Các doanh nghiệp phố Wall đang lần lượt có những động thái cho thấy sự cảm thông và chia sẻ với các nhân viên của mình – cả những người mới lẫn các nhân viên kỳ cựu – khi tình trạng bất ổn do tác động của đại dịch khiến khối lượng cũng như áp lực công việc của họ trở nên quá lớn.
Citigroup là cái tên mới nhất trong danh sách, khi hôm 23/3 vừa qua, tân Giám đốc điều hành ngân hàng Jane Fraser thông báo ngân hàng sẽ không sử dụng ứng dụng Zoom trong các cuộc họp nội bộ vào ngày thứ sáu hàng tuần, đồng thời khuyến khích nhân viên nên dành thời gian cho các chuyến du lịch, nghỉ ngơi.
Trước đó, hôm 21/3, Giám đốc điều hành Goldman Sachs David Solomon đã cam kết sẽ làm việc để thực thi nghiêm ngặt hơn “quy tắc thứ bảy”, để các nhân viên, đặc biệt là nhân viên trẻ tuổi, không phải làm việc tại văn phòng vào ngày nghỉ cuối tuần. Jefferies Financial tuần trước cũng cho biết sẽ trao thưởng cho các nhân viên trẻ tuổi bằng gói tập thể dục, bao gồm cả thiết bị đạp xe trong nhà của Peloton.
Các doanh nghiệp lớn nhất thế giới đang cố gắng thích ứng với những thay đổi của người lao động, trong bối cảnh các đợt phong tỏa vì đại dịch Covid-19 vẫn tiếp diễn. Trong tháng này, tập đoàn sản xuất xe hơi Ford Motor thông báo rằng, hơn 30.000 nhân viên hãng có thể được phép tiếp tục làm việc tại nhà ngay cả khi đại dịch kết thúc. Tuy vậy, vẫn có những doanh nghiệp khá bức xúc và kêu gọi nên sớm đưa người lao động – bao gồm cả các nhân viên thực tập – quay trở lại văn phòng, bởi làm việc, hội họp trực tuyến khiến việc truyền tải văn hóa doanh nghiệp ngày càng trở nên khó khăn.
Geoff Blades, người sáng lập BLK Consulting – tập đoàn tư vấn quản trị nhân sự cho các công ty lớn ở phố Wall – nhận định, làm việc tại nhà rất dễ mang tới cảm giác bị cô lập.
“Vấn đề không chỉ là bạn phải làm việc tới 100 giờ một tuần, mà quan trọng hơn là bạn không có đội ngũ làm việc cùng mình, không có những mối quan hệ thân thiết nơi công sở", chuyên gia tư vấn cho hay. “Vào thời của tôi, làm việc 100 giờ một tuần thực sự khó khăn, nhưng chí ít thì tôi có các đồng nghiệp, các cộng sự lâu năm để cùng hợp tác, chia sẻ. Trong khi đó, ở thời điểm này, các nhân viên đó đang phải làm tất cả mọi việc mà không có sự kết nối với các lãnh đạo cấp cao cũng như các đồng nghiệp khác".
CEO Citigroup ra quy định "ngày thứ sáu không Zoom". Ảnh: Bloomberg
“Ngày khôi phục”
Jane Fraser, người kế nhiệm vị trí của cựu CEO Citigroup Michael Corbat đã thông báo về chương trình “Ngày thứ sáu không Zoom” trong một biên bản ghi nhớ nội bộ gửi tới các nhân viên, đồng thời chọn ngày 28/5 tới là ngày nghỉ - hay như cách gọi của trong bản ghi nhớ là “Ngày khôi phục” – dành cho toàn bộ nhân viên làm việc tại ngân hàng này.
Giám đốc điều hành mới cũng khuyến khích nhân viên tránh sắp xếp các cuộc họp ngoài giờ làm việc - một điều vốn được coi là bình thường trước khi đại dịch xảy ra.
“Từ ý kiến phản hồi của các bạn cũng như những gì chính bản thân tôi đang trải qua, tôi hiểu rằng ranh giới mờ nhạt giữa nhà và nơi làm việc, cũng như những ngày làm việc không ngừng nghỉ trong bối cảnh đại dịch, đã và đang ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta", bà Fraser viết. “Điều này khó có thể chịu đựng được".
Trong khi đó, Giám đốc điều hành Goldman Sachs, ông David Solomon cũng đã có động thái phản hồi với nhóm chuyên viên phân tích đầu tư mới được tuyển dụng của ngân hàng. Trước đó, nhóm nhân viên này thậm chí đã chuẩn bị một bài thuyết trình để người quản lý cấp cao của họ hiểu rằng việc một số người phải làm việc tới 100 giờ mỗi tuần đang khiến họ lâm vào tình trạng kiệt quệ thể lực và giảm sút tinh thần.
Ông Solomon tuyên bố sẽ thực thi nghiêm ngặt hơn “quy tắc thứ bảy”, trong đó nêu rõ các nhân viên ngân hàng cấp dưới không nên có mặt tại văn phòng từ 21 giờ tối thứ sáu đến 9 giờ sáng chủ nhật.
Dẫu vậy, ông Geoff Blades, người từng là cựu nhân viên của Goldman Sachs tin rằng, những thay đổi được công bố gần đây không phải là thuốc chữa bách bệnh.
“Trừ khi bạn thực sự tạo ra những thay đổi trong vấn đề nhân sự và cân đối khối lượng công việc, nếu không, những giải pháp này sẽ không thay đổi được bất cứ điều g", ông Blades cho hay. “Bạn cho mọi người nghỉ vào thứ bảy và đoán xem ai sẽ có mặt tại văn phòng vào ngày này? Chính là các lãnh đạo cấp cao, bởi các nhân viên cấp dưới không thể ở đó nữa".
Về phần mình, Citigroup cho biết đã cân nhắc xem trong dài hạn, tương lai của việc làm sẽ như thế nào. Bà Fraser khẳng định, với một số vị trí nhất định, việc có mặt tại văn phòng làm việc là rất quan trọng, bởi nó ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh, sự hợp tác cũng như hướng dẫn cho các nhân viên mới.
Cũng trong tuần này, Citigroup đã thông báo tới các sinh viên thực tập rằng chương trình của họ sẽ được tiếp tục theo hình thức làm việc trực tuyến. Thời gian thực tập cũng sẽ được khôi phục lại là 10 tuần, sau khi bị giảm xuống còn 5 tuần vào năm ngoái.
Với các nhân viên của mình, Citigroup đưa ra chính sách hậu đại dịch, cho phép đa số nhân viên của ngân hàng làm việc tại văn phòng ít nhất 3 ngày/tuần và làm việc tại nhà tối đa 2 ngày/tuần.
Tuy nhiên, nhân viên làm việc ở các chi nhánh giao dịch và trung tâm dữ liệu sẽ vẫn phải tới nơi làm việc, trong khi một số vị trí khác như nhân viên hỗ trợ khách hàng sẽ được phép làm việc tại nhà hoàn toàn, mặc dù việc này khá hiếm hoi.
“Chúng tôi muốn mọi người cảm nhận được sự gắn bó với doanh nghiệp, cảm nhận được sự tự hào trong công phục vụ khách hàng và cũng như nhận thức rõ nghĩa vụ bảo vệ hệ thống tài chính", bà Fraser nói. “Điều này chỉ xảy ra khi chúng ta sát cánh bên nhau - và như những gì đã trải qua, chúng ta đều hiểu rằng, cảm giác cô độc không hề tuyệt chút nào”.
Đỗ Hiền
NDH