hàng Nhà nước không cấm chia cổ tức bằng tiền mặt. Chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ giúp các ngân hàng tăng vốn để tăng năng lực cạnh tranh, từ đó phát triển bền vững hơn.
Ngoài ra, tăng vốn cũng là điều kiện cần để đảm bảo khả năng cung tín dụng của các ngân hàng. Hiện thu nhập của nhiều ngân hàng phần lớn vẫn đến từ tín dụng. Để duy trì được hệ số an toàn vốn ở mức hiện tại, thì với tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2021 ở mức 12-13%, vốn chủ sở hữu của các ngân hàng tăng ít nhất khoảng 7-8%.
Do vậy mùa đại hội cổ đông năm nay nhiều ngân hàng không trình phương án chia cổ tức tiền mặt để tăng vốn và tập trung phát triển các mảng kinh doanh trọng yếu.
TTO - Agribank Việt Nam cho rằng các khoản vay của Công ty Tây Nam là khoản vay có tài sản đảm bảo, đồng thời các tài sản này hiện chưa được giải tỏa.
Xem thêm: mth.51673019142301202-ueihp-oc-gnab-gnuhk-cut-oc-aihc-gnah-nagn-ueihn/nv.ertiout