Bệnh viện Nhân dân 115 đang chăm sóc cho 4 bệnh nhân ngộ độc nghi ăn patê chay. Trong ảnh: điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân đang phải thở máy - Ảnh: DUYÊN PHAN
Trong bối cảnh hết thuốc giải độc tố clostridium botulinum, sự sống của các bệnh nhân còn lại có thể nói rơi vào tình thế rất mong manh.
Tính đến sáng nay 26-3, sau 6 ngày cùng dùng chung nồi bún riêu chay tự nấu tại một miếu ở thị trấn An Thạnh (huyện Thuận An, Bình Dương), có 6 người nhập viện cấp cứu nghi ngộ độc clostridium botulinum.
Trong số này chỉ có 2 bệnh nhân may mắn được dùng 2 lọ thuốc giải độc tố cuối cùng của Việt Nam vừa được chuyển khẩn cấp từ Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội).
Còn 4 bệnh nhân còn lại, 1 bệnh nhân đã tử vong và 3 người đang được điều trị tích cực với dấu hiệu sức khỏe không cải thiện.
Bác sĩ Trần Văn Sóng - phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 - cho biết hai bệnh nhân bị ngộ độc gần như mất hết các phản xạ, chỉ sau dùng thuốc 3 giờ sức cơ đã cải thiện rất đáng kể, nhận biết và hiểu khi tiếp xúc.
Điều ông lo lắng là tình trạng sức khỏe của các bệnh nhân còn lại khi không còn thuốc. Với tình trạng thở oxy, sức cơ yếu của bệnh nhân, các bác sĩ chỉ còn cách theo dõi sát, nếu suy hô hấp sẽ cho đặt nội khí quản để duy trì sự sống.
Trong bối cảnh không có thuốc giải độc cho các bệnh nhân, bệnh viện đã quyết định thay huyết tương để cứu các bệnh nhân.
"Các bệnh nhân đều là công nhân, điều kiện kinh tế rất khó khăn nên để duy trì sự sống cho họ, bệnh viện quyết định thay huyết tương lấy các độc chất để cứu sống người bệnh trước, mọi chuyện tính toán sau. Đây là giải pháp thay thế, tạm thời trong lúc chờ thuốc đặc trị", bác sĩ Sóng nói.
Theo ông, chi phí thay huyết tương khá đắt đỏ. Dự kiến mỗi bệnh nhân phải thay nhiều lần, mỗi lần như thế không dưới 10 triệu đồng.
Trong khi đó, P.N.T.T, 16 tuổi, ngụ ở Bình Dương, bị ngộ độc ăn bún riêu chay đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 hiện đang suy hô hấp và được thở máy, đồng tử giãn 5mm, chỉ cử động nhẹ đầu ngón tay. Các chỉ số xét nghiệm (công thức máu, chức năng gan thận, điện tâm đồ, men tim) trong giới hạn bình thường.
Sau khi được truyền huyết thanh kháng độc tố BAT, T. có cải thiện sức cơ, các đầu ngón tay, chân có biên độ cử động rõ hơn, đến 1h30 sáng 26-3, khi được yêu cầu thì T. rung được cơ đùi, đồng tử 4mm có phản xạ ánh sáng tốt.
Cả nước chỉ có 12 lọ thuốc giải độc, đã hết sạch
Ngộ độc clostridium botulinum trong thực phẩm là dạng ngộ độc ít gặp ở Việt Nam. Các vụ ngộ độc liên quan đến độc tố có trong patê rộ lên vào tháng 9-2020 được xác định là lớn nhất từ trước đến nay, trong đó có trên 10 người bệnh nặng.
Thời điểm đó Việt Nam cấp tốc nhập 2 lọ thuốc botulism antitoxin từ Thái Lan bằng đường không để giải độc botulinum cho các bệnh nhân nặng ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Đây là loại thuốc đặc biệt hiếm do Canada sản xuất.
Đồng thời, Cục Quản lý dược đã liên hệ với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và được tiếp tục hỗ trợ khẩn cấp 10 lọ thuốc botulism antitoxin để giải độc botulinum, loại độc tố có trong patê chay. Được biết mỗi lọ thuốc có giá 8.000 USD.
TTO - Vừa có thêm 3 ca nghi ngộ độc patê chay ở Bình Dương đang cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân 115. Như vậy đến nay các bệnh viện ở TP.HCM đã tiếp nhận tất cả 6 bệnh nhân nghi ngộ độc do ăn patê chay ở Bình Dương.