Câu chuyện kênh đào Suez bị tắc nghẽn vì một chiếc tàu hàng khổng lồ đang thu hút sự quan tâm của thế giới bởi cuộc sống của hàng tỷ người có thể bị ảnh hưởng khi giao thương bị đình trệ.
Vậy tại sao hàng hải quốc tế lại quan trọng như vậy? Hãy cùng tìm hiểu một số sự thật thú vị về thị trường vận tải này nhé để biết vì sao một con kênh bị tắc lại có thể ảnh hưởng đến...cốc cà phê nhà bạn.
Ngành khổng lồ
Toàn cầu hiện nay có khoảng 55.000 con tàu thương mại chạy khắp các đại dương. Trông đó tập đoàn A.P. Moller–Maersk của Đan Mạch là công ty vận tải lớn nhất thế giới với hơn 620 tàu và khả năng vận chuyển tới 3.250.668 container (chiếm 16,4% thị trường toàn cầu).
1,5 triệu thủy thủ
Hàng năm có khoảng 1,5 triệu thủy thủ lênh đênh trên các tàu chở hàng ngoài biển. Trong đó nữ giới chỉ chiếm 2% và 1/3 số thủy thủ mang quốc tịch Philippines. Ước tính mỗi năm có hơn 280.000 học viên Philippines tốt nghiệp từ các trường hàng hải, sẵn sàng để gia nhập các đội tàu trên khắp thế giới.
Siêu rẻ
Vận tải biển rẻ đến mức để làm sạch cá tuyết của mình, nhiều công ty Scotland đã gửi chúng bằng tàu cỡ lớn vượt hơn 16.000 km đến Trung Quốc để sử dụng nhân công giá rẻ nước này, sau đó vận chuyển ngược lại Scotland với giá thành còn thấp hơn khi họ tự làm. Đây là lý do vì sao vận tải biển đánh bại hàng không và đường bộ trong thương mại toàn cầu.
17 triệu container
Hiện có khoảng 17 triệu container đang được sử dụng trên toàn cầu với khoảng 6 triệu chiếc đang được vận tải ngoài biển khi độc giả đang đọc bài viết này. Mỗi năm ngành vận tải biển cũng mất khoảng 10.000 container do "lạc trôi" không biết rơi đi đâu.
Nếu bạn xếp hết số container trên con tàu lớn nhất hiện nay, chúng sẽ trải dài đến hơn 130 km và nếu xếp chồng lên nhau, chúng sẽ cao hơn tòa tháp Eiffel của Pháp 172 lần.
90% của mọi thứ
Vận tải biển hiện đang đảm nhiệm đến 90% lượng hàng giao thương quốc tế. Đây là điều dễ hiểu khi 71% bề mặt trái đất bị bao phủ bởi đại dương trong khi vận tải biển lại rẻ và tiện lợi hơn đường hàng không và đường bộ. Tại nhiều quốc gia như Anh, vận tải biển chiếm tới 95% giao thương của nước này.
Bởi vậy, nếu kênh đào Suez tắc thì khả năng cao là giá cốc cà phê nhà bạn cũng sẽ tăng ngay sau đó. Trên thực tế giá dầu, loại hàng hoá ảnh hưởng tới giá mọi thứ đã tăng 6% ngay trong phiên 24/3 sau khi tin kênh đào Suez bị tắc nghẽn.
Cai nghiện Internet
Thông thường khi đang lênh đênh trên biển, chí có khoảng 1/3 thủy thủ đoàn là các nhân viên cấp cao được tiếp cận với phương tiện truyền thông và không tới 10% thủy thủ kết nối được với Internet. Người ta thường nói vui rằng muốn cai nghiện Internet thì hãy làm thủy thủ vận tải biển.
Ở những chặng đường khắc nghiệt, thủy thủ thậm chí phải chờ đợi hàng tuần liền trước khi có được cơ hội liên lạc với người thân qua hệ thống thông tin trên tàu. Nguyên nhân của việc này là do chi phí, công nghệ cũng như vì mục đích an ninh.
Cướp biển
Cướp biển là một trong những nguy cơ lớn nhất của hàng hải quốc tế. Vào năm 2010, cướp biển Somali đã bắt hơn 544 thủy thủ làm con tin. Và đỉnh điểm là vào năm 2012, số vụ tấn công của cướp biển còn cao hơn số vụ án tại Nam Phi, quốc gia nguy hiểm nhất thế giới.
Nếu xét chung, mỗi năm có đến hơn 2.000 thủy thủ thiệt mạng trên biển và có đến 2 chiếc thuyền bị mất tích mỗi ngày.
Thân thiện với môi trường
Trung bình một tàu vận tải biển có sức mạnh hơn 1.000 chiếc xe hơi gia đình nhưng dù với kích thước và công suất khổng lồ của mình, vận tải biển vẫn được đánh giá là phương thức thân thiện với môi trường hơn cả đường không và đường bộ.
Trung Quốc: cường quốc vận tải biển
Trong 10 cảng biển lớn nhất thế giới, Trung Quốc hiện đang sở hữu đến 7 cảng. Với độ dài cầu cảng lên đến gần 20km, Cảng nước sâu Thượng Hải là cảng lớn nhất thế giới với khả năng tiếp đón hơn 2.000 tàu container cỡ lớn trong 1 tháng.
Hành trình không mệt mỏi
Để nói về độ dài, trung bình mỗi tàu container chở hàng di chuyển chặng đường gần bằng 3/4 khoảng cách giữa trái đất và mặt trăng mỗi năm, qua đó cho thấy sự sôi động của ngành vận tải biển trên thế giới.
Huyền Băng-Tổng hợp
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị