Ngân hàng Nhà nước chính thức ‘rót' 4.000 tỉ cho Vietnam Airlines
Lan Nhi - Dũng Trần
(KTSG Online) - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện tái cấp vốn bằng đồng Việt Nam, tổng giá trị 4.000 tỉ đồng cho Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) thông qua các tổ chức tín dụng với lãi suất 0% năm, kể từ ngày 26-3-2021.
Vietnam Airlines được tái cấp vốn 4000 tỉ đồng để phục hồi sản xuất kinh doanh. Ảnh: DNCC |
Lời giải cho gần một năm chờ đợi
Khoản tiền 4.000 tỉ đồng tái cấp vốn của NHNN cho Vietnam Airlines được đưa ra hôm 26-3, chấm dứt gần một năm chờ đợi, tưởng chừng như không có hướng tháo gỡ cho những khó khăn của Vietnam Airlines vì đại dịch Covid-19.
Bằng Quyết định 450 của Thủ tướng, NHNN được phép tái cấp vốn đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) sau khi tổ chức tín dụng cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh theo Nghị quyết của Quốc hội hồi tháng 11-2020. Khoản tái cấp vốn trị giá 4.000 tỉ đồng được giải ngân mà không cần tài sản đảm bảo của doanh nghiệp được thực hiện trên cơ sở đề nghị của tổ chức tín dụng và Vietnam Airlines. Lãi suất dành cho khoản tái cấp vốn này là 0%/năm, áp dụng đối với nợ gốc tái cấp vốn quá hạn thực hiện theo quy định tái cấp vốn của NHNN.
Thời hạn cho khoản hỗ trợ 4.000 tỉ này không quá 3 năm