Khi niềm tin suy giảm
Tại Talkshow Khơi thông dòng vốn trên thị trường chứng khoán do Báo Đầu tư Chứng khoán tổ chức ngày 15/6, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (mã KBC) cho biết, dòng vốn nước ngoài có 2 dòng vốn cơ bản.
Một là định chế tài chính, tức đầu tư dài hạn, dòng vốn này luôn gắn với chính sách vĩ mô và chất lượng hàng hoá trên thị trường chứng khoán. Với sự kiểm soát tốt và kỹ lưỡng, lượng hàng hoá cũ ngày càng có chất lượng cao hơn, hàng hoá mới sắp tham gia thị trường nhiều hơn.
Hai là dòng vốn cá nhân cả trong nước và nước ngoài chiếm phần lớn hết sức quan trọng. Thực tế, tài khoản cá nhân các nước mở tại Việt Nam ngày càng nhiều hơn. Do đó, nếu quá trình đăng ký tài khoản hay chuyển tiền ngày càng thuận lợi và tự do hoá thì chắc chắn sẽ nhanh hơn.
Ông Tâm cho biết, hiện nay, để một tài khoản cá nhân mở và chuyển tiền được kiểm soát chặt chẽ. Việt Nam bước đầu xuất siêu nhưng tương đối ít nên dòng ngoại tệ vẫn cần đổ thêm vào. Vậy nên, nếu tự do hoá để nhà đầu tư chuyển tiền vào nhanh nhưng rút ra nhanh thì sẽ có ảnh hưởng lớn.
“Nhưng tôi tin tưởng xuất khẩu Việt Nam ngày càng tăng, ngoại tệ ngày càng nhiều thì nhà nước sẽ nới lỏng hơn, tạo điều kiện rất lớn kể cả nhà đầu tư cá nhân nước ngoài tận dụng dòng vốn ngắn hạn vẫn kinh doanh được”, ông Tâm nói.
Ngoài ra, Chủ tịch KBC khẳng định niềm tin cũng vô cùng quan trọng. Thời gian qua, niềm tin trên thị trường cả trong nước và ngoài nước bị suy giảm, đặc biệt trong 4 tháng cuối năm 2022. Tại thời điểm tháng 10, 11, 12 năm ngoái, các công ty chứng khoán cắt giảm margin, trong khi khắc phục rất ngắn nên xảy ra hiện tượng bán khống cổ phiếu ra thị trường.
Do đó, ông Tâm kiến nghị phía cơ quan quản lý nhà nước khi đưa ra chính sách phải tính đến sự ổn định, công ty chứng khoán thì phải tính đến nguồn của mình, cũng như ngân hàng cần đưa ra quy định cụ thể. Tại thời điểm đó, một số ngân hàng rơi vào tình trạng thiếu thanh khoản, rất nhiều ngân hàng mở ra công ty chứng khoán nên phải xoay tiền khắp nơi, đồng thời yêu cầu công ty chứng khoán đưa tiền cho ngân hàng.
Ông Tâm cho rằng nhà nước có thể kiểm soát được toàn bộ các vấn đề này. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước có thể hỗ trợ tổ chức tín dụng để các tổ chức không cần rút ngay lập tức. Các công ty chứng khoán trực thuộc đa phần không thiếu thanh khoản, nhưng rủi ro là từ ngân hàng.
“Chúng tôi cho rằng nếu chúng ta có những cơ chế nhất định, nhà nước có những quy định cụ thể thì các đơn vị khi triển khai cũng thuận lợi hơn. Quốc hội cũng họp nhiều hơn và thay đổi các chính sách thuận lợi hơn về thương mại, đầu tư, nhưng cần phải nâng cao hơn nữa vì nhà đầu tư cá nhân vô cùng quan trọng với thị trường”, ông Tâm đánh giá.
Khi thị trường sụt giảm, nhà đầu tư cũng hoảng loạn vì lo ngại không biết chuyện gì sẽ xảy ra dẫn đến việc bán cổ phiếu. Điều này xảy ra vào năm ngoái do hiện tượng tiêu cực xuất hiện ở một số công ty, chính quyền cũng có sự khắt khe; trong khi Ngân hàng Nhà nước cũng hút về vài trăm nghìn tỷ đồng trong những tháng cuối năm.
Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (mã KBC). |
Cứu doanh nghiệp để thu hút đầu tư
Sang đầu năm 2023, Nhà nước đã có sự nới lỏng nhưng còn chậm. Trong 5 tháng đầu năm, tổng tín dụng ra thị trường khoảng 3 - 3,2%, trong khi tối thiểu cần đạt khoảng 1%/tháng vì tổng tín dụng cả năm là từ 12 - 14%. Trong quá trình ngân hàng thẩm định, cổ phiếu xuống giá, giá trị bất động sản, hàng hoá cũng xuống thì giá trị thế chấp cũng bị tụt. Bởi bất kỳ khoản vay nào cũng cần thế chấp nên tín dụng ra thị trường sẽ không thuận lợi.
Ông Tâm đánh giá tính khả thi cũng trong tình trạng “căng”. Thực tế, ngân hàng cho vay dựa trên việc đánh giá tốc độ tăng trưởng doanh số và lợi nhuận, nhưng hiện này doanh số và lợi nhuận của doanh nghiệp đồng loạt giảm, thậm chí lỗ thì làm sao xử lý được vấn đề này?
Do đó, ông Tâm cho rằng Việt Nam nên thành lập quỹ đầu tư rủi ro như cách Singapore đang thực hiện. SCIC có thể bán bớt cổ phần nhà nước khi có điều kiện để khi thị trường xấu sẽ mua cổ phiếu một số doanh nghiệp, hoặc rót tiền để cổ phiếu khôi phục, đến khi tăng giá mới bán.
Thực tế, doanh nghiệp rời bỏ thị trường ngày càng nhiều, ông Tâm khẳng định, doanh nghiệp không biết làm sao, ngay cả các công ty lớn cũng như vậy. Nhu cầu vốn của các công ty rất nhiều nhưng tài sản định giá hiện không bằng 40% của năm 2021, kể cả các loại hàng hoá. Dù trên thị trường một số loại hàng hoá tăng giá, nhưng định giá hàng tồn kho không được như vậy mà căn cứ vào tốc độ bán ra. Nhiều doanh nghiệp còn thế chấp luôn cổ phiếu của mình.
“Nếu nền kinh tế đi xuống thì nhân dân thiệt hại. Hãy coi doanh nghiệp là da thịt của mình để mình cứu nó. Giống như ngón tay bị đứt mà tôi không băng bó, không cứu nó thì phải cắt đứt đi. Nên khi một doanh nghiệp rời khỏi thị trường đương nhiên nền kinh tế đi xuống”, Chủ tịch KBC phân tích.
Trong 4 tháng cuối năm 2022 và 4 tháng đầu năm 2023, GRDP các tỉnh thành sụt giảm đáng báo động, Chính phủ và Quốc hội ngay lập tức vào cuộc cho thấy sự đồng hành nhanh chóng với nền kinh tế, các địa phương cũng thực hiện xử lý thủ tục pháp lý nhanh giúp tăng thêm tài sản cho các doanh nghiệp.
Ông Tâm nhớ lại, trước đây, KBC đền bù mua đất cần đến 98% mới được cấp sổ, sau đó được chuyển sang cấp một phần tạo điều kiện để thế chấp ngân hàng. Tuy nhiên, có rất nhiều doanh nghiệp đang bế tắc dòng tiền. Về dài hạn, giá đất sẽ đi lên, doanh nghiệp nộp hồ sơ muốn mua đất của dân, nhưng tiền nằm đó mà không vay được. Tiền là tổng cung tiền, khi tổng cung tiền lớn hơn đi vào cuộc sống thì chắc chắn mọi thứ sôi động, đầu tiên là sôi động thị trường chứng khoán.
“Chúng tôi rất cảm động khi chính quyền các nơi đến tận nơi xem xét, hỏi thăm người dân và gặp doanh nghiệp liên tục. Đơn cử, Hải Phòng 1 tuần mời 3 lần lên làm việc, họp cả buổi tối. TP. HCM cũng đẩy mọi việc chạy tốt tạo hứng khởi rất lớn cho doanh nghiệp”, Chủ tịch KBC chia sẻ.