Các dự án của Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nhà (Intresco - ITC) nằm trên giấy hàng chục năm trời gây lãng phí tài nguyên đất và có nguy cơ thất thoát tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
Theo kiểm tra, rà soát của Thanh tra Chính phủ, việc đầu tư của nhiều dự án tại Khu đô thị phía Nam thành phố không thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án đầu tư. Việc lựa chọn nhà đầu tư do UBND thành phố hoặc Ban quản lý khu Nam chỉ định, chấp thuận địa điểm đầu tư, chấp thuận đầu tư dự án, không có hồ sơ, văn bản thẩm định về năng lực của nhà đầu tư.
Việc đầu tư tràn lan, dàn trải dẫn đến hiện nay chưa có dự án nào hoàn thành, đều trong tình trạng dở dang, hầu hết các dự án được giao đất từ những năm 2000 nhưng đa số chưa hoàn thành việc bồi thường giải phóng mặt bằng nên chưa thực hiện được việc đầu tư xây dựng, không đảm bảo tiến độ đề ra. Hầu hết các dự án đầu tư tại đây đều vi phạm về thủ tục đầu tư, cụ thể là UBND thành phố hoặc Ban quản lý khu Nam có văn bản chấp thuận đầu tư khi chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng được phê duyệt.
Nhiều dự án bất động sản của Intresco đã lọt vào danh sách Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND TP.HCM xem xét, thu hồi trong loạt dự án treo đất hàng chục năm tại Khu đô thị Nam thành phố Hồ Chí Minh. Đây cũng là những dự án lùm xùm nhiều năm qua chưa giải quyết của Intresco.
Cụ thể, 3 dự án trong diện bị kiến nghị thu hồi của Intresco bao gồm:
Khu 6A Khu dân cư Intresco diện tích 6,91ha triển khai từ năm 2001 nhưng đến nay mới giải phóng mặt bằng được 64%.
Dự án đầu tư hạ tầng KT chính khu 6B diện tích đất giao 21,73ha triển khai năm 2001 đến nay mới giải phóng mặt bằng được 56%.
Dự án phát triển nhà ở tại Lô số 5 diện tích 6,73ha mới giải phóng mặt bằng được 62% dù triển khai năm 2001.
Cùng với đó, ITC có nhiều dự án chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất ở Khu đô thị này, gồm: Dự án Phát triển nhà ở Lô số 5 (6,73ha), Khu dân cư Green City (12,54ha- đã giải phóng mặt bằng xong 100%). Các dự án trên đều thuộc diện được UBND TP.HCM thực hiện giao đất bằng quyết định tạm giao đất, sau bồi thường mới có quyết định giao đất chính thức làm căn cứ để xác định nghĩa vụ tài chính về đất. Điều này đã dẫn đến việc chủ đầu tư chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất, có nguy cơ gây thất thu ngân sách nhà nước về tiền sử dụng đất và tiền thuê đất.
Trong các dự án trên, tai tiếng nhất là dự án Khu dân cư 6A Intresco. Dự án này sau khi được phê duyệt đề án quy hoạch chi tiết sử dụng đất tỷ lệ 1/500 thì đã được đưa ra huy động vốn. Người dân đã nộp tiền theo hình thức góp vốn để mua đất nền tại dự án này nhưng 20 năm qua, dự án vẫn chỉ nằm yên trên giấy dù người mua ròng rã nhiều năm đòi quyền lợi.
Báo cáo tài chính công ty mẹ của ITC cho biết, chi phí đầu tư dở dang tại dự án khu 6A tính đến cuối năm 2020 là 132,3 tỷ đồng. Khoản người mua trả tiền trước (khoản ứng trước của khách mua đất nền) tại dự án này là 109,5 tỷ đồng. Trong khi đó, ITC đang đem hơn 42 tỷ đồng đi gửi ngân hàng không kỳ hạn.
Intresco thời điểm trước đó được tin tưởng nhờ thương hiệu doanh nghiệp nhà nước thuộc Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn. Đến năm 2001, công ty tiến hành cổ phần hóa và hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Từ thời điểm đó đến nay, ITC có 1 giai đoạn làm ăn khó khăn chồng chất thua lỗ, lợi nhuận bèo bọt (2011- 2015). Tuy nhiên vài năm trở lại đây, ITC đã báo cáo lợi nhuận khả quan trở lại trên báo cáo tài chính.
Hiện Intresco đang tập trung vào dự án Terra Royal, phần lớn các khoản vay đều chủ yếu dùng để phục vụ cho việc phát triển dự án này (theo báo cáo soát xét giữa năm 2020).
Báo cáo tài chính của Intresco cho thấy doanh nghiệp này tiếp tục huy động vốn qua vay nợ trong năm vừa qua. Nợ phải trả của ITC cuối năm 2020 ở mức 2.322 tỷ đồng, trong đó tăng vay nợ dài hạn. Tổng vay nợ tài chính của ITC là 828 tỷ đồng.
Báo cáo kết quả kinh doanh cho thấy, năm 2020, công ty phải trả tới 39,7 tỷ chi phí lãi vay, trong đó riêng quý 4 phải chi trả đến 33,6 tỷ chi phí lãi vay. Con số này gấp tới 8 lần chi phí năm 2019. ITC cho biết, quý 4 là giai đoạn bàn giao nên lãi vay không vốn hóa vào chi phí đầu tư mà đưa vào chi phí tài chính.
Ngoài ra, các khoản phải trả người bán ngắn hạn, phải trả người lao động và phải trả ngắn hạn khác của ITC đều lần lượt tăng 96%, 150% và 255%.
Đáng nói, hơn 10 trang thuyết minh chi tiết các thông tin về các khoản nợ phải trả trên không biết "vô tình hay cố ý" mà không xuất hiện trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp đã được công bố trên website và cả trên Sở giao dịch chứng khoán Tp.HCM.
Xem thêm: mth.73281326142301202-tek-ioh-ned-pas-ocsertni-auc-yaig-nert-oert-na-ud-taol/nv.ymonocenv