Một trong 4 bệnh nhân ngộ độc patê chay đang điều trị tại Bệnh viện 115 TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN
Theo Cục An toàn thực phẩm, qua điều tra sơ bộ, vụ ngộ độc kể trên nghi do độc tố botulinum. Cục đề nghị Sở Y tế Bình Dương tìm kiếm, thông báo cho cộng đồng để những người đã ăn bữa trưa nói trên đến khai báo tại cơ sở y tế gần nhất. Những người có bất thường về sức khỏe cần đến ngay cơ sở y tế.
Cục An toàn thực phẩm cũng đề nghị Sở Y tế Bình Dương điều tra các thực phẩm sử dụng trong bữa ăn, đặc biệt chú ý món chả và patê chay; đề nghị Sở Y tế TP.HCM và Ban quản lý an toàn thực phẩm, Sở Y tế TP.HCM điều tra thực phẩm mà bệnh nhân đã sử dụng, thông báo cho Bình Dương và tạm đình chỉ sản xuất ngay những sản phẩm có liên quan.
Cục An toàn thực phẩm cũng có văn bản đề nghị Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, tăng cường kiểm tra, giám sát các loại thực phẩm đóng hộp (patê chay), lên men yếm khí (thịt cá ướp, cá ủ muối), bảo quản trong môi trường yếm khí (hun khói), đồng thời có hướng dẫn nguy cơ ngộ độc botulinum.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong cho biết giữa năm 2020, cơ quan chức năng đã chuyển hồ sơ vụ ngộ độc botulinum có trong patê chay nhãn hiệu Minh Chay sang công an. Tình trạng thực phẩm nhiễm botulinum, theo ông Phong, thường xảy ra trong môi trường yếm khí (đóng hộp) và không được xử lý nhiệt đầy đủ.
Ông Phong cũng khuyến cáo với các sản phẩm đóng hộp thì tuyệt đối không sử dụng trong trường hợp hộp bị phồng hoặc có bất thường.
Trước đó, tại các bệnh viện Chợ Rẫy, Nhi đồng 2 và Bệnh viện 115 TP.HCM, có 6 bệnh nhân ăn bữa trưa 20-3 nói trên phải nhập viện, được xác định ngộ độc botulinum có trong patê chay và 1 người trong số này đã tử vong. Đây là ca tử vong do patê chay thứ 2 trong nửa năm qua.
Hiện 2 trong số các bệnh nhân trên đã được điều trị bằng loại thuốc giải độc (giá lên tới 8.000 USD/lọ) được gửi khẩn cấp từ Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai vào. Đây là 2 lọ thuốc giải độc cuối cùng và hiện 3 người khác đang gặp nhiều khó khăn do hết thuốc, tình trạng sức khỏe không có nhiều tiến triển.
TTO - Đã có 6 bệnh nhân ngộ độc nhập viện nghi do ăn patê chay. Nhưng đến nay chỉ có 2 người có dấu hiệu phục hồi sau khi được dùng thuốc giải độc tố clostridium botulinum - tác nhân chính được xác định có trong patê chay.
Xem thêm: mth.80402007162301202-gnoud-hnib-o-cod-yag-yahc-etap-na-iougn-meik-mit-et-y-ob/nv.ertiout