Thông tin về kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào ĐH, CĐ luôn thu hút sự quan tâm của phụ huynh, học sinh. Trong ảnh: học sinh dự chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ tại Bà Rịa - Vũng Tàu - Ảnh: DUYÊN PHAN
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm 2020 đa số các trường vẫn dành 50% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, cho thấy vai trò của kỳ thi này.
Tuy nhiên, về lâu dài kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ chỉ còn giữ chức năng đánh giá tốt nghiệp. Còn tuyển sinh ĐH sẽ dựa vào bài thi đánh giá của các trung tâm khảo thí của các trường ĐH, đúng theo xu hướng của thế giới.
Khuyến khích các trường thi chung
Ba cơ sở giáo dục ĐH lớn là ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội mới đây đã công bố sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực vào năm 2021 và khuyến khích các trường thành viên cũng như các trường ngoài hệ thống sử dụng kết quả kỳ thi riêng của họ.
Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS Bùi Đức Triệu - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân - cho rằng đất nước có ba miền thì cần phải có ba trung tâm khảo thí. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng cần phải tính toán để chất lượng kỳ thi riêng của các trung tâm khảo thí tương đương nhau.
Theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - trưởng ban đào tạo ĐH và sau ĐH, ĐH Quốc gia Hà Nội, để ma trận đề thi của các trung tâm khảo thí của các trường có chất lượng tương đương nhau thì cần có Bộ GD-ĐT cầm trịch.
Về phía Bộ GD-ĐT, cả Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn và vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Nguyễn Thu Thủy đều khẳng định Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường tổ chức kỳ thi chung, sử dụng kết quả của nhau, phối hợp xét tuyển theo nhóm để giảm áp lực thí sinh không phải thi nhiều lần, nhiều nơi.
Thực sự vì thí sinh
Bộ GD-ĐT và các cơ sở giáo dục ĐH trên cả nước đều thống nhất kỳ thi tuyển sinh năm 2021 phải tạo điều kiện thuận lợi và giảm thiểu tối đa rủi ro cho thí sinh.
Năm nay ngoài đăng ký xét tuyển trên giấy, Bộ GD-ĐT cho phép thí sinh đăng ký online. Để hạn chế việc thí sinh điền sai, các trường ĐH đề nghị sở GD-ĐT các địa phương, các trường THPT phối hợp để hướng dẫn thí sinh. Còn Bộ GD-ĐT hứa sẽ tổ chức để thí sinh thử nghiệm phần mềm đăng ký trực tuyến và điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển, hướng dẫn các trường THPT có thí sinh thuộc diện xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển thực hiện theo quy định.
Bộ GD-ĐT cũng dự kiến giảm lệ phí đăng ký xét tuyển từ 30.000 đồng/nguyện vọng xuống còn 25.000 đồng/nguyện vọng, phần thu được chủ yếu dành cho sở GD-ĐT và các trường THPT ở các địa phương, nơi phải thực hiện một phần việc khá lớn trong công tác tuyển sinh. Các cơ sở giáo dục ĐH sẽ nhận phần nhỏ hơn và Bộ GD-ĐT sẽ nhận phần nhỏ nhất.
Nhiều trường cũng đề xuất Bộ GD-ĐT nghiên cứu cho phép xác nhận nhập học trực tuyến. Tiếp thu ý kiến này, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết sẽ giao Cục Công nghệ thông tin phối hợp với các đơn vị chức năng cải tiến phần mềm để thêm chức năng xác nhận nhập học trực tuyến.
Về việc đặt hàng tuyển sinh ngành sư phạm, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết sẽ sớm xây dựng chi tiết cách thức lập kế hoạch, giao nhiệm vụ, đấu thầu cho các địa phương, các trường ĐH, CĐ sư phạm.
Với đề xuất của Bộ GD-ĐT cho thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng ba lần, đa số đều đồng ý với phương án trên cho rằng đây là cải tiến thực sự vì thí sinh.
Đổi mới trong dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2021
* Thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển ĐH, CĐ, giáo dục mầm non bằng một trong hai hình thức bằng phiếu hoặc trực tuyến.
* Được điều chỉnh nguyện vọng tối đa 3 lần.
* Quy định cụ thể hơn về việc các địa phương khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ đặt hàng nguồn nhân lực.
* Thống nhất cơ chế phối hợp, hỗ trợ trong quá trình đăng ký xét tuyển, đăng ký nguyện vọng, xét tuyển/lọc ảo, thu và sử dụng lệ phí tuyển sinh.
TTO - Công tác tuyển sinh năm 2021 về cơ bản sẽ được giữ ổn định. Bộ Giáo dục - đào tạo, các cơ sở giáo dục đại học thống nhất một số điều chỉnh theo hướng có lợi cho thí sinh.
Xem thêm: mth.85584011252301202-ihp-el-maig-cul-pa-maig-1202-hnis-neyut/nv.ertiout