Ngày 24/3, tại hội nghị tổng kết công tác phòng, chống tội phạm trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, Thượng tá Châu Quốc Huy, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Bạc Liêu) cho biết, thời gian qua tình hình băng nhóm tội phạm hoạt động cho vay lãi nặng trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp.
Nhiều đối tượng từ các tỉnh ở phía Bắc, Tây Nguyên đến địa bàn hoạt động cho vay lãi nặng với hình thức tín dụng đen núp bóng công ty hỗ trợ tài chính, dịch vụ cho thuê xe mô tô, cho vay tiền trả góp, cho vay tiền qua app điện thoại di động…
Các đối tượng này thành lập băng nhóm một cách chặt chẽ, gồm nhiều đối tượng có tiền án, tiền sự, côn đồ hung hãn, sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn, hành vi trái pháp luật như đe dọa, khủng bố, cưỡng đoạt tài sản đối với người vay không có khả năng thanh toán.
Theo Thượng tá Châu Quốc Huy, từ năm 2019 đến nay, Phòng Cảnh sát hình sự đã đấu tranh, triệt xóa hàng chục băng nhóm tội phạm hoạt động cho vay lãi nặng. Trong đó, Phòng đã xác lập 2 chuyên án để đấu tranh, qua đó đã bắt, khởi tố 15 đối tượng.
Điển hình có chuyên án (bí số 820T) đấu tranh với băng nhóm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, do Vũ Đình Dũng (ngụ tỉnh Đắk Nông) cầm đầu, cùng 10 đối tượng tổ chức hoạt động cho vay lãi nặng trên địa bàn các tỉnh miền Tây Nam Bộ, như Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, Hậu Giang. Qua đó, đã chứng minh số đối tượng này cho vay hơn 2.270 lượt vay, với tổng số tiền trên 9,6 tỷ đồng.
Qua công tác đấu tranh với nhóm tội phạm này, Thượng tá Châu Quốc Huy cho rằng, đối tượng hoạt động lưu động từ nơi khác đến địa bàn tạm trú thời gian ngắn, hoạt động rất tinh vi, đa số không đăng ký thường trú nên khó quản lý, phát hiện. Đối tượng còn sử dụng sim điện thoại rác, số xe giả, tài khoản không chính chủ... để thực hiện hành vi phạm tội, sau đó xóa dấu vết nên khó điều tra để xử lý.
"Việc cấp phép kinh doanh cho một số doanh nghiệp đăng ký ngành nghề, nhưng công tác kiểm tra quản lý không được quan tâm, dẫn đến hoạt động biến tướng bất thường.
Các quy định của pháp luật về tín dụng và quản lý hoạt động các tổ chức tín dụng hiện nay còn nhiều vướng mắc, chế tài xử lý vi phạm còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe, mức án dành cho tội phạm này cao nhất 3 năm tù", Trưởng phòng Cảnh sát hình sự nêu khó khăn.
Theo Thượng tá Huy, loại hình tín dụng đen phát triển mạnh xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó đối tượng "đánh" vào tâm lý người vay với thủ tục đơn giản chỉ cần hộ khẩu, chứng minh nhân dân, cho đối tượng biết nhà, bên cạnh đó số tiền vay thấp, trả góp theo ngày thuận lợi cho những người buôn bán nhỏ lẻ.
Đặc biệt, băng nhóm tín dụng đen thường cho vay cao hơn lãi suất ngân hàng gấp 20 đến 30 lần. Do nhu cầu, khách hàng vay tiền số lượng nhỏ từ 5 triệu đồng đến 20 triệu đồng với thủ tục nhanh gọn, được hợp thức bằng các loại hợp đồng theo ngành nghề đăng ký, từ đó đưa ra những thỏa thuận yêu cầu khách hàng phải đóng góp hàng ngày, với lãi suất hàng tháng lên tới 15% - 30%.
Trưởng phòng Cảnh sát hình sự cho biết, thời gian tới lực lượng sẽ đẩy mạnh rà soát lập danh sách các băng nhóm, đối tượng nghi vấn hoạt động tín dụng đen, quản lý, răn đe các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội.
Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ quan có chức năng cấp phép hoạt động quản lý, kiểm tra các công ty tài chính, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh núp bóng hoạt động cho vay nặng lãi để chủ động chấn chỉnh, phát hiện sai phạm, xử lý nghiêm theo pháp luật.
Huỳnh Hải