vĐồng tin tức tài chính 365

Karaoke, loa bán hàng ầm ĩ: Chính quyền quá 'hiền', còn nể nang nhau

2021-03-27 10:00
Karaoke, loa bán hàng ầm ĩ: Chính quyền quá hiền, còn nể nang nhau - Ảnh 1.

Hát karaoke giới thiệu sản phẩm gây ồn ào khu dân cư Trung Sơn, huyện Bình Chánh, TP.HCM - Ảnh: MINH ANH

"Chỉ cần thực thi đúng luật hiện có, chính quyền đừng quá "hiền" như thời gian qua sẽ điều chỉnh được nạn ô nhiễm tiếng ồn". Đây là ý kiến ông Phan Thanh Bình - chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - trao đổi với Tuổi Trẻ.

Quá nhiều người phản đối nạn karaoke hay loa đài từ các nhà hàng, shop bán hàng trong khu dân cư. Không ít người vì tiếng ồn không chịu nổi đã phải rời nhà đi chỗ khác. Tôi muốn nhìn câu chuyện với thái độ bình tĩnh nhưng quyết liệt tìm giải pháp.

Đừng phiền hà tới người khác

Ta cũng phải hiểu là một bộ phận người dân có nhu cầu được hát và nhu cầu ấy nay lại được công nghệ giúp sức. Dân mình yêu văn nghệ, ai cũng thích hát cả. Nhưng cuộc sống hiện đại, tiến bộ ngày nay còn có nhu cầu được nghỉ ngơi yên tĩnh. Trung hòa hai nhu cầu này, tôn trọng nhau, để nhu cầu của người này không phiền hà tới người khác. 

Ở thành phố, nhà nhà sống sát bên nhau, người thành phố lại có nhu cầu tôn trọng không gian riêng tư nhiều hơn, nhu cầu được có thời gian yên tĩnh nghỉ ngơi bởi cuộc sống vốn nhiều vất vả, căng thẳng.

Ở đây, văn hóa thị dân cần phải được điều chỉnh, chắt lọc theo thời gian để giữ lại những cái tinh túy nhất. Bởi karaoke là một dạng sinh hoạt văn hóa hay chứ không phải dở, chỉ cách hát hiện nay là dở. Nên cần phải điều chỉnh cho phù hợp để giữ được cái hay cái đẹp, tôn trọng quyền của người dân.

Trước hết phải đi từ con người, cùng sống trong cộng đồng phải tôn trọng nhau, thỏa niềm vui của mình nhưng phải tôn trọng trật tự xã hội, không xâm phạm tới quyền nghỉ ngơi của người khác. Niềm vui của mình không được xâm phạm vào niềm vui, sự bình yên của người khác. 

Để có được điều này thì đầu tiên phải từ giáo dục, tự thay đổi. Sau đó là phải có những thiết chế của cộng đồng nhỏ như các "hương ước" của khu phố, phường, quận, thậm chí là những quy định riêng của tỉnh. Và bước cao hơn nữa là hệ thống pháp luật chung của cả nước. Những giải pháp này hiện nay đều chưa được thực thi hiệu quả.

Cơ quan chức năng chưa làm hết chức năng

Tôi có rà lại và thấy hệ thống pháp luật quy định xử lý vi phạm về tiếng ồn khá đầy đủ và hình phạt cũng khá nặng. Điều 17, nghị định 155 của Chính phủ năm 2016 đã quy định mức phạt rất nặng, từ 1 triệu đồng đến trên 100 triệu đồng nếu... để âm thanh vượt khỏi quy chuẩn cho phép.

Ai đó nói chỉ xử phạt được chuyện ô nhiễm tiếng ồn sau 22h là không đúng. Hiện chúng ta có quy định tiêu chuẩn tiếng ồn cho phép tương ứng với ba khu dân cư khác nhau: khu dân cư đặc biệt yên tĩnh ở gần trường học, bệnh viện, các cơ sở thờ tự; khu dân cư bình thường và khu sản xuất dịch vụ. 

Và tương ứng với mỗi khu dân cư đó thì luật lại quy định rõ mức độ tiếng ồn cho phép trong từng khung giờ và khung giờ nghiêm khắc nhất là từ 22h - 6h. Hệ thống quy chuẩn về tiếng ồn của ta cũng đã quy định rất rõ ràng và có thể căn cứ vào đó để xử phạt. Bất cứ khung giờ nào, nếu tiếng ồn vượt quá quy định cho khung giờ đó thì đều có thể bị xử phạt.

Hệ thống luật của mình khá đầy đủ, chỉ là khâu triển khai thực thi luật chưa tốt. Sở Tài nguyên và môi trường không thể nói không có thiết bị đo tiếng ồn. Cái gì cần là có thể mua, vấn đề là họ chưa quan tâm tới vấn đề này. 

Chúng ta có công an môi trường nhưng hiện nay họ mới chỉ xử lý các vấn đề ô nhiễm rác thải, vệ sinh thực phẩm. Nhưng tiếng ồn cũng là vấn đề của môi trường, công an môi trường vẫn có thể xử lý vi phạm về tiếng ồn.

Cơ quan chức năng chưa quan tâm giải quyết chuyện ô nhiễm tiếng ồn một cách đầy đủ, họ chưa làm hết chức năng của mình. Chính quyền còn để những hàng quán ồn ã đến vậy thì làm sao nói được người dân không hát. 

Đừng làm thinh như chính quyền thời gian qua. Chỉ cần thực thi đúng luật hiện có là đã điều chỉnh được nạn ô nhiễm tiếng ồn rất nhiều rồi. Ở mình, người ta cứ nể nang nhau.

Làm quy hoạch và tạo dựng văn hóa

Khi đi giám sát tại TP.HCM, tôi đã có ý kiến thành phố phải tính toán quy hoạch các khu dân cư với các mức độ tiếng ồn cho phép khác nhau, giống như trong hệ thống quy chuẩn tiếng ồn đã có, gồm: khu dân cư thật yên tĩnh, khu hành chính, khu sản xuất và kinh doanh dịch vụ. Hiện nay, bất kể chỗ nào cũng có thể mở hàng quán ăn nhậu với nhạc DJ ầm ĩ, gần chùa, trường học, bệnh viện vẫn có thể mở quán karaoke.

Và giáo dục ý thức nề nếp trong cộng đồng là thứ rất cần quan tâm ngay bây giờ. Tôi nhớ khi mình còn nhỏ, cứ 22h là nghe trên đài phát thanh truyền hình phát câu: "Bây giờ là 22h, đề nghị bà con điều chỉnh âm thanh vừa đủ nghe để khỏi làm phiền lòng hàng xóm đang cần sự nghỉ ngơi". Tôi nghe riết rồi ngấm vào đầu. Đó cũng là một dạng tạo dựng văn hóa.

Chúng ta có hội đồng nhân dân các cấp - cơ quan dân cử các cấp. Về nguyên tắc, các cơ quan dân cử này có thể dựa vào hệ thống pháp luật hiện hành để đưa ra những quy định riêng của địa phương mình, bàn bạc, thông qua nghị quyết, từ đó ủy ban các cấp tương ứng sẽ triển khai. Hội đồng nhân dân phải bàn những chuyện thiết thân với người dân như chuyện ô nhiễm tiếng ồn này.

Thí dụ tỉnh An Giang có quy định cấm karaoke kéo đường. Cái đó cũng được. Nhưng hay hơn nữa là để Hội đồng nhân dân bàn ra một nghị quyết, sau đó UBND tỉnh mới triển khai.

Mấy chục cái loa rao hàng phát một lúc... ai chịu nổi, còn Mấy chục cái loa rao hàng phát một lúc... ai chịu nổi, còn 'khủng' hơn karaoke

TTO - "Ngã tư đường vành đai Khu công nghệ cao quận 9 giao với đường Lã Xuân Oai, người bán rau, bán cá... đem loa phát rao inh ỏi (mấy chục cái loa cùng phát) sáng, trưa, chiều, tối, đi ngang ai cũng chịu không nổi".

Xem thêm: mth.94650747072301202-uahn-gnan-en-noc-neih-auq-neyuq-hnihc-i-ma-gnah-nab-aol-ekoarak/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Karaoke, loa bán hàng ầm ĩ: Chính quyền quá 'hiền', còn nể nang nhau”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools