Mới đây, Tổ công tác liên ngành đảm bảo trật tự an toàn giao thông khu vực Tân Sơn Nhất vừa tổng kết ba năm công tác.
Đại diện tổ là Tổ trưởng Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, đã có những đánh giá về thực trạng giao thông khu vực này.
Đường Hoàng Hoa Thám một trong những con đường xung quanh khu vực
sân bay Tân Sơn Nhất thường xuyên kẹt xe. Ảnh: NGUYỆT NHI
Khu vực Tân Sơn Nhất đang quá tải
Tổ công tác đánh giá theo quy hoạch, sân bay Tân Sơn Nhất có công suất 25 triệu lượt hành khách/năm và một triệu tấn hàng hóa/năm. Thực tế khai thác trong giai đoạn 2017-2020, bình quân mỗi năm sản lượng hành khách đạt được 34,4 triệu lượt/năm (vượt 1,4 lần công suất quy hoạch), sản lượng hàng hóa đạt bình quân 0,63 triệu tấn/năm.
Đặc biệt, vào dịp nghỉ, cuối năm, lễ, tết…, nhu cầu vận chuyển hàng hóa cũng như hành khách luôn tăng cao đột biến. Lượng xe lưu thông trên các tuyến đường xung quanh khu vực sân bay rất lớn, vượt quá khả năng thông hành của hầu hết tuyến đường trong khu vực.
Theo ý kiến của nhiều người dân, khu vực Tân Sơn Nhất là một trong những điểm nóng về giao thông, đặc biệt là giờ cao điểm. Hàng loạt tuyến đường như Trần Quốc Hoàn, Cộng Hòa, Hoàng Văn Thụ thường xuyên quá tải, kẹt xe vào giờ cao điểm. Điều này đã gây khó khăn cho người dân khi tham gia giao thông và chưa phát huy khả năng kết nối với các khu vực. Do đó, TP cần sớm đưa ra các giải pháp để kéo giảm ùn tắc cho khu vực này.
Trước thực trạng trên, thời gian qua Sở GTVT và tổ công tác đã có nhiều giải pháp nhằm đảm bảo an toàn giao thông. Trong đó có tổ chức điều chỉnh giao thông tại 43 vị trí, khu vực và tuyến đường. Điển hình như điều chỉnh tốc độ lưu thông và cho phép xe hai bánh lưu thông trên làn ô tô vào giờ cao điểm trên đường Trường Chinh; cải tạo kích thước hình học tại giao lộ Trường Chinh - Cộng Hòa; lắp đặt dải phân cách di động tại giao lộ Trường Chinh - Hồ Đắc Di. Bên cạnh đó, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã điều chỉnh phân làn trên đường nội cảng - ga quốc nội. Tình hình giao thông bên trong sân bay cũng được cải thiện.
Theo ông Trần Quang Lâm, thời gian qua tổ công tác đã nhanh chóng điều chỉnh tổ chức giao thông, xử lý các bất cập về hạ tầng khi nhận được góp ý và phản ánh của các đơn vị có liên quan trong nhóm, hạn chế tối đa nguy cơ ùn tắc giao thông tại khu vực.
Đặc biệt, nhiều đơn vị tham gia vào nhóm Viber hoạt động rất tích cực, có sự trao đổi thông tin về tình hình giao thông, tình hình lượng hàng hóa. Từ đó, các đơn vị chủ động bố trí lực lượng xử lý nên tình hình giao thông đã được kiểm soát.
Song song đó, nhiều công trình xây dựng đã hoàn thành kịp tiến độ và đưa vào sử dụng, tạo sự chuyển biến tích cực, kéo giảm ùn tắc giao thông tại khu vực sân bay.
Trông chờ vào các dự án lớn
Theo tổ công tác, hiện năm công trình hạ tầng giao thông khu vực Tân Sơn Nhất đã hoàn thành và góp phần giải quyết ùn tắc giao thông.
