Hiện dự trữ cà phê của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong 6 năm, ngay cả khi Brazil ghi nhận vụ thu hoạch kỷ lục. Sản lượng cà phê sụt giảm mạnh sau khi quốc gia Nam Mỹ này trải qua đợt hạn hán khắc nghiệt, điều này có thể sẽ khiến cán cân cà phê thế giới thâm hụt trong những tháng tới, khi nhu cầu phục hồi.
Christian Wolthers, Chủ tịch Wolthers Douque, một nhà nhập khẩu cà phê ở Fort Lauderdale, Florida (Mỹ), ước tính chi phí vận chuyển hàng hóa từ Mỹ Latinh đã tăng hơn gấp đôi do tình trạng thiếu container.
Mặc dù sự gián đoạn của thị trường hàng hóa đã ảnh hưởng đến hoạt động thương mại lương thực nói chung trên toàn cầu, song các vấn đề trên thị trường cà phê cho thấy tình trạng lạm phát lương thực đang gia tăng có thể trở nên trầm trọng hơn khi các nền kinh tế mở cửa trở lại. Hiện tại, các nhà rang xay cà phê có thể sử dụng hàng tồn kho thay vì tăng giá, nhưng với việc kho dự trữ giảm và khả năng vụ thu hoạch sắp tới của Brazil kém bội thu, tình hình căng thẳng này sẽ vẫn tồn tại.
Giá cà phê arabica giao kỳ hạn tại thị trường New York đã tăng khoảng 24% kể từ cuối tháng 10/2020, sau những thiệt hại tại các khu trồng cà phê ở Brazil. Vào tháng 2/2021, lượng tồn kho cà phê hạt xanh, chưa rang của Mỹ đã giảm 8,3% so với một năm trước đó, xuống mức thấp nhất kể từ năm 2015.
Các nhà phân tích cho biết, lượng hàng tồn kho thấp hơn đồng nghĩa với việc "vùng đệm" để chống đỡ trước nguy cơ suy giảm vụ thu hoạch cà phê của Brazil cũng bị đe dọa, qua đó làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên thị trường và đẩy giá cà phê tăng cao.
Marex Spectron mới đây đã tăng ước tính thâm hụt cà phê toàn cầu lên 10,7 triệu bao trong giai đoạn 2021-2022, so với dự báo trước đó là 8 triệu bao, do sản lượng cà phê arabica của Brazil giảm mạnh sau khi thời tiết bất lợi làm hư hại mùa màng.
Goldman Sachs Group Inc. cho biết trong một báo cáo rằng, nếu sản lượng cà phê ở Trung Mỹ không được cải thiện trong những năm tới, thị trường sẽ thâm hụt cơ cấu do nhu cầu phục hồi.