Khởi nghiệp là một nhà kinh doanh hàng hóa vào cuối những năm 1980, Gautam Adani hiện giàu hơn Jack Ma và là người giàu thứ hai Ấn Độ với khối tài sản 56 tỷ USD. Chỉ trong 1 năm qua, ông đã kiếm thêm được 50 tỷ USD, nhiều hơn khoảng 5 tỷ USD so với tỷ phú đồng hương Mukesh Ambani – người giàu nhất châu Á. Qua đó, ông Adani trở thành tỷ phú kiếm tiền nhanh nhất thế giới.
Theo thống kê của Bloomberg, từ đầu năm 2021 đến nay, tài sản của ông Adani đã tăng 16,2 tỷ USD. Điều này giúp ông trở thành người có tài sản tăng nhanh nhất từ đầu năm, đánh bại những tỷ phú hàng đầu thế giới như Jeff Bezos và Elon Musk.
Tỷ phú Gautam Adani.
Sau 2 thập kỷ xây dựng đế chế kinh doanh tập trung vào than đá, tỷ phú Ấn Độ Gautam Adani hiện đang thực hiện nhiều khoản đầu tư ngoài lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch để củng cố tương lai tập đoàn của mình. Những kế hoạch đầy tham vọng của ông nhận được sự thúc đẩy từ Thủ tướng Narendra Modi.
Adani được coi là "ông vua cơ sở hạ tầng" tại Ấn Độ với đế chế kinh doanh đa dạng từ mỏ khai thác, cảng biển, nhà máy điện, sân bay, trung tâm dữ liệu cho đến quốc phòng. Đây là các lĩnh vực mà ông Modi coi là rất quan trọng để đáp ứng mục tiêu kinh tế của đất nước. Do đầu tư vào những dự án phù hợp với định hướng của chính phủ nên đôi khi ông Adani chịu chỉ trích là giàu lên nhờ thân với Thủ tướng.
Vốn hóa của 6 công ty niêm yết thuộc Adani Group đã tăng thêm tổng cộng 79 tỷ USD trong năm ngoái, bất chấp đại dịch. Đây là năm tăng trưởng tốt nhất trong lịch sử của họ.
Nguyên nhân là các công ty của Adani Group đã nhận được đầu tư từ hai đế chế kinh doanh lớn nhất Ấn Độ là Tata Group và Reliance Industries (của tỷ phú giàu nhất Ấn Độ - Mukesh Ambani) cũng như một số ông lớn nước ngoài như Total và Warburg Pincus.
Ông Adani (bên phải) và ông Mukesh.
Trong vòng chưa đầy hai năm, Adani đã giành được quyền kiểm soát 7 sân bay và gần 1/4 lưu lượng hàng không của Ấn Độ. Ông có kế hoạch tăng mảng công suất năng lượng tái tạo lên gấp 8 lần vào năm 2025.
Tuần trước, ông giành được hợp đồng đồng phát triển một bến cảng ở Sri Lanka. Trong khi đó, Adani Enterprises đã ký một thỏa thuận vào tháng trước với EdgeConneX để phát triển và vận hành các trung tâm dữ liệu trên khắp Ấn Độ.
Ông Adani được thế giới chú ý khi giành được một dự án than ở Úc năm 2010. Từ đó, ông đã bị các nhà hoạt động khí hậu chỉ trích, trong đó có Greta Thunberg. Chiến dịch "Ngăn chặn Adani" của một số nhà bảo vệ môi trường đã làm gián đoạn sự phát triển của dự án. Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg năm 2019, Adani cho biết mục tiêu của dự án trên là an ninh năng lượng cho Ấn Độ và việc làm cho người dân địa phương.
Còn ở quê nhà Ấn Độ, vị tỷ phú lại là tâm điểm của cuộc tranh cãi khác, đặc biệt là sau khi ông Modi trở thành Thủ tướng năm 2014. Người phản đối cho rằng thành công của ông Adani phần lớn là nhờ quan hệ thân thiết với Thủ tướng và chiến thuật điều chỉnh các khoản đầu tư phù hợp với các mục tiêu chính sách của ông Modi. Tuy nhiên, ông Adani phủ nhận điều này.
Thời điểm hiện tại, mối đe dọa lớn nhất mà ông Adani phải đối mặt là than đá. Lý do là các tổ chức tài chính trên khắp thế giới đang chịu ngày càng nhiều áp lực trong việc tránh cấp vốn cho dự án năng lượng sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Adani Enterprises là nhà nhập khẩu lớn nhất của Ấn Độ và cũng là hãng khai thác hợp đồng với 101 triệu tấn than đá hàng năm. Các khoản đầu tư hơn 2 tỷ USD của ông Adani tại Úc đang gặp nhiều thách thức và bị chậm trễ. Điều này có thể gây rủi ro cho bất kỳ đơn vị nào tham gia tài trợ.
Còn những dự án mới của ông Adani thì không gặp khó khăn như vậy. Ông có kế hoạch tham gia vào lĩnh vực sản xuất quốc phòng theo lời kêu gọi của ông Modi nhằm cắt giảm sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu đắt đỏ. Ngoài ra, ông Adani còn mở rộng quy mô sản xuất pin mặt trời theo lời kêu gọi "Make in India". Hay việc tham gia vào lĩnh vực dữ liệu cũng là theo dự luật của chính phủ Ấn Độ về việc dữ liệu phải được lưu trữ trong nước.
Nguồn: Economic Times
Gia Vũ
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị