Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng 26-3, bác sĩ Trần Văn Sóng - phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 - cho biết ngoài một bệnh nhân nghi ngộ độc patê trước đó, đơn vị vừa tiếp nhận thêm ba ca bệnh mới.
Tất cả những người này đều ở Bình Dương và cùng ăn bún riêu chay vào ngày 20-3 do gia đình bà C.N.H. nấu tại một miếu ở thị trấn An Thạnh (huyện Thuận An, Bình Dương) cho nhiều người cùng ăn.
Như vậy riêng Bệnh viện Nhân dân 115 tiếp nhận 4 ca ngộ độc nghi ăn patê chay, trong đó có ba ca phải thở máy. Hai ca còn lại cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy (đã tử vong) và Bệnh viện Nhi Đồng 2.
Theo ông Sóng, ba ca này vào cấp cứu ở bệnh viện hai đợt. Một ca vào ngày 24-3 là nữ, sinh năm 1979, hai ca còn lại vào đêm 25-3 cũng đều là nữ, sinh năm 1999 và 1978.
Ông Sóng cho biết hai ca bệnh vừa vào bệnh viện đêm 25-3 đang được cho thở oxy, sức cơ yếu; các bác sĩ đang theo dõi sát, nếu suy hô hấp sẽ cho đặt nội khí quản.
Còn hai ca đầu tiên nhập viện trong tình trạng khá nguy kịch, tuy nhiên sau khi được cho uống thuốc giải độc tố clostridium botulinum - tác nhân chính được xác định có trong patê chay gây ra ngộ độc, hiện sức cơ có cải thiện tốt.
"Trong bốn bệnh nhân thì có hai bệnh nhân đầu tiên được dùng thuốc giải độc tố clostridium botulinum nên sức khỏe cải thiện tốt. Hiện thuốc không còn, đó là điều khá lo lắng cho diễn biến sức khỏe của hai bệnh nhân tiếp theo", bác sĩ Sóng nói.
Như Tuổi Trẻ Online thông tin, trước đó ba bệnh viện ở TP.HCM tiếp nhận ba bệnh nhân cùng trong một gia đình vào cấp cứu với cùng bệnh cảnh là nhược cơ, suy tuần hoàn, suy hô hấp… và trước đó đều cùng ăn patê chay.
Trong đó một người đã tử vong, hai người còn lại đang được chăm sóc tích cực tại bệnh viện.
TTO - Sở Y tế TP.HCM cho biết cả 3 bệnh nhân cấp cứu tại các bệnh viện ở TP.HCM nghi bị ngộ độc do sử dụng patê chay là người trong một gia đình ở Bình Dương, 1 người đã tử vong. Sở Y tế TP đề nghị người dân dừng dùng sản phẩm liên quan patê chay.