Nguyễn Minh Hùng (cựu Chủ tịch HĐQT VN Pharma) chỉ đạo cấp dưới làm giả hợp đồng, phụ lục, rồi gắn nhãn mác Health 2000 Canada cho 838.100 hộp, 4 loại thuốc giả nhập khẩu về Việt Nam.
Gắn nhãn mác cho thuốc kháng sinh giả
Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận, đề nghị truy tố Nguyễn Minh Hùng, Võ Mạnh Cường và 7 đồng phạm về tội "Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh".
Liên quan vụ án còn có 4 bị can là cựu lãnh đạo, cán bộ Cục Quản lý dược, Cục hải quan TPHCM.
Đây là giai đoạn 2 vụ án sai phạm xảy ra tại VN Pharma.
Theo kết luận, Võ Mạnh Cường làm việc cho Raymundo (quốc tịch Philippines, tự xưng Giám đốc sản xuất của Health 2000, Giám đốc của Helix).
Cuối tháng 12.2012, Raymundo sang Việt Nam cùng với Cường gặp Nguyễn Minh Hùng và Nguyễn Trí Nhật (cựu Phó Tổng Giám đốc, Kiêm trưởng phòng xuất nhập khẩu VN Pharma). Hai bên thoả thuận mua thuốc Helix của Raymundo.
Các bên thống nhất, VN Pharma sẽ làm thủ tục xin cấp visa cho các thuốc do Helix sản xuất. Trong thời gian chờ Cục Quản lý Dược cấp visa, Helix sẽ sản xuất các thuốc có cùng hoạt chất, công dụng và đặt tên thương mại giống như các thuốc mang nhãn mác Health 2000 Canada đã được Cục Quản lý dược cấp số đăng ký, bán cho VN Pharma.
Sau khi thoả thuận, Nguyễn Minh Hùng đã trực tiếp liên hệ với Cường đặt mua 4 loại thuốc do Helix sản xuất, nhưng có cùng hoạt chất, công dụng và tên thương mại giống như các thuốc mang nhãn mác Health 2000 Canada đã được Cục Quản lý dược cấp visa gồm: Kafotax-1000; Kaderox-250; H2K Levofloxacin; H2K Ciprofloxacin. Đây là 4 loại thuốc kháng sinh.
Tuy nhiên, thời điểm này, Helix chưa được cấp "Giấy phép hoạt động về thuốc tại Việt Nam". Vì vậy, các hợp đồng nội bộ giữa VN Pharma ký với Helix chỉ dùng để đặt hàng, theo dõi việc thanh toán và ràng buộc về tiến độ giao hàng với Cường.
Để nhập khẩu các loại thuốc trên về Việt Nam, từ 4.11.2012-19.6.2014, Nguyễn Minh Hùng chỉ đạo Phòng Xuất nhập khẩu VN Pharma làm giả 15 hợp đồng và 26 phụ lục hợp đồng kèm theo giữa VN Pharma ký với Austin Hong Kong (Công ty đã được Cục Quản lý dược cấp giấy phép hoạt động về thuốc tại Việt Nam).
Thực tế không có việc mua bán các thuốc mang nhãn mác Health 2000 Canada giữa VN Pharma với Austin Hong Kong. VN Pharma chỉ sử dụng pháp nhân của Austin Hong Kong để hợp thức hoá thủ tục nhập khẩu, thông quan, thanh toán tiền mua thuốc.
Cấp dưới của Nguyễn Minh Hùng đã nhập khẩu 838.100 hộp, 4 loại thuốc mang nhãn mác Health 2000 Canada, tổng số tiền hơn 54 tỉ đồng.
Cấp dưới của Hùng đã in các hợp đồng, phụ lục hợp đồng mua bán trên các tờ giấy A4 trắng (có sẵn hình dấu có nội dung: Austin Pharma Specialties Co. của Hong Kong; và dấu chữ ký mang tên Luk Heung Tung do bị can Phạm Anh Kiệt - cựu Tổng Giám đốc Công ty TNHH TM Dược Sài Gòn cung cấp).
Về con dấu của Austin Hong Kong và dấu chữ ký mang tên Luk Heung Tung, cơ quan điều tra xác định: Từ năm 2012-8.2013, con dấu chữ ký này không đăng ký lưu hành, sử dụng tại Việt Nam. Song bị can Kiệt đã sử dụng đóng khống trên nhiều tờ giấy A4 theo yêu cầu của Nguyễn Minh Hùng để làm hợp đồng, phụ lục hợp đồng mua bán thuốc.
Cũng theo cơ quan điều tra, trong 15 hợp đồng tự soạn thảo, Cường trực tiếp chỉnh sửa logo của Helix thành logo của Health 2000. Chỉnh sửa xong, Cường in ra rồi dùng con dấu Health 2000 đóng lên các tài liệu, hợp thức hoá thủ tục nhập khẩu, thông quan.
Nâng khống giá thuốc lên hàng chục tỉ đồng
Theo cơ quan điều tra, trong tổng số hơn 54 tỉ đồng mua 4 loại thuốc trên (838.100 hộp), số tiền thực tế VN Pharma thoả thuận mua thuốc chỉ là gần 26 tỉ, hơn 28 tỉ là tiền nâng khống giá thuốc.
Tuy nhiên, VN Pharma chỉ chuyển cho Helix và Võ Mạnh Cường để thanh toán tiền mua thuốc là hơn 23 tỉ đồng.
Gần 25 tỉ đồng tiền nâng khống được chuyển vào 6 công ty nước ngoài. Số tiền còn lại (hơn 6 tỉ đồng), VN Pharma không chuyển thanh toán do được giảm giá.
Để hợp thức hoá việc thanh toán tiền mua thuốc, Nguyễn Minh Hùng trực tiếp hoặc chỉ đạo cấp dưới ký 53 Lệnh chuyển tiền (hơn 48 tỉ đồng). Sau đó, số tiền chuyển vào 6 công ty nước ngoài được VN Pharma nhận lại qua hình thức dịch vụ chuyển tiền thuê, để ngoài sổ sách kế toán.
Sau khi nhập khẩu, thông quan 838.100 hộp, 4 loại thuốc mang nhãn mác Health 2000 Canada trên, VN Pharma đã bán ra cho các doanh nghiệp, bệnh viện, nhà thuốc tổng cộng 623.819 hộp, tổng số tiền gần 52 tỉ đồng. Thực tế, số tiền bỏ ra mua 623.819 hộp này chỉ hơn 20 tỉ, VN Pharma hưởng lợi gần 32 tỉ đồng.
Qua kết quả tương trợ tư pháp do Canada cung cấp, cơ quan điều tra xác định: Health 2000 không có nhà máy sản xuất thuốc tại Canada và không sản xuất bất kỳ loại dược phẩm nào...
"Do đó, số lượng 838.100 hộp 4 loại thuốc mang nhãn mác Health 2000 Canada do VN Pharma nhập khẩu giả về nguồn gốc, xuất xứ. Số thuốc này là hàng giả", kết luận điều tra nêu.
Hành vi của Nguyễn Minh Hùng, Võ Mạnh Cường và một số cán bộ của VN Pharma đã phạm vào tội "Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh".
Xem thêm: odl.448298-amrahp-nv-uhc-gno-auc-aig-hnis-gnahk-couht-cam-nag-naod-uht/taul-pahp/nv.gnodoal