Một góc triển lãm thư pháp và sách “Hương thơm quê mẹ” của thiền sư Thích Nhất Hạnh - Ảnh: HỮU HẠNH
Diễn ra từ ngày 27-3 đến hết ngày 5-4 tại Nhà sách Hải An (2B Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 1, TP.HCM), triển lãm Hương thơm quê mẹ được tổ chức nhân dịp ra mắt quyển sách giai phẩm thư pháp cùng tên của thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Công chúng có dịp thưởng thức 100 tác phẩm thư pháp viết bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau cùng hơn 145 đầu sách tiếng Việt của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Tất cả được sắp xếp, bày trí tinh tế trong một không gian triển lãm đậm chất thiền, tao nhã và tĩnh tại.
Hương thơm quê mẹ gửi gắm những tâm tình hướng về đất mẹ - quê hương Việt Nam của thiền sư, đồng thời cũng là những yêu thương gửi đến cho đất mẹ - hành tinh xanh của chúng ta.
Triển lãm còn có nhiều không gian, hoạt động để khách thưởng lãm có dịp thưởng thức Thiền trà, lắng nghe Thiền ca và tham gia vào những bài thực hành thiền định dưới sự hướng dẫn của các học trò của sư ông Làng Mai (thiền sư Thích Nhất Hạnh).
Khán giả thưởng lãm tác phẩm thư pháp của thiền sư Thích Nhất Hạnh tại triển lãm “Hương thơm quê mẹ” - Ảnh: HỮU HẠNH
Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng chia sẻ: "Trong thư pháp của tôi có mực, trà, hít thở, chánh niệm và tập trung. Viết thư pháp là một môn thiền định. Tôi viết các từ hoặc câu mà có thể nhắc nhở mọi người về sự thực tập chánh niệm."
Có lẽ chính sức mạnh từ sự thiền tập và chánh niệm đó đã khiến các tác phẩm thư pháp của thiền sư Thích Nhất Hạnh luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới nghiên cứu mỹ thuật và thiền học trên thế giới.
Các triển lãm thư pháp của thiền sư đã từng gây tiếng vang lớn khi được trưng bày ở nhiều quốc gia, được đông đảo công chúng trân trọng và tâm đắc.
Tác phẩm thư pháp của thiền sư Thích Nhất Hạnh là sự hòa quyện của nghệ thuật, văn hóa và nếp sống tỉnh thức - Ảnh: HỮU HẠNH
Lần đầu tiên được chiêm ngưỡng các tác phẩm thư pháp của thiền sư tại Việt Nam, khán giả Nguyễn Xuân Hồng chia sẻ: "Mình rất mừng khi các tác phẩm thư pháp của sư ông được giới thiệu đến công chúng qua triển lãm này.
Đối với mình, mỗi bức thư pháp của sư ông đều như một câu kinh để mọi người đọc và nuôi dưỡng những chất liệu của lòng biết ơn, của từ bi, yêu thương, để cùng sống trong chánh niệm và tỉnh thức, cùng nhau hướng đến một cuộc sống và tương lai tốt đẹp hơn".
"Những câu nói của sư ông mình đã được đọc từ rất lâu, nhưng khi chiêm ngưỡng trong triển lãm hôm nay, mình vẫn rất ngạc nhiên và hạnh phúc. Không gian, các tác phẩm thư pháp và mọi thứ ở đây đều quá đẹp, khiến mình cảm thấy lòng đầy bình an" - Tự xem mình là một người học trò qua sách của thiền sư Thích Nhất Hạnh, chị Võ Thị Kim Phượng bày tỏ.
Với nhiều khán giả, mỗi tác phẩm thư pháp của thiền sư Thích Nhất Hạnh là một câu kinh đầy ý nghĩa - Ảnh: HỮU HẠNH
"Mình cũng mới bắt đầu tìm hiểu về lối sống tỉnh thức của thiền sư Thích Nhất Hạnh, và mình rất tâm đắc ý nghĩa của mỗi bức thư pháp ở đây. Thật hay khi trong khi đời sống hiện đại bận rộn như bây giờ, chúng ta lại tìm được một cách sống ý nghĩa và đầy tỉnh thức như thế này" - khán giả Nguyễn Quảng Tiệp chia sẻ cảm nhận.
Anh cũng đặc biệt yêu thích hai bức thư pháp "Hạnh phúc của các con là phẩm vật quý giá nhất để dâng lên cha mẹ" và "Hạnh phúc của cha mẹ là gia tài quý nhất để lại cho các con" của thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Hai bức thư pháp đầy ý nghĩa của thiền sư Thích Nhất Hạnh trong triển lãm "Hương thơm quê mẹ" - Ảnh: HỮU HẠNH
Ngoài 100 tác phẩm thư pháp, triển lãm còn trưng bày hơn 145 đầu sách tiếng Việt của thiền sư Thích Nhất Hạnh - Ảnh: HỮU HẠNH
Triển lãm trưng bày 100 tác phẩm thư pháp được viết bằng nhiều ngôn ngữ của thiền sư Thích Nhất Hạnh - Ảnh: HỮU HẠNH
Một góc không gian triển lãm "Hương thơm quê mẹ" của thiền sư Thích Nhất Hạnh - Ảnh: HỮU HẠNH
Đến với triển lãm, khán giả còn có dịp được thưởng thức Thiền ca, thực hành Thiền định cùng các học trò của thiền sư Thích Nhất Hạnh - Ảnh: HỮU HẠNH