Chiều 25/3, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; các báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, Chính phủ, TAND tối cao, VKSND tối cao, Kiểm toán nhà nước.
Chủ tịch nước đã thể hiện xuất sắc vai trò Nguyên thủ quốc gia
ĐBQH Bùi Đặng Dũng (Kiên Giang) bày tỏ tâm đắc với báo cáo tổng kết của Chủ tịch nước, khiến ông suy nghĩ rất nhiều. "Đây cũng là một nhiệm kỳ đặc biệt khi Chủ tịch nước đồng thời là Tổng Bí thư, đảm nhận chức vụ giữa nhiệm kỳ, trong bối cảnh đất nước và thế giới rất nhiều biến động. Nói như hình ảnh của Thủ tướng vừa qua, đất nước như một con tàu "vượt qua hải trình dồn dập bão tố". Hình ảnh ấy rất sống động, một dân tộc vượt qua sóng bão, ghềnh thác rất bản lĩnh. Niềm tin của cử tri và uy tín quốc tế được nâng lên", đại biểu đánh giá.
Các đại biểu thảo luận tại tổ, chiều 25/3. |
Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, Chủ tịch nước đã thể hiện xuất sắc vai trò của Nguyên thủ quốc gia, biểu tượng trung tâm của đoàn kết dân tộc, biểu tượng của niềm tin cho nhân dân. "Tất cả chúng ta đều thấy, hình ảnh Tổng Bí thư, Chủ tịch nước xuất hiện ở đâu thì người dân, cán bộ, đảng viên đều rất vui mừng", đại biểu nói và cho rằng, những yếu tố đó tạo nên tình cảm, sự đồng thuận, đoàn kết chung trong Đảng, trong xã hội, trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh COVID-19 và nhiều yếu tố. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để nước ta đạt được nhiều kết quả trong nhiệm kỳ.
Ấn tượng của đại biểu là Chủ tịch nước đã giải quyết được nhiều mối quan hệ đối ngoại, nhất là với các nước lớn, các tổ chức quốc tế, giúp tình hình đất nước ổn định. Trong đó có những vấn đề nhạy cảm, phức tạp đều được giải quyết linh hoạt, hài hoà, hiệu quả, lấy lợi ích dân tộc lên trên hết. Tinh thần đối ngoại của Việt Nam là đa phương hoá, nước ta làm bạn với tất cả các nước cùng thiện chí, tôn trọng độc lập, chủ quyền.
Quốc hội dám quyết những vấn đề các nhiệm kỳ trước chưa quyết định
ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, nhiệm kỳ vừa qua Quốc hội đã rất đổi mới, không chỉ về phương pháp mà đổi mới trong tư duy điều hành, tư duy của từng đại biểu. Tư duy đổi mới thể hiện ở tính phản biện và tranh luận trong giám sát, để cuối cùng Quốc hội quyết định đúng đắn, sát với thực tiễn. "Đổi mới thứ hai là Quốc hội dám quyết định những vấn đề mà các nhiệm kỳ trước chưa quyết định. Ví dụ vấn đề chính quyền đô thị, một số cơ chế cho các địa phương có lợi thế phát triển, quyết định một số dự án tầm nhìn rất xa cho sự phát triển của đất nước. Đó là trí tuệ và sự lắng nghe ý kiến của đồng bào cử tri và các chuyên gia...", đại biểu nhận định.
ĐBQH Bùi Đặng Dũng thảo luận tại tổ. |
Bên cạnh đó, tính dân chủ trong hoạt động của Quốc hội cũng có nhiều đổi mới. Dân chủ có kỷ cương, có sự đoàn kết và chia sẻ, làm cho đại biểu thể hiện được trách nhiệm nhiều hơn. ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị Quốc hội nhiệm kỳ tới tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách, tính toán bố trí ĐBQH chuyên trách có bản lĩnh, "nhìn thấy cái đúng, dám bảo vệ cái đúng, đồng thời nhìn ra được cái sai, phản biện được và cuối cùng quyết định đúng". Đại biểu chuyên trách phải sát thực tiễn, bắt nhịp hơi thở của cuộc sống. Phải có quy chế để đại biểu song trùng thực tiễn, chứ không phải đi lướt qua thực tiễn. Đồng thời cầu thị, lắng nghe và chọn lọc cái mới...
Theo ĐBQH Trần Thị Hằng (Bắc Ninh), ấn tượng ở nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV là phương thức, cách thức giám sát ngày càng nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng ngày càng nâng lên. Quốc hội giám sát qua hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. "Cử tri rất ghi nhận cách thức chúng ta cải tiến sau này là "hỏi nhanh, đáp gọn", bởi không chỉ nâng cao số lượng đại biểu chất vấn mà các Bộ trưởng cũng phải đáp gọn, trả lời thẳng. Nhiều vấn đề cử tri quan tâm được đưa đến nghị trường, qua tiếp xúc cử tri, cử tri rất quan tâm và hài lòng về vấn đề này", đại biểu nói.
Quốc hội đã khẳng định vai trò của UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, khẳng định vai trò của Đoàn ĐBQH 63 tỉnh thành; các ĐBQH. Nhất trí với 6 bài học sâu sắc được chỉ ra trong báo cáo, đại biểu Trần Thị Hằng cũng mong muốn Quốc hội khóa tới đạt được các chỉ tiêu về tỷ lệ đại biểu nữ, đại biểu trẻ, ĐBQH chuyên trách, qua đó nâng cao hoạt động của ĐBQH chuyên trách, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội khóa XV.
