- Yêu cầu các nước tôn trọng chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông
- Yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam
- Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi về Hoàng Sa và Trường Sa
Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 25/3 tại Hà Nội, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh rằng hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, đồng thời yêu cầu Trung Quốc chấm dứt việc vi phạm này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng. |
"Cần phải nhắc lại rằng Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Là quốc gia biển và là thành viên của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, Việt Nam được hưởng chủ quyền, quyền chủ quyền, và quyền tài phán đối với các vùng biển của mình, được xác lập bởi Công ước.
Hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hãi của Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm quy định của Công ước về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải quốc gia ven biển, đi ngược lại tinh thần và nội dung Tuyên bố về Cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), làm phức tạp tình hình, không có lợi cho tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử giữa ASEAN và Trung Quốc ở Biển Đông (COC)”, bà Lê Thị Thu Hằng nói.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao yêu cầu Trung Quốc chấm dứt vi phạm, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, thiện chí thực hiện Công ước, nghiêm chỉnh tuân thủ DOC, đặc biệt là nghĩa vụ kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, tạo môi trường thuận lợi cho tiến trình đàm phán COC, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, và trật tự pháp lý trên biển tại khu vực.
Liên quan đến việc có hay không sự xuất hiện tàu hải cảnh Việt Nam tại đá Ba Đầu, bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: "Các lực lượng chấp pháp của Việt Nam thực hiện nghĩa vụ, nhiệm vụ, như đã được quy định trong các luật liên quan của Việt Nam, cũng như tuân thủ nghiêm túc các quy định liên quan của luật pháp quốc tế, trong đó trước hết là UNCLOS 1982".