Lực lượng biên phòng tuần tra kiểm soát tàu cá neo đậu gần đảo Thổ Chu (Phú Quốc) - Ảnh: K.NAM
Hôm qua 26-3, Bộ Y tế thông báo ghi nhận 7 ca mắc COVID-19 mới, đáng chú ý trong số này có 4 người nhập cảnh trái phép (3 người Việt Nam và 1 người Trung Quốc). 3 người Việt Nam nhập cảnh lậu đi trong 1 tàu có 10 người, đến Phú Quốc (Kiên Giang) hôm 22-3 và từ đó đi tiếp tới nhiều tỉnh thành.
Cũng trong hôm qua, tại Hội nghị trực tuyến bảo đảm an toàn phòng chống COVID-19 cho tất cả các cơ sở khám chữa bệnh, các điểm tiêm chủng tại hơn 700 điểm cầu, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long bày tỏ tình hình dịch tại các nước trong khu vực còn phức tạp. Vì thế, nước ta có nguy cơ cao xuất hiện đợt dịch thứ 4, các địa phương phải triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch.
Liên quan đến vụ nhập cảnh trái phép nói trên, hôm qua đã xác định có 142 người có tiếp xúc (F1, F2), nhưng chưa phát hiện thêm ca dương tính trong những người có tiếp xúc với bệnh nhân.
Nhập cảnh lậu: "điểm đến" Phú Quốc
Trở lại sự việc tại Phú Quốc, ông Nguyễn Lưu Trung, phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, nhận định từ khi tình hình dịch COVID-19 tái bùng phát và diễn biến phức tạp tại một số địa phương của nước láng giềng Campuchia, kéo theo tình hình xuất nhập cảnh trái phép bằng cả đường bộ và đường biển cũng phức tạp hơn.
Trong khi trên bộ tình hình được kiểm soát chặt chẽ do toàn tuyến biên giới dài 56km của Kiên Giang giáp với Campuchia đã được khép kín 24/24 giờ thì trên biển lại rất khó kiểm soát. Hiện tại, hầu hết các vụ nhập cảnh, xuất cảnh trái phép bằng đường biển đều chọn đảo Phú Quốc làm điểm xuất phát hoặc trung gian để đi tiếp tới các địa phương khác.
Lý do Phú Quốc được "chọn" vì hòn đảo này rất gần với Campuchia, có vùng nước lịch sử chồng lấn với nước bạn nên những người nhập cảnh trái phép đã chọn nơi đây làm điểm tiếp cận đầu tiên. Chỉ tính từ đầu năm 2021 tới nay, các lực lượng hữu quan ở Phú Quốc đã phát hiện ít nhất 6 vụ với 39 người nhập cảnh trái phép.
Tất cả các vụ việc này đều liên quan tới một số đối tượng người Campuchia. Đơn cử, vụ 4 cô gái người Việt hùn nhau thuê 2 người đàn ông Campuchia chạy vỏ lãi nhập cảnh trái phép vào đảo Phú Quốc với giá 1.400 USD, mỗi người 350 USD.
Sau khi vụ án bị khởi tố, 2 bị can người Campuchia khai nhận có rất nhiều người Việt đang làm thuê trên đất bạn muốn về nước để tránh dịch nhưng cố tình trốn cách ly bởi khi sang Campuchia làm một số nghề không tiện khai rõ.
Cũng có trường hợp làm thuê trong các sòng bài, sòng đá gà, cơ sở massage, karaoke... gặp mùa dịch ế ẩm nên thiếu nợ tiền ăn, tiền trọ của chủ đành phải trốn về nước.
Từ 5 tháng nay, chúng tôi đã tung 11 tàu tuần tra, lập hàng chục chốt cố định quanh đảo, thêm vào đó là các tổ tuần tra cơ động nhưng vẫn không xuể. Sắp tới sẽ kiến nghị lực lượng hải quân, cảnh sát biển đóng quân trên đảo Phú Quốc hỗ trợ thêm.
Đại tá Nguyễn Thế Anh
Vượt biển bằng vỏ lãi?
Đại diện Hội Nghề cá tỉnh Kiên Giang cho hay kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát ở Campuchia và một số tỉnh thành trong nước, hội đã chủ động tuyên truyền tới hơn 4.000 hội viên về tính nguy hiểm của dịch bệnh, khuyến cáo hội viên không sử dụng tàu cá để đưa người xuất nhập cảnh trái phép vì bất cứ lý do gì.