Chính phủ chủ động hội nhập, đem lại tăng trưởng cho nền kinh tế
Góp ý vào báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo của Đảng và điều hành của Chính phủ rất nhất quán, xuyên suốt, đó là đường lối đổi mới, mở cửa. Đây là vấn đề then chốt để chúng ta có điều kiện phát triển, hội nhập sâu rộng trong bối cảnh thế giới đang biến động rất nhanh.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh. |
"Báo cáo của Chính phủ nhấn mạnh việc chủ động, sáng tạo, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Chúng ta thấy rất rõ vai trò trong chủ động hội nhập rất lớn, từ chỗ tham gia các khuôn khổ hợp tác quốc tế thì giờ chúng ta đã chủ động dẫn dắt, nhất là vai trò trong ASEAN. Hàng loạt hiệp định thương mại tự do được ký kết, Từ CPTPP đến gần đây là VASEP... đều khẳng định vị thế, uy tín của chúng ta, mang lại hiệu quả chiến lược hội nhập theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa. Chính nhờ điều này, kinh tế ngoài nước và xuất nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng mang tính bền vững, thể hiện qua các chuỗi cung ứng quốc tế", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu.
Năm 2020, COVID-19 làm tất cả các nước tăng trưởng âm, chỉ có Việt Nam đạt tăng trưởng xuất khẩu 6,2%. Chính đà tăng trưởng này giúp chúng ta duy trì đà sản xuất, thị trường cho ng nông dân, các doanh nhiệp và tăng sức chống chịu của nền kinh tế. Với việc hội nhập, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và các doanh nghiệp được khẳng định. Các sản phẩm của ngành công nghiệp, chế biến chế tạo được khẳng định. Nông nghiệp tăng trưởng vô cùng ấn tượng, tác động lớn đến giao thương với các nước trên thế giới của Việt Nam...
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công thương cũng đề nghị cần làm rõ các vướng mắc, bất cập của các chính sách pháp luật; việc sửa đổi, điều chỉnh nhiều dự án luật không được quan tâm. Một số chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chưa đi vào cuộc sống; công tác phối hợp giữa các bộ ngành, địa phương có nơi, có lúc còn chưa chặt chẽ. Đại biểu đề nghị tới đây cần tổ chức tốt hơn công tác xây dựng pháp luật, thực thi chính sách; tăng cường kỷ luật hành chính của đội ngũ cán bộ công chức các cấp...
Giáo dục, nông nghiệp vẫn còn băn khoăn
ĐBQH Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) cũng cho rằng, nhiệm kỳ qua đã để lại nhiều dấu ẩn nổi bật. Chính phủ đã tích cực, chủ động, thực hiện cải cách, đổi mới, và các thành viên Chính phủ cũng tăng cường đi cơ sở, chỉ đạo sát thực tiễn. "Thủ tướng Chính phủ luôn "lên rừng, xuống biển", rất sát thực tiễn cơ sở. Đặc biệt trước đại dịch COVID-19 đồng chí rất sát sao, điều hành rất thành công trong thực hiện mục tiêu kép", ĐBQH tỉnh Nghệ An đánh giá.
ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm. |
Tuy nhiên, theo đại biểu, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nổi lên một số vấn đề, cần được lưu tâm, xử lý tốt hơn trong nhiệm kỳ tới. Chẳng hạn trong lĩnh vực giáo dục từ đầu nhiệm kỳ đến nay, kỳ nào cũng rất nóng bỏng. "Lúc thì giáo viên đi tiếp khách, lúc thì thi cử có vấn đề. Cần phải xem xét, đánh giá xem vấn đề do đâu, có vai trò của cá nhân hay không?", ông nói. Cùng với đó, đại biểu cũng băn khoăn về tình trạng chậm tiến độ các công trình trọng điểm quốc gia, như đường cao tốc, sân bay Long Thành…
ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm khẳng định, nhiệm kỳ Chính phủ vừa qua thấy rõ sự kế thừa, có nhiều đổi mới, hiệu quả rõ nét, thiết thực. Trước rất nhiều khó khăn, thách thức mà đạt được kết quả như vậy, có thể thấy rõ tầm nhìn, khả năng điều hành, ứng biến linh hoạt, quyết liệt, kịp thời của Chính phủ. Đồng tình với nhiều kết quả nổi bật mà báo cáo đã nêu, nữ đại biểu cho rằng nếu sự đồng bộ, phối hợp, liên kết làm tốt hơn thì kết quả sẽ còn lớn hơn.
"Riêng vấn đề nông nghiệp, ngay từ những kỳ họp đầu kiên Quốc hội khóa XIII tôi từng chất vấn đồng chí Thủ tướng Chính phủ, chúng ta phải làm gì để người nông dân sống được và làm giàu trên mảnh đất của mình. Đến nay sau 10 năm nhìn lại, thay đổi đáng kể trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, song đến nay hạn chế của nông nghiệp vẫn là khâu tổ chức sản xuất, chế biến, hộ cá thể... Báo cáo Chính phủ nói một câu rất trăn trở, nông nghiệp là "trụ đỡ" của nền kinh tế. Khi kinh tế trong nước gặp khó khăn thì nông nghiệp là "trụ đỡ", nhưng khi người nông dân gặp khó khăn, ai sẽ là "trụ đỡ" cho người nông dân?", đại biểu băn khoăn.
Xem thêm: /651536-od-urt-al-es-ia-nahk-ohk-pag-nad-gnon-iougn-ihK/us-ioht-naul-hniB-neik-uS/nv.moc.dnac