Ông Nguyễn Văn Sơn (giữa, hàng trước) kiểm tra Dự án di dân khẩn cấp khỏi vùng nguy hiểm tại huyện Yên Sơn, Tuyên Quang - Ảnh: B.T.Q.
"Bạn từng là bí thư xã đoàn có kinh nghiệm công tác thanh niên. Nay làm bí thư Đảng ủy xã, trong khi lao động trẻ ở xã không có việc làm thì bạn phải gõ cửa doanh nghiệp để xin việc cho họ. Cứ đi xin, còn bạn nào không xin được việc thì lập danh sách đưa cho tôi, tôi cũng sẽ đi xin việc cho các bạn ấy".
Đó là chuyện gây ấn tượng với chúng tôi khi nghe Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn kể cuộc tiếp xúc mới đây của ông ở xã Tân Thanh, huyện Sơn Dương, với cô bí thư xã Đàm Thị Vân Anh.
Biến nhiệt huyết tuổi trẻ thành nguồn năng lượng
Tuyên Quang từng là nơi đặt các cơ quan đầu não trong kháng chiến chống Pháp và được mệnh danh là "thủ đô gió ngàn". Truyền thống cách mạng ấy thấm đẫm vùng đất này. Câu chuyện trưởng thành từ Đoàn với các cán bộ nay giữ cương vị trọng yếu tại các địa phương mỗi người mỗi cách, nhưng vẫn toát lên nhiệt huyết một thời tuổi trẻ.
Khi ông Sơn còn làm bí thư Tỉnh đoàn Tuyên Quang (2004-2009), chúng tôi đã tiếp xúc và ấn tượng với ông về việc đến với tổ chức Đoàn. Ông sinh năm 1970, quê huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, xuất thân là thầy giáo, hiệu trưởng một trường THPT ở huyện Hàm Yên, rồi giữ chức phó chủ tịch UBND Hàm Yên, Tuyên Quang, khi mới ngoài 30 tuổi.
"Năm 2004, khi còn là phó chủ tịch huyện Hàm Yên, một lần bí thư Tỉnh ủy Trần Trung Nhật vỗ vai hỏi: "Tỉnh đang cần thủ lĩnh thanh niên, chú còn trẻ, cũng thấy có khả năng đấy, liệu dám làm bí thư Tỉnh đoàn không? Nếu được chọn, chú sẽ làm gì?".
"Nếu được chọn thì em sẽ làm hết sức hết mình". Muốn làm thủ lĩnh thanh niên thì mình phải "xả thân" lao vào cùng anh em để hiểu họ cần gì và phải làm gì cho họ" - Chủ tịch Nguyễn Văn Sơn kể lại cơ duyên mình chuyển sang công tác Đoàn.
Về Tỉnh đoàn và được bầu làm bí thư, chưa kịp quen với công việc mới thì dịch cúm gia cầm bùng phát. Lãnh đạo tỉnh giao ngay nhiệm vụ đầu tiên cho "tân bí thư" tổ chức lực lượng tham gia cùng lực lượng chuyên môn tuyên truyền và phun thuốc khử trùng trên địa bàn toàn tỉnh, tới hết hơn 154.000 hộ dân trong tỉnh để phun thuốc.
"Nước sôi lửa bỏng, mình chỉ đạo anh em triển khai gấp, ngay sáng hôm sau tất cả 6 huyện, thị đoàn đồng loạt huy động thanh niên tổ chức ra quân phun thuốc khử trùng và chỉ chưa đầy một tuần lễ, toàn bộ hộ dân trong tỉnh đã được thanh niên đến phun thuốc" - ông Sơn kể.
"Sau chiến dịch đó, bí thư Tỉnh ủy đánh giá rất cao vai trò của thanh niên, gần như tuần nào, ngày nào ông cũng điện hỏi và luôn nhắc nhở, đôn đốc, chấn chỉnh. Cũng chính vì vậy nên mình càng phải chỉn chu, trách nhiệm và nỗ lực hơn trong công việc.
Sau đó, hàng loạt chương trình được lãnh đạo giao cho Đoàn thanh niên. Từ cắm mốc, phân loại rừng trên địa bàn tỉnh, Đoàn thanh niên cũng được giao làm chính để xác định mốc giới, từ đó bàn giao cho doanh nghiệp, hộ dân khoanh nuôi...
Thời gian làm Đoàn chỉ 5 năm, nhưng cái mình thu hoạch được chính là nhiệt huyết, trách nhiệm, đi đầu trong mọi việc. Đoàn đã đem đến cho tôi nhiều thứ. Tôi được Đoàn rèn luyện trở thành "thủ lĩnh" thanh niên và giúp tôi hoàn thiện hơn, trở thành con người "đa năng" - cựu bí thư Tỉnh đoàn chia sẻ.
Chủ tịch Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn thường tổ chức đối thoại và lắng nghe nguyện vọng của người dân để xử lý công việc - Ảnh: B.T.Q.
Không phải "thoát nghèo" mà là "vượt khó"
Theo Chủ tịch Nguyễn Văn Sơn, khi ở Đoàn, trước mỗi công việc ông thường thảo luận với anh em, khuyến khích tìm cách tiếp cận mới.
"Đoàn là phải trẻ, phải đổi mới, sáng tạo. Muốn vậy thì phải có tư duy mới, cách tiếp cận mới, và đặc biệt là phải gần gũi với thanh niên, với cơ sở. Khi không còn ở Đoàn, ở bất cứ vị trí nào thì tôi vẫn dành tình cảm, sự quan tâm đến thanh niên" - ông Sơn tâm sự.
Từ bí thư Tỉnh đoàn, rồi thành đại biểu Quốc hội chuyên trách, ông tiếp tục đi làm bí thư Huyện ủy Sơn Dương, huyện địa bàn trải rộng tới 33 xã.
Ông Sơn kể: "Khi về làm bí thư Huyện ủy Sơn Dương, tôi đặt mục tiêu trong một tháng phải đi hết 33 xã và nhớ tên 99 người là bí thư, phó bí thư thường trực và chủ tịch xã. Làm lãnh đạo mà cái tên người trực tiếp làm việc với mình còn chưa biết, chưa nhớ thì làm sao kết nối tốt với nhau để chỉ đạo, hành động được".
Những thành công của huyện Sơn Dương trong giai đoạn ông Sơn làm bí thư đã được ghi nhận. Ông được bầu vào Thường vụ Tỉnh ủy, giữ cương vị trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh, rồi bí thư Thành ủy Tuyên Quang, chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh trước khi được bầu làm chủ tịch tỉnh.
"Tuyên Quang có sáu đơn vị cấp huyện thì mình đã kinh qua ba nơi là Hàm Yên, Sơn Dương và thành phố Tuyên Quang. Năm 2016, khi làm bí thư Thành ủy Tuyên Quang, tỉnh có chỉ thị về chấn chỉnh quản lý, xây dựng, trật tự đô thị.
Khi đó, thành phố Tuyên Quang nhiều tuyến phố, vỉa hè nhôm nhoam quá, có cả nhà các quan chức cũng vi phạm trật tự đô thị, xây dựng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Thành phố tuyên truyền và với các "địa chỉ nhạy cảm", tôi trực tiếp gặp gỡ trao đổi, động viên cán bộ nên ủng hộ, gương mẫu thực hiện. Có người nghe nhưng cũng có người phản đối, thậm chí chống đối.
Nếu mình không quyết tâm, quyết liệt thì không thể triển khai được, vậy nên thành phố thống nhất cứ làm đúng pháp luật. Nhà ông nào vi phạm cứ cưỡng chế, đập bỏ. Phải làm nghiêm từ đây thì mới thuyết phục được các hộ dân khác... Đây là việc khó, nhưng triển khai thực hiện lại rất thành công, tạo sự đồng thuận xã hội cao. Tôi nhớ mãi chiến dịch này" - ông Sơn kể.
Tâm sự chuyện vượt khó, ông Sơn vẫn nhớ mãi: "Hay như chuyện xuống xã Tân Thanh, huyện Sơn Dương. Hỏi lãnh đạo xã thì trình bày khó tìm được việc cho thanh niên. Tôi nói thẳng trên địa bàn có rất nhiều doanh nghiệp, lãnh đạo xã đã "lao vào" chưa? Cần phải gặp gỡ các doanh nghiệp để nói chuyện chứ.
Xem doanh nghiệp họ cần nhu cầu lao động thế nào, nếu cần có tay nghề thì "cầm tay chỉ việc" được không, cần đào tạo thêm những gì? Cuối cùng, sau một thời gian điện hỏi lại thì lãnh đạo xã hào hứng khoe đã gặp gỡ các doanh nghiệp và đã tìm được việc cho thanh niên địa phương...
Tới đây, chúng tôi sẽ tập trung xây dựng hạ tầng giao thông, đô thị, công nghệ thông tin để thu hút mạnh nhà đầu tư. Chính phủ đã đồng ý sẽ làm đường cao tốc kết nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai với Tuyên Quang, nên tới đây từ Tuyên Quang đi Nội Bài, Hà Nội chỉ 100km.
Chúng tôi cũng sẽ mở các đường nối với các tỉnh xung quanh như Vĩnh Phúc, Hà Nội, Lào Cai... Cùng với đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, Tuyên Quang thoát khó khăn.
Tôi nghĩ nên dùng từ "khó khăn", chứ không nên dùng từ tỉnh nghèo, cái từ "nghèo" nghe nó yếm thế quá. Có khó khăn thì phải vượt. Tuyên Quang đã vượt rất ngoạn mục từ vị trí 63 lên vị trí 32 trong bảng xếp hạng PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh). Và chúng tôi còn phải làm nhiều việc nữa để vươn lên".
"Mỗi khi tiếp xúc với các bạn trẻ, cán bộ trẻ, tôi vẫn nhắc nhở họ phải tự tin, mạnh dạn, luôn suy nghĩ sáng tạo, dám đổi mới và đột phá. Đừng quá rụt rè trước lãnh đạo, đừng ngại đề xuất những cái mới, đừng sợ làm những việc chưa ai làm, đừng sợ thất bại.
Người trẻ phải dấn thân, càng khó khăn, càng chịu áp lực cao thì càng có môi trường rèn luyện tốt. Phải làm việc với sự say mê, chứ không phải làm cho đủ việc, cho xong việc... " - Chủ tịch Nguyễn Văn Sơn tâm sự.
Tháng 7-2018, lũ quét qua Nậm Có, xã nghèo nhất của Mù Cang Chải, khiến 6 người mất tích, gần 100 nhà dân bị cuốn trôi. Và chúng tôi nhớ mãi hình ảnh anh bí thư lăn lộn ngược xuôi vì dân.
Kỳ tới: Những hạt giống trẻ giữa ngàn xanh
TTO - Tháng 9-2020, lần đầu tiên du khách có thể ngắm được toàn cảnh thung lũng ruộng bậc thang đẹp mê hồn ở La Pán Tẩn, Chế Cu Nha (huyện Mù Cang Chải, Yên Bái) từ máy bay trực thăng. Nhưng nếu chỉ bay và ngắm mùa vàng thì dừng ở hoạt động du lịch.