VKSND Tối cao vừa ban hành quyết định kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm vụ tham ô tài sản xảy ra tại TAND tỉnh Phú Yên.
Bốn bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 12-2019. Ảnh: TẤN LỘC
Từ năm 2010 đến tháng 8-2017, Lê Văn Phước, Chánh án TAND tỉnh Phú Yên cùng ba thuộc cấp là Trương Công Lộc (phụ trách kế toán), Ngô Thị Phương Thảo (kế toán), Huỳnh Thị Nhã Nhàn (thủ quỹ TAND tỉnh Phú Yên) đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao lập khống chứng từ, sổ sách, tài liệu kế toán, chiếm đoạt hơn 2,8 tỉ đồng ngân sách Nhà nước.
Tháng 12-2019, TAND tỉnh Phú Yên xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Phước 15 năm sáu tháng tù, Lộc 17 năm tù, Nhàn 15 năm tù, Ngô Thị Phương Thảo ba năm tù.
Bốn bị cáo kháng cáo xin giảm án.
Ngày 26-5-2020, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xử phúc thẩm chấp nhận kháng cáo, giảm án cho cả bốn bị cáo.
Cụ thể, hai bị cáo được giảm ba năm tù là Lê Văn Phước còn 12 năm sáu tháng tù, Trương Công Lộc còn 14 năm tù.
Tòa giảm hai năm tù cho bị cáo Nhàn, còn 13 năm tù, Thảo được hưởng án treo.
VKSND Tối cao không chấp nhận giảm án cho bị cáo Lê Văn Phước, cựu Chánh án TAND tỉnh Phú Yên. Ảnh: TẤN LỘC
Theo VKSND Tối cao, hành vi phạm tội của các bị cáo thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 353 BLHS năm 2015, có mức hình phạt tù từ 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Xét các bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên tòa sơ thẩm áp dụng khoản 1, Điều 54 BLHS quyết định hình phạt đối với các bị cáo Phước, Lộc, Nhàn dưới mức thấp nhất của khung hình phạt liền kề nhẹ hơn là khoản 3, Điều 353 BLHS có mức hình phạt từ 15 đến 20 năm tù là phù hợp.
Bị cáo Thảo là đồng phạm giúp sức với vai trò không đáng kể nên được xem xét áp dụng khoản 2, Điều 54 BLHS, xử phạt ba năm tù là thỏa đáng.
Bị cáo Lê Văn Phước tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: TẤN LỘC
VKSND Tối cao cho rằng TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm quyết định mức hình phạt đối với Phước, Lộc, Nhàn là vi phạm nghiêm trọng khoản 1, khoản 2, Điều 54 BLHS.
Theo đó, hình phạt áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt và không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn chỉ áp dụng đối với người giúp sức có vai trò không đáng kể.
Các bị cáo Phước, Lộc, Nhàn không thuộc trường hợp này nhưng tòa án cấp phúc thẩm lại bỏ qua khung hình phạt liền kề là khoản 3, Điều 353 BLHS, chuyển xuống khoản 2, Điều 353 BLHS là trái quy định.
VKSND Tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm theo hướng áp dụng khoản 2, Điều 388 BLHS, hủy bản án phúc thẩm, giữ nguyên bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Phú Yên.