Nhập siêu từ Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm 2021 lên đến 7,44 tỉ USD, nhưng giới thương mại vẫn đánh giá đây là con số lạc quan vì chủ yếu là nhập nguyên liệu sản xuất.
Nhập siêu từ Trung Quốc tăng mạnh
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc hai tháng đầu năm 2021 là 15,42 tỉ USD, tăng gần 66% so với cùng kỳ năm 2020.
Ở chiều ngược lại, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 7,98 tỉ USD, tăng 46,8% so với năm 2020. Với tốc độ tăng trưởng mạnh, tỉ lệ hàng Trung Quốc trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam được nâng từ mức 24,9% của hai tháng đầu năm 2020 lên 32,7% trong hai tháng đầu năm nay, tức chiếm gần 1/3 tổng giá trị nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Nhập siêu nguyên liệu - Tín hiệu lạc quan
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, thì con số nhập siêu từ Trung Quốc nêu trên không có gì đáng lo ngại, ngược lại, cần nhìn thấy khía cạnh tích cực, bởi hàng hóa là nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc về Việt Nam không chỉ để sản xuất rồi xuất khẩu ngược lại quốc gia này, mà còn để xuất khẩu đi các quốc gia khác.
Ông Lê Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhấn mạnh: Nhập siêu từ Trung Quốc đã diễn ra từ cả chục năm nay, không phải là mới.
“Nếu chỉ trích dẫn con số nhập siêu ra rồi nói là nhập siêu cao dễ tưởng là trước đây không nhập siêu và đến giờ mới nhập siêu. Trong khi đó, con số tăng trưởng xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 46,8% là cố gắng rất lớn thì lại không nhìn thấy” - ông Lê Thanh Hải nói, đồng thời phân tích thêm:
Nhập khẩu nhiều từ Trung Quốc là rất dễ hiểu, vì Trung Quốc là nguồn cung cấp nguyên liệu chính cho các ngành sản xuất, xuất khẩu như dệt may, da giầy, đồ gỗ, nhựa, điện tử, thiết bị điện gia dụng,... từ đó ta mới có xuất khẩu những nhóm hàng trên tăng trưởng mạnh như thời gian vừa qua.
“Cái cần phải nhìn nhận ở đây là trong tỉ lệ nhập khẩu từ Trung Quốc thì đa số vẫn là nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất, chứ không phải là nhập khẩu tiêu dùng (điện thoại, đồ điện gia dụng, nông sản)...” - ông Lê Thanh Hải lưu ý thêm.
Thực tế số liệu cho thấy, các nhóm hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào thị trường Việt Nam tăng mạnh ở nhóm sản phẩm công nghệ và viễn thông, như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng đến 78,3%; nhóm máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 70,7%, đạt 3,37 tỉ USD,... hầu hết các mặt hàng nhập khẩu là để phục vụ sản xuất, không phải làm nhóm hàng tiêu dùng. Những nhóm hàng này nhập khẩu vào Việt Nam để sản xuất phục vụ ngược trở lại cho xuất khẩu.
Theo Tổng cục Thống kê, xuất khẩu điện thoại và linh kiện sang Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm 2021 đạt gần 2,5 tỉ USD, tăng 103,9% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 2 tháng đầu năm 2021, trị giá xuất khẩu của nhóm hàng điện thoại và linh kiện ước tính đạt 9,3 tỉ USD, chiếm 19,2% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường xuất khẩu lớn của nhóm hàng này là chủ yếu vẫn là EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc, trong đó xuất khẩu điện thoại và linh kiện sang Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm 2021 đạt gần 2,5 tỉ USD như đã nói ở trên.
Theo Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu caosu Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đã có mức tăng trưởng ấn tượng trong 2 tháng đầu năm 2021. Thống kê cho thấy, lượng caosu tự nhiên và caosu tổng hợp xuất khẩu trong tháng đầu năm đạt 127.330 tấn, trị giá hơn 201 triệu USD, trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 99,45%.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cho rằng, cả nhập khẩu và xuất khẩu tăng trở lại cho thấy kinh tế có dấu hiệu lạc quan.
“Nhập khẩu tăng có thể vì 2 lý do: Nhu cầu tiêu dùng và đầu tư trong nước tăng, đồng thời xuất khẩu cũng tăng nên có nhu cầu nhập khẩu linh kiện, nguyên vật liệu. Còn về cán cân thương mại của nhóm hàng công nghệ, viễn thông, nhập siêu là điều dễ hiểu vì trình độ công nghệ của ta chưa bằng họ, sản xuất trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Mặt khác, các mặt hằng này là linh kiện, mình nhập về, lắp ráp rồi xuất khẩu” - TS Nguyễn Đức Độ nói.