Tôi và vợ kết hôn năm 2018, có giấy chứng nhận kết hôn. Tuy nhiên, tôi và vợ đều có hộ khẩu khác nhau. Vợ tôi vẫn ở hộ khẩu nhà mẹ ruột và tôi ở hộ khẩu nhà tôi từ trước đến nay. Hiện vợ tôi mới sinh con, chưa làm khai sinh và tôi muốn con tôi được nhập vào hộ khẩu của tôi. Xin hỏi, việc muốn đăng ký cho con vào hộ khẩu của tôi có được không, thủ tục như thế nào?
Bạn đọc Nguyễn Tùng Linh (Đồng Tháp)
Luật sư Phạm Minh Tâm, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Điều 13 Luật Cư trú 2006, sửa đổi, bổ sung 2013 quy định nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú (nơi thường trú hoặc nơi tạm trú) của cha, mẹ.
Nếu cha, mẹ có nơi cư trú khác nhau thì nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha hoặc mẹ mà người chưa thành niên thường xuyên chung sống.
Từ quy định này, con của anh Linh vừa sinh, anh Linh có thể thỏa thuận cùng vợ về nơi đăng ký thường trú cho con mình.
Mặt khác, anh Linh cho biết con anh vẫn chưa được khai sinh. Vì vậy, anh nên lựa chọn làm thủ tục khai sinh và nhập hộ khẩu cho con tại cùng một nơi, tức nơi thường trú của anh hoặc vợ.
Về thủ tục đăng ký thường trú, theo Điều 6 Thông tư 35/2014 của Bộ Công an, anh Linh cần chuẩn bị hồ sơ gồm các giấy tờ sau: Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu. Bản khai nhân khẩu. Giấy khai sinh của con. Giấy tờ chứng minh (như giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ; giấy khai sinh của con) hoặc xác nhận của UBND xã, phường về quan hệ cha mẹ - con. Sổ hộ khẩu.
Trường hợp anh Linh đăng ký thường trú tại tỉnh thì hồ sơ được nộp tại công an xã, thị trấn thuộc huyện.
Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày trẻ em được đăng ký khai sinh, cha, mẹ hoặc đại diện hộ gia đình, người nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em có trách nhiệm làm thủ tục đăng ký thường trú cho trẻ em.