Ngày 1.12, Mạng lưới doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ, tổ chức diễn đàn "Cơ hội và thách thức việc làm cho người khuyết tật" nhằm mục đích tìm kiếm và kết nối các cơ hội việc làm mới, đào tạo nghề cho người khuyết tật, kết nối doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động.
Theo thống kê của Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐ-TB-XH, Việt Nam hiện có hơn 7 triệu người khuyết tật; trong đó có 31,7% người khuyết tật trung bình và 7,8% người khuyết tật nặng có việc làm. Khả năng được tuyển dụng của phụ nữ khuyết tật thấp, dẫn tới hơn 3 triệu phụ nữ khuyết tật tại Việt Nam không có việc làm chính thức. Cạnh đó, thống kê cũng cho biết các doanh nghiệp chưa thực sự chú ý và quan tâm tới việc tạo cơ hội việc làm bình đẳng cho người khuyết tật.
Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Mạng lưới doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ cho rằng, cần nhìn nhận người khuyết tật là lực lượng lao động của xã hội. Việc mang đến cơ hội việc làm và thu nhập tốt cho người khuyết tật vừa là hành động vượt lên trên trách nhiệm xã hội, vừa trở thành giá trị mà doanh nghiệp mong muốn đóng góp. Mỗi nhóm doanh nghiệp đóng vai trò như một mắt xích trong việc đào tạo chuyên môn, kỹ năng sống, tuyển dụng lao động và tài trợ chi phí mang đến cơ hội việc làm cho người khuyết tật.
Là người khiếm thị, bà Đào Thu Hương, cán bộ chương trình Hòa nhập người khuyết tật của Chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc, đánh giá người khuyết tật có thể đóng góp khả năng làm việc trong các lĩnh vực như tái chế sản phẩm thân thiện môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp.
Bà Hương dẫn chứng một doanh nghiệp ở Đồng Nai sử dụng người lao động khuyết tật để sản xuất túi, ba lô từ vải vụn. Tiếp đó, bà Hương nhận định, việc doanh nghiệp lắp đặt các đường dốc cho xe lăn của lao động khuyết tật ngoài hỗ trợ họ còn giúp các nhân viên khác trong công ty, nhất là người cao tuổi, nhân viên bê vác nặng…
Tiến sĩ Võ Hoàng Yến, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển năng lực người khuyết tật cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp có mong muốn tiếp nhận người khuyết tật vào làm việc nhưng chưa có tổ chức đồng hành để xây dựng chính sách hỗ trợ hiệu quả. Bà Yến cho rằng, để làm được điều này, các doanh nghiệp nên kết hợp với các tổ chức hỗ trợ người khuyết tật, vì không ai hiểu rõ người khuyết tật bằng chính họ.