Trong một status mới đây đăng trên trang cá nhân, tiến sĩ Huỳnh Thế Du (Đại học Fulbright) cho biết, đang có làn sóng trở về Việt Nam của các tài năng và lao động có kỹ năng chất lượng cao người Việt. Những tên tuổi người Việt rất đáng chú ý ở Silicon Valley (Mỹ) và những nơi khác trở về Việt Nam đầu tư có thể tạo ra những doanh nghiệp tỉ USD (kỳ lân - Unicorn) và những tỉ phú USD mới…
Mang những “công nghệ đặc sản” về Việt Nam
Những người trong làn sóng trở về Việt Nam ấy, theo tiến sĩ Du, đã khẳng định mình ở nước ngoài, và là những tên tuổi đáng chú ý trong lĩnh vực khởi nghiệp từ công nghệ, còn được gọi là đội ngũ “cá hồi” (về nguồn cội).
Thậm chí, với những gì đã được công bố mang về Việt Nam để đầu tư, triển khai, có thể xem đó là những “đặc sản” công nghệ.
Thông tin những ngày qua được biết đến khá nhiều chính là cặp vợ chồng Vũ Xuân Sơn (Sonny Vũ) và Lê Diệp Kiều Trang (Christy Le), đã mang về Việt Nam một dự án công nghệ mới là nhà máy in 3D carbon được cho là có qui mô lớn nhất thế giới.
Doanh nghiệp này có tên là AREVO, do vợ chồng Sơn - Trang điều hành, vẫn đang tiến hành tuyển dụng các kỹ sư trẻ ngành điện, cơ khí, thiết kế gia công, sản phẩm… tại Việt Nam để đưa sang Mỹ đào tạo.
Cặp vợ chồng Sơn - Trang được biết đến nhiều khi còn khởi nghiệp tại Misfit - một công ty tại thung lũng Silicon (Mỹ) chuyên nghiên cứu và chế tạo thiết bị đeo theo dõi sức khỏe. Năm 2015, Misfit được bán lại cho công ty thời trang Fossil với giá 260 triệu USD. Sau khi hoàn toàn rút khỏi Fossil, vợ chồng Sơn - Trang tập trung đầu tư vào các starup chuyên về công nghệ.
Một “đặc sản” khác cũng được một cặp “vợ chồng công nghệ” mang về Việt Nam là công ty chuyên về dịch vụ giải mã gen Genetica của vợ chồng Cao Anh Tuấn (Tuấn Cao) và Bùi Thanh Duyên (Bùi Duyên).
Tuấn - Duyên đều từng theo học tại đại học Cornell nổi tiếng (Mỹ). Sau đó, Tuấn Cao là tiến sĩ làm việc tại Google chuyên về trí tuệ nhân tạo (AI), còn Bùi Duyên là tiến sĩ di truyền học và sinh học phân tử.
Sự kết hợp của cặp vợ chồng này về chuyên môn công nghệ mang đến giải pháp giải mã gen bằng AI, và biến thành một thứ “đặc sản” khi tiến hành nghiên cứu giải mã bản đồ gen người Việt nói riêng và người Châu Á nói chung phục vụ cho việc tối ưu hóa chăm sóc sức khỏe.
Lợi ích cho con người và tiềm năng về kinh tế
Mới đây, Vũ Xuân Sơn đã đăng một trạng thái trên trang Facebook cá nhân chúc mừng người bạn tên Eshchar là nhà sáng lập dự án nhà máy in 3D ở Israel với kinh phí 29 triệu USD. Eshchar đã dùng công nghệ in 3D để tạo ra một miếng bít tết bò giả giống như thật, mở ra một tiềm năng lớn trên thị trường về món ăn “bò bít tết thực vật” cho các nhà hàng, gia đình cũng như chuỗi thức ăn nhanh.
Nhà máy in AREVO cũng có thể tạo ra nhiều thứ trông như thật ứng dụng trong các lĩnh vực từ sản xuất công nghiệp đến y tế, chăm sóc sức khỏe… một cách rộng mở trong tương lai, và đi cùng với đó là tạo ra những giá trị gia tăng đầy tiềm năng.
Trung tuần tháng 3 vừa qua, Genetica đã gọi vốn thành công 2,5 triệu USD chỉ trong vòng 30 ngày. Tiết lộ về lý do mang giải pháp giải mã gen bằng AI về Việt Nam, phía Genetica cho biết: Vợ chồng Tuấn - Duyên nhìn thấy khoản trống về dữ liệu gen người châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng chưa ai làm tới, vì thế đã quyết định mang giải pháp về Việt Nam để góp phần thúc đẩy cho công tác chăm sóc sức khỏe, phòng và chữa bệnh một cách tối ưu, hình thành nền y học chính xác tân tiến.
Gần đây, Genetica đã phối hợp với một số đối tác chế tạo thành công chip giải mã gen - một giải pháp công nghệ giúp giải mã nhanh chóng và chính xác bộ gen người. Giải pháp giải mã gen bằng AI của Genetica không phải là đầu tiên và duy nhất trên thế giới nhưng đang là duy nhất tại Châu Á, và là một trong số ít công ty nắm công nghệ lõi về lĩnh vực này.
Một cái tên “sáng giá” trong việc mang công nghệ và tài chính về Việt Nam đầu tư trong lĩnh vực môi giới bất động sản là Propzy, với nhà sáng lập John Le.
Trong bối cảnh các doanh nghiệp môi giới địa ốc tại Việt Nam chủ yếu thực hiện chuyên môn môi giới địa ốc theo trình tự thủ công hoặc bán thủ công, một số doanh nghiệp khác đưa ứng dụng công nghệ vào hỗ trợ một phần, Propzy lại sử dụng nền tảng công nghệ đứng đằng sau các chuyên viên môi giới.
“Việc số hóa dịch vụ môi giới bất động sản có thể giúp cho một nhân viên môi giới tại Propzy xử lý các nghiệp vụ và qui trình công việc nhanh nhất, thuận tiện nhất. Mỗi nhân viên môi giới cũng có thể thao tác trực tiếp trên ứng dụng khi làm việc với khách hàng, sàn lọc các thông tin về nhu cầu của hàng chục khách để phân loại và đáp ứng tối ưu nhất”, anh Võ Khắc Điệp, “phó tướng” của nhà sáng lập John Le cho biết.
Xem thêm: odl.987298-iom-dsu-uhp-it-gnuhn-neh-auh-ev-ort-teiv-gnan-iat-gnos-nal/et-hnik/nv.gnodoal