Ông Trương Văn Ngữ, hội viên Hội Nghề cá Kiên Giang, cho biết thời gian đầu có một vài trường hợp cho người quen quá giang đi nhờ tàu từ các huyện đảo (Kiên Hải, Phú Quốc) về đất liền, nhưng sau này không ai dám cho đi nhờ nữa. Lý do nếu bị phát hiện, ngoài chuyện bị phạt còn bị tạm giữ phương tiện rất phiền phức, lỗ sở phí do tàu không hoạt động.
"Mỗi con tàu trị giá mấy tỉ đồng, ai có gan liều mạng mà đem đi chở người trái phép. Tiền công nhiều lắm tui cho là vài triệu, vài chục triệu chứ có bao nhiêu đâu mà tiếp tay làm bậy, chưa kể nguy hiểm tính mạng do dịch bệnh lây lan rất dữ" - ông Ngữ nói.
Ông Trần Văn Ngay (ngụ phường An Thới, Phú Quốc), chủ tàu cá, cho hay thủ tục ra vào khá chặt chẽ. Trước khi ra khơi thuyền trưởng phải xuất trình sổ đăng ký thuyền viên với trạm biên phòng. Khi kết thúc chuyến biển trở vào cũng phải làm y như vậy. Từ khi dịch bệnh tái bùng phát tới nay, việc trình báo, kiểm tra càng gắt gao hơn.
Theo thông tin từ Hải đội 2, Bộ đội biên phòng Kiên Giang, các vụ nhập cảnh đường biển đều sử dụng vỏ lãi chạy men theo bờ biển từ Campuchia qua đảo Phú Quốc hoặc đảo Thổ Chu (xã Thổ Châu, Phú Quốc). Lý do vùng biển nơi đây cạn, đoạn đường từ Campuchia về Việt Nam chỉ khoảng 20km, có thể đi bằng vỏ lãi cỡ nhỏ, sau khi cho người nhập cảnh lậu lên bờ, chủ vỏ lãi sẽ quay đầu chạy về phía Campuchia.
Ông Huỳnh Văn Cường, thuyền trưởng tàu cá thường xuyên khai thác trên vùng biển Tây Nam, chia sẻ khoảng 18h hằng ngày qua hệ thống liên lạc trên tàu đều nhận thông báo yêu cầu nêu cao cảnh giác, phối hợp với lực lượng chức năng để thông báo ngay tất cả các trường hợp tàu thuyền, vỏ lãi có dấu hiệu nghi ngờ nhập cảnh trái phép.
Đại tá Nguyễn Thế Anh, chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Kiên Giang, cho biết thêm từ năm 2020, đặc biệt là từ đầu năm tới nay, các vụ phát hiện, bắt giữ người nhập cảnh trái phép đều do người Việt thuê một số đối tượng người Campuchia đưa về nước.
Phú Quốc sẵn sàng cho tình huống xấu nhất
Liên quan tới vụ việc 10 người từ Campuchia nhập cảnh trái phép vào đảo Phú Quốc ngày 22-3, hiện chính quyền TP Phú Quốc đang khẩn trương truy tìm 7 người còn lại (bao gồm cả 3 người được cho là chủ phương tiện).
Tính tới cuối giờ chiều 26-3, Phú Quốc đã rà soát, truy vết cách ly tập trung 26 người là F1 của 3 bệnh nhân nói trên. Trong đó có 15 người liên quan tới nhà nghỉ Khoa Thư (ở phường An Thới), 9 người ở sân bay Phú Quốc và 2 tài xế taxi. Hiện đang tiếp tục truy vết các trường hợp F2, F3.
Ông Huỳnh Quang Hưng, chủ tịch UBND TP Phú Quốc, cho biết hiện TP đảo này có khả năng tiếp nhận cách ly 500 người, trong đó các khu cách ly dã chiến có thể tiếp nhận khoảng 400 người. TP Phú Quốc cũng đã được trang bị máy xét nghiệm COVID-19, sẵn sàng cho tình huống xấu nhất.
Trong khi đó, theo đại tá Nguyễn Thế Anh, dù đã tăng cường hết lực lượng, số lượng tàu tuần tra hiện có, song việc phủ kín vùng biển rộng hơn 1.500km2 là điều không tưởng. Đảo Phú Quốc lại có đường bờ biển bao quanh dài hơn 130km, chỗ nào cũng có thể tấp vô được nên việc để lọt người nhập cảnh trái phép là khó tránh khỏi.
Đó là chưa kể gần đây các đối tượng đưa người nhập cảnh trái phép còn bố trí giấu người dưới hầm tàu nên việc kiểm tra hàng ngàn chiếc tàu cập bến mỗi ngày trở thành nhiệm vụ hết sức nặng nề.
Có bệnh nhân từ Campuchia về qua đường bộ
Trong số các bệnh nhân được Bộ Y tế xác nhận vào hôm qua có bệnh nhân 2585 (44 tuổi, quốc tịch Trung Quốc). Bệnh nhân này nghi nhập cảnh trái phép qua đường tiểu ngạch tại khu vực cửa khẩu quốc tế Mộc Bài ngày 23-3, sau đó về Bình Dương. Kết quả xét nghiệm ngày 25-3 dương tính với COVID-19. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương.
Các tỉnh biên giới Tây Nam phải có kịch bản ứng phó
Chiều 26-3, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 để thảo luận về tình hình dịch bệnh và các biện pháp ứng phó, đặc biệt với thông tin được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đưa ra trước đó: đang có nguy cơ thiếu hụt nguồn cung vắcxin. Lô vắc xin COVID-19 của AstraZeneca được cung cấp qua cơ chế COVAX (gần 1,4 triệu liều) sẽ bị chậm lại khoảng 3 tuần. Điều này có nghĩa 3 tuần đầu tháng 4 sẽ không có liều vắc xin nào về Việt Nam.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết các công ty sản xuất vắcxin phòng COVID-19 đã được cấp phép trên thế giới đều có mối liên hệ trực tiếp với Bộ Y tế và Bộ Y tế mong muốn bất kỳ tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân có quan hệ đối tác với những công ty sản xuất vắc xin trên thế giới tăng cường tiếp cận để có nguồn dồi dào cho Việt Nam.
Để sớm đảm bảo nguồn cung, Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu tiếp tục đôn đốc, thúc đẩy thử nghiệm các vắc xin nghiên cứu, phát triển trong nước theo tinh thần tiến hành các bước thử nghiệm khẩn trương nhưng tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về thử nghiệm và thực hành quốc tế về thử nghiệm.
Với việc triển khai "hộ chiếu vắc xin", Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Y tế có phương án báo cáo về cơ chế, địa điểm, thời gian cách ly, xét nghiệm, theo dõi y tế... với phương châm tạo thuận lợi nhưng phải an toàn. Trong đó, sẽ bàn về phương án thực hiện với những trường hợp như các chuyên gia, thương nhân đã tiêm vắc xin hai lần; người Việt Nam, người có quốc tịch Việt Nam đã được tiêm và có nhu cầu về nước; người nước ngoài muốn vào Việt Nam với mục đích giao lưu, du lịch.
Có hai hướng đang được bàn thảo là xem xét cho cách ly tại nhà với chuyên gia, người Việt Nam bị kẹt ở nước ngoài, đã tiêm 2 mũi vắc xin, hoặc cách ly 7+7, tức là cách ly tập trung 7 ngày và cách ly tại nhà 7 ngày. Dự kiến trong tuần tới, Bộ Y tế sẽ xây dựng quy chế này để trình cấp có thẩm quyền.
Đối với việc ghi nhận các ca nhập cảnh trái phép dương tính với COVID-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết tình hình biên giới Tây Nam khá phức tạp bởi có cả đường bộ và đường biển. Ông Long đề nghị địa phương tăng cường giám sát sàng lọc, chuẩn bị kỹ kịch bản về xét nghiệm, cách ly và điều trị cho các nguy cơ dịch bệnh có thể xảy ra.
Theo Ban Chỉ đạo, cần sớm thực hiện các biện pháp theo đề nghị của Bộ Ngoại giao là cần hỗ trợ, hợp tác với nước bạn, hỗ trợ bà con người Việt Nam cố gắng thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, tạo điều kiện thuận lợi để bà con nhập cảnh bằng con đường hợp pháp, trường hợp nhập cảnh trái phép phải xử lý thật nghiêm.
"Chúng ta phải làm rất nghiêm. Không thể vì một vài cá nhân mà gây thiệt hại rất lớn cho toàn xã hội nếu dịch lan ra", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các địa phương cần có giải pháp hạn chế tối đa những sự kiện tập trung đông người, đám cưới, đám hiếu và thực hiện nghiêm biện pháp 5K.
N.AN - L.ANH
TTO - Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch chiều nay 26-3, các cơ quan chức năng cho biết đã tìm được 142 người liên quan đến 2 ca mắc COVID-19 mới nhập cảnh lậu ở TP.HCM và Hải Phòng. 25/142 trường hợp F1 đã có kết quả âm tính.
Xem thêm: mth.36435627072301202-couq-uhp-o-gnon-ual-hnac-pahn-iougn-ut-yal-91-divoc-nagn/nv.ertiout