Đi tìm một mô hình đô thị thân thiện với môi trường ở Việt Nam
Nguyễn Đỗ Dũng (*)
(KTSG Online) - Phát triển kinh tế, quy hoạch đô thị như thế nào để vừa đạt được các mục tiêu tăng trưởng về kinh tế, xã hội vừa gắn liền với việc gìn giữ môi trường sinh thái là thách thức lớn đối với các thành phố đang trong quá trình đô thị hóa nhưng vẫn luôn có giải pháp. Trong khuôn khổ diễn đàn trực tuyến về Ứng xử với khu dự trữ sinh quyển trong phát triển kinh tế do Kinh tế Sài Gòn Online tổ chức, kiến trúc sư chuyên về lĩnh vực quy hoạch đô thị Nguyễn Đỗ Dũng, Tổng giám đốc công ty enCity (có trụ sở ở Singapore), đã chia sẻ về mô hình quy hoạch đô thị mà ông cho rằng rất thân thiện với môi trường ở Việt Nam.
Chuyên gia quy hoạch Nguyễn Đỗ Dũng, Tổng giám đốc enCity |
Ở Singapore, bảo vệ nguồn nước chính là giữ gìn tài sản và an ninh quốc gia. Ở Mỹ, chính quyền liên bang sẽ phải gánh chịu trách nhiệm chính trong việc tăng cường chất lượng không khí. Còn tại Việt Nam, tiến trình đô thị hóa làm sao để gắn liền với bảo vệ môi trường vẫn là một bài toán khó giải với những nhà quy hoạch và quản lý đô thị.
Kinh nghiệm quản lý chất lượng nước của Singapore
Trên thế giới, rất nhiều nước đã xây dựng thành công đô thị thân thiện với môi trường, tiêu biểu phải kể đến Singapore, Đan Mạch, Nhật Bản, Thụy Điển... Bàn về việc quản lý các khu đô thị mà vẫn đảm bảo được chất lượng môi trường, có một câu chuyện nổi tiếng về quản lý chất lượng nước tại Singapore. Tại sao nước tại đây quan trọng đến vậy, đó là vì Singapore không đủ tài nguyên nước cho 5,7 triệu dân, mà họ phải nhập khẩu 60% lượng nước từ Malaysia. Điều này làm ảnh hưởng đến cả chuyện an ninh và mối quan hệ quốc tế nên Chính phủ Singapore đã đặt mục tiêu: Singapore sẽ độc lập về nguồn nước vào năm 2060 và không cần gia hạn tiếp hợp đồng cung cấp nước với Malaysia.
Để thực hiện được điều này, Cơ quan Hạ tầng Công cộng Singapore (PUB) đã tập trung giải quyết hai vấn đề chính: nâng cao hiệu quả sử dụng nước và mở rộng các nguồn thay thế khác. Họ tận dụng tất cả lượng nước mưa từ Singapore để xử lý thành nước uống, điều này dẫn đến việc biến tất cả các con sông tại Singapore thành hồ chứa và sử dụng 70% diện tích lãnh thổ để thu gom nước mưa, bao gồm cả khu đô thị (chỉ trừ khu công nghiệp).
Nhằm giữ được chất lược nước trong các hồ chứa, Singapore có những quy định khắt khe để giảm thiểu ô nhiễm, ví dụ như cấm tuyệt đối các tàu thuyền chạy động cơ dầu và thay thế bằng động cơ điện. Bên cạnh đó, Singapore cũng nâng cao chất lượng nước mưa thu gom trên bề mặt đô thị thông qua một chương trình có tên “ABC Waters”: Active - Beautiful - Clean (active: lưu thông, beautiful: cảnh quan đẹp, clean: môi trường sạch). Các công viên và công trình xây dựng công cũng như tư sẽ được lắp đặt hệ thống lọc nước tự nhiên: thảm xanh trên mái nhà, chậu cây trong ban công, các mương sinh thái và các “vườn mưa” (rain garden) để lọc nước trước khi chảy vào sông ngòi và hồ chứa.
Chiến dịch ABC Waters của Singapore. Nguồn ảnh: gov.sg |
Mỹ: giảm tình trạng ô nhiễm không khí nơi đô thị
Nếu như câu chuyện bảo vệ môi trường đô thị ở Singapore là về giữ nguồn nước thì tại Mỹ, chính phủ liên bang quan tâm tới giảm ô nhiễm không khí trong đô thị. Nghiên cứu của Trường Y tế Công Harvard (Boston) năm 2020 cho thấy nồng độ bụi mịn PM2.5 vẫn ở mức độ nguy hiểm với người Mỹ, đặc biệt là người cao tuổi. Nếu có thể giảm 10 μg/m3 trong ô nhiễm PM2.5 hàng năm sẽ dẫn đến giảm 6% đến 7% nguy cơ tử vong, cứu sống hơn 140.000 sinh mạng trong một thập kỷ.
Để nâng cao chất lượng không khí, các nhà quản lý đô thị tập trung vào một nguồn phát thải chính là từ các phương tiện giao thông. Chính phủ Mỹ có các chương trình tài trợ Liên bang cho những thành phố để đầu tư vào giao thông công cộng, và Cơ quan Bảo vệ Môi trường liên bang (EPA) thậm chí còn tài trợ các dự án tái phát triển đô thị theo mô hình hỗn hợp và mật độ cao hơn ở trung tâm để giảm thiểu nhu cầu và khoảng cách di chuyển...
Từ bài học trên thế giới quay lại góc độ quy hoạch vùng và quy hoạch đô thị tại Việt Nam, chúng ta cũng thấy những vấn đề tương tự trong bảo vệ nguồn nước và chất lượng không khí, rộng hơn là bảo vệ và giữ gìn cân bằng hệ sinh thái.
Một thực trạng ở Việt Nam là nhiều đô thị vẫn chưa tách được nước thải và nước mưa, dẫn đến việc nước thải sinh hoạt đổ thẳng ra sông hồ, gây ô nhiễm môi trường nước. Đồng thời tình trạng lấp sông hồ và vứt rác thải bừa bãi không chỉ tăng rủi ro ngập lụt mà còn làm chia cắt các dòng chảy, dẫn đến tinh trạng tù đọng và ô nhiễm môi trường nước.
Không chỉ phải đảm bảo sự liên tục của dòng chảy, chúng ta cần giữ được những hành lang xanh dọc theo mặt nước để giảm thiểu rủi ro cho nguồn nước bị ô nhiễm chảy thẳng ra sông ngòi đồng thời thêm không gian xanh trong các đô thị vốn đã chật chội. Việc có nhiều mặt nước trong một thành phố còn giúp tăng độ ẩm không khí và giảm lượng bụi. Các nguồn có khả năng gây ô nhiễm như khu công nghiệp cần phải được xử lý không chỉ nước thải mà cả nước ở các bề mặt trước khi xả ra sông hồ.
Chúng ta cũng không thể không nhắc đến mức độ ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn của Việt Nam vẫn đang diễn biến phức tạp. Để cải thiện chỉ số chất lượng không khí (AQI), cần phải tăng cường sử dụng phương tiện công cộng và bố trí thêm nhiều không gian xanh để lọc khí.
Trong đề án hình thành và phát triển Đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TPHCM (TP. Thủ Đức) giai đoạn 2020 - 2035 đã được Ủy ban Nhân dân thành phố phê duyệt, nhóm tư vấn của enCity cùng đối tác đã dành tối thiểu 10% quỹ đất thành phố (tương đương 2.100 ha) cho không gian công viên, trong đó có tới 30% diện tích các công viên này (tức khoảng 630ha) sẽ được bố trí các hồ nước, vừa làm hồ điều hòa giảm ngập lụt, vừa gia tăng chất lượng không khí trong khu vực.
Một trong những chiến lược quan trọng cho thành phố Thủ Đức là nâng cao chất lượng hệ thống giao thông công cộng, với mục tiêu trong tương lai người dân sẽ di chuyển 50 đến 60% bằng phương tiện công cộng. Bên cạnh đó, enCity cũng đang nghiên cứu cùng nhà đầu tư để chuyển đổi các bãi rác không còn hoạt động của TPHCM trở thành công viên và khu đô thị, vừa giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, vừa nâng cao chất lượng đời sống cho người dân.
Một trong những lý do được đưa ra giải thích cho việc tại sao Thủ tướng Lý Quang Diệu lại phát động chiến dịch trồng cây vào những ngày đầu độc lập của Singapore là: "để tạo sự khác biệt trong thu hút đầu tư và nhân tài so với các thành phố khác trong khu vực".
Thực ra, bảo vệ môi sinh không chỉ là để nâng cao chất lượng môi trường sống cho cư dân đô thị mà đây còn là một trong những chiến lược quan trọng để khiến các thành phố của Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn về kinh tế. Singapore, từ việc đối mặt với nạn thiếu nước và ô nhiễm nguồn nước, đã trở thành trung tâm nghiên cứu về về nước – một năng lực mà giờ đây họ xuất khẩu ra thế giới.
Nếu các nhà quy hoạch, nhà đầu tư và nhà quản lý đô thị chung tay, một ngày không xa các đô thị của Việt Nam không chỉ xanh hơn, sạch hơn, đáng sống hơn và hấp dẫn đầu tư hơn, chúng còn trở bằng chứng của mô hình và công nghệ Việt Nam mà chúng ta có thể xuất khẩu ra thế giới.
(*) Kiến trúc sư về quy hoạch Nguyễn Đỗ Dũng là nhà đồng sáng lập kiêm Tổng giám đốc enCity
Xem thêm: lmth.man-teiv-o-gnourt-iom-iov-neiht-naht-iht-od-hnih-om-tom-mit-id/088413/nv.semitnogiaseht.www