Chiều 26/3, HĐXX đã quyết định trả hồ sơ cho VKSND tối cao, yêu cầu điều tra bổ sung 8 điểm chưa rõ trong hồ sơ vụ án hoán đổi đất liên quan đến nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp và nhiều cựu cán bộ UBND TP Hồ Chí Minh.
Theo HĐXX, sau khi xem xét tất cả chứng cứ của các bên đưa ra, xét thấy vụ án còn một số vấn đề cần phải được làm rõ nên quyết định trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát nhân dân tối cao điều tra bổ sung một số vấn đề sau:
Thứ nhất, đối với việc thế chấp nhà đất 57 Cao Thắng, tại phiên tòa xuất hiện một số tình tiết mới cần phải được xác minh. Cụ thể, theo tài liệu Phòng công chứng số 1 TP Hồ Chí Minh cung cấp cho HĐXX thì trên hệ thống tra cứu dữ liệu công chứng thể hiện có hồ sơ công chứng thế chấp tài sản 57 Cao Thắng. Tuy nhiên, ngày công chứng thể hiện là ngày 16/1/2009, trong khi hợp đồng thế chấp lại ký vào 31/12/2008.
Tại phiên tòa, bà Diệp cho rằng vào sáng 31/12/2008 bà đi Quy Nhơn đến chiều tối mới lên trụ sở Agribank ký nhiều hợp đồng, chứ không đến Phòng công chứng số 1. Trên giấy biên nhận hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm ngày 31/12/2008, thể hiện việc nhận hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm vào 10h35 và trả hồ sơ lúc 15h.
Bên cạnh đó cần phải xác minh làm rõ việc có sự khác nhau giữa 2 biên nhận 31/12/2008 của Trung tâm thông tin tài nguyên - môi trường mà trong quá trình điều tra và tại phiên tòa đều do Văn phòng Đăng ký đất đai TP Hồ Chí Minh cung cấp.
Thứ hai, tờ trình về việc cập nhật giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 57 Cao Thắng thể hiện không thống nhất trên mặt thời gian của các cá nhân tham gia đề xuất, ký tờ trình. Mặc dù tại phiên tòa, HĐXX đã triệu tập những người tham gia vào việc lập đề xuất, ký tờ trình để làm rõ.
Tuy nhiên, để đảm bảo tính chính xác, khách quan và làm rõ sự thật khách quan của vụ án, HĐXX đề nghị xác minh làm rõ hơn về quy trình thực hiện tờ trình cụ thể như thế nào và nguyên nhân của việc không thống nhất về mặt thời gian của những cá nhân tham gia đề xuất, ký tờ trình.
Thứ ba, trong quá trình xét xử, HĐXX nhận được tài liệu do Công ty Phan Thành và người bào chữa cho bị cáo Dương Thị Bạch Diệp thể hiện: Công ty Diệp Bạch Dương vào năm 2014 có ký với Công ty Phan Thành, trong đó có nội dung quyền sử dụng đất 185 Hai Bà Trưng theo giấy chứng nhận cấp ngày 4/2/2013 đang được thế chấp tại Agribank. Song song đó, giữa Công ty Diệp Bạch Dương - Công ty Phan Thành - Ngân hàng Agribank vào 8/9/2014 cũng ký văn bản thể hiện việc cho thuê nhà, trong đó thể hiện các tài sản 179bis -181 - 183-185 Hai Bà Trưng đang thế chấp cho ngân hàng Agribank vay tiền. Tuy nhiên, theo tài liệu điều tra thì từ 8/2/2013, Dương Thị Bạch Diệp đã lấy quyền sử dụng đất tại 185 Hai Bà Trưng thế chấp vay tiền tại Sacombank.
Bà Dương Thị Bạch Diệp. Ảnh: PLO.
Ngân hàng Agribank tại phiên tòa khẳng định đến thời điểm năm 2017 mới biết Công ty Diệp Bạch Dương được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 185 Hai Bà Trưng cũng như việc công ty thế chấp tài sản này cho Sacombank. HĐXX nhận thấy đây là các mâu thuẫn cần được làm rõ.
Thứ tư, với giấy chứng nhận cấp ngày 21/1/2011 cho Công ty Diệp Bạch Dương, theo tài liệu điều tra và trình bày của Agribank thể hiện giấy chứng nhận này được VPĐKĐĐ cấp lại đã giao cho Agribank giữ, do tài sản đang thế chấp tại Agribank. Tuy nhiên tại phiên tòa, bị cáo Dương Thị Bạch Diệp phủ nhận điều này và cho rằng giấy này do Công ty Diệp Bạch Dương nhận chứ không phải ngân hàng Agribank nhận, vì bị cáo hoàn toàn không thế chấp. Sau đó, vì không đồng ý việc ghi thế chấp lên giấy chứng nhận nên bị cáo đã đưa giấy cho bà Vũ Thị Tuyết Cẩm là người của ngân hàng Agribank để yêu cầu xóa thế chấp.
Để chứng minh cho việc này, người bào chữa cho bị cáo Diệp đã trình cho HĐXX bản sao giấy chứng nhận trên được cấp ngày 21/1/2011 được công chứng chứng thực đúng bản chính ngày 25/1/2011, tại UBND phường Bến Nghé và cho rằng nếu ngân hàng đang giữ thì tại sao bị cáo Diệp hay Công ty Diệp Bạch Dương có thể sao y giấy chứng nhận trên?
HĐXX nhận thấy đây là tình tiết mới phát sinh tại tòa cần được phát sinh làm rõ, đặc biệt là quá trình giao nhận, thu giữ, xuất nhập bản chính giấy chứng nhận trên của ngân hàng Agribank từ VPĐKĐĐ TP Hồ Chí Minh.
Thứ năm, tại phiên tòa, bị cáo Dương Thị Bạch Diệp cho rằng các tài liệu của Công ty Diệp Bạch Dương do phía ngân hàng Agribank cung cấp đều là giả mạo. Bị cáo hoàn toàn không ký các văn bản hay biên bản làm việc như Agribank trình bày tại tòa. HĐXX nhận thấy trong quá trình điều tra, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định trưng cầu giám định chữ ký của bị cáo Dương Thị Bạch Diệp tại các hợp đồng thế chấp, chứng từ giải ngân…
Tuy nhiên do có một số tình tiết, tài liệu mới phát sinh trong quá trình tranh tụng, để bảo đảm có đủ căn cứ vững chắc xác định chữ ký trong các văn bản, biên bản làm việc có phải là của bị cáo Dương Thị Bạch Diệp, HĐXX đề nghị cơ quan CSĐT Bộ Công an trưng cầu giám định chữ ký của bị cáo Dương Thị Bạch Diệp, của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan Nguyễn Thị Châu Hà tại các tài liệu mà Công ty Diệp Bạch Dương đã nộp lưu lại ngân hàng Agribank có phải chữ ký của bà Diệp, bà Hà hay không?
Dựa trên kết quả điều tra bổ sung đề nghị làm rõ trách nhiệm của Nguyễn Thị Châu Hà là thành viên hội đồng Công ty Diệp Bạch Dương, nếu có đủ căn cứ đề nghị xử lý theo quy định pháp luật.
Thứ sáu, tại phiên tòa, đại diện Agribank luôn khẳng định tài sản 57 Cao Thắng đã được Công ty Diệp Bạch Dương thế chấp cho ngân hàng này theo hợp đồng thế chấp ký ngày 31/12/2008 để bảo đảm cho khoản dư nợ 8.700 lượng vàng của Hợp đồng tín dụng số 17002616 ngày 31/12/2008 và các nghĩa vụ tín dụng khác của công ty tại Agribank. Hiện ngân hàng này đang giữ giấy chứng nhận 57 Cao Thắng.
Ngược lại, bị cáo Dương Thị Bạch Diệp đưa ra nhiều chứng cứ cho rằng nhà 57 Cao Thắng không thế chấp bảo đảm cho bất kỳ khoản vay nào. Bị cáo cho rằng tất cả tài liệu Agribank đưa ra là giả mạo, mặc dù chữ ký của bị cáo trên các hợp đồng thế chấp, hợp đồng tín dụng đã được giám định chữ ký.
Theo HĐXX, cần điều tra bổ sung, làm rõ quan hệ pháp luật này.
Thứ bảy, HĐXX đề nghị điều tra làm rõ trong quá trình hoán đổi 57 Cao Thắng và 185 Hai Bà Trưng, bị cáo Dương Thị Bạch Diệp có thông báo hay cho các bị cáo khác trong vụ án, các cán bộ, nhân viên UBND TPHCM liên quan việc hoán đổi biết 57 Cao Thắng đang thế chấp hay tranh chấp với ngân hàng Agribank hay không? Có căn cứ xác định các bị cáo khác trong vụ án, các cán bộ nhân viên UBND TP Hồ Chí Minh có liên quan đến việc hoán đổi, có biết tài sản 57 Cao Thắng đang thế chấp hoặc có tranh chấp về thế chấp với Agribank không?
Thứ tám, trong quá trình điều tra bổ sung, nếu có mâu thuẫn trong lời khai giữa hai hay nhiều người, mà đã tiến hành các biện pháp điều tra khác nhưng chưa giải quyết được mâu thuẫn thì phải tiến hành đối chất để đảm bảo xét xử đúng người đúng tội, không oan sai, không bỏ lọt tội phạm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!