Cụ thể như xây dựng cầu vượt tại nút giao thông đường Trường Sơn - đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài, quận Tân Bình; xây dựng đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài; xây dựng cầu vượt thép tại nút giao ngã sáu Gò Vấp…
Bên cạnh đó, hiện nay cũng có năm dự án đang chuẩn bị triển khai xây dựng, song tiến độ các dự án còn chậm ở khâu giải phóng mặt bằng và thi công. Từ đó ảnh hưởng đến lộ trình lưu thông trên các tuyến đường xung quanh khu vực. Bên cạnh đó, một số đơn vị thi công chưa chấp hành đúng quy định của Sở GTVT về việc hạn chế thi công, sửa chữa, duy tu các công trình đường bộ… Cộng thêm công tác phối hợp xử lý sự cố giữa đơn vị chủ quản các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình ngầm còn chậm trễ đã dẫn đến tình trạng ùn ứ cục bộ tại đây.
Theo ông Lâm, để đảm bảo giao thông cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng xung quanh sân bay. Đơn cử là một số dự án như xây dựng nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Đối với dự án này, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư và dự kiến hoàn thành trong 37 tháng từ khi phê duyệt chủ trương đầu tư.
Các đơn vị cũng cần sớm triển khai đồng bộ dự án xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa (song hành đường Cộng Hòa). Hiện Sở GTVT đã báo cáo UBND TP về phương án ranh dự án, quy mô dự án. TP đã có công văn gửi Bộ Quốc phòng về thỏa thuận phương án ranh dự án và thống nhất quy mô xây dựng. Hiện nay, Bộ Quốc phòng đang chỉ đạo các đơn vị trực thuộc rà soát, thực hiện thủ tục bàn giao đất quốc phòng để tiến hành các bước tiếp theo.
Một số dự án khác cần sớm triển khai và hoàn thành như dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám từ cổng doanh trại quân đội (giáp sân bay) đến đường Cộng Hòa, quận Tân Bình; dự án cải tạo đường Cộng Hòa từ hẻm số 2 đường Trần Quốc Hoàn đến đường Thăng Long, quận Tân Bình; dự án nâng cấp, mở rộng đường Trường Chinh (đoạn từ đường Cộng Hòa đến đường Âu Cơ), quận Tân Bình và quận Tân Phú; dự án nâng cấp, mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý (đoạn từ đường Lê Trọng Tấn đến đường Cộng Hòa), quận Tân Bình và quận Tân Phú.
Cùng với các giải pháp trên, thời gian tới còn cần thực hiện các giải pháp phi công trình như thường xuyên theo dõi, rà soát, điều chỉnh tổ chức giao thông trên các tuyến đường xung quanh sân bay khoa học, hợp lý. Ngoài ra, xây dựng phương án huy động, bố trí lực lượng đảm bảo trật tự an toàn giao thông, điều tiết giao thông linh hoạt.
Đặc biệt cần rà soát, bổ sung hệ thống camera, tăng cường xử phạt nguội qua hình ảnh và tuần tra xử phạt các trường hợp dừng xe, đỗ xe không đúng quy định, lưu thông ngược chiều trên các tuyến như đường Trường Sơn, Hồng Hà, Bạch Đằng...
Ông Lâm chia sẻ: “Trước tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn TP có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, tổ công tác kiến nghị UBND TP tiếp tục duy trì hoạt động của tổ trong giai đoạn 2021-2025”.
Sân bay có thêm làn đón khách cho xe công nghệ Cảng vụ Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất xác nhận trong tháng 4 sẽ mở thêm làn E để hành khách đón xe công nghệ. Theo đó, cảng đã thống nhất với Be Group trong tháng 4 này sẽ mở làn E tại nhà xe TCP đối diện ga quốc nội sân bay nhằm tạo thuận lợi cho hãng xe công nghệ này khi đón trả khách. Be Group cũng xác nhận thông tin này. Theo đó, phía Cảng vụ Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ mở làn E để Be Group đón trả khách tại sân bay. Hiện tại, Be Group sẽ lên phương án để điều tài xế, cập nhật ứng dụng cho phù hợp. Trước mắt, Be Group sẽ bố trí nhân sự điều phối, sắp tài nhằm bảo đảm trật tự, kiểm soát giá cả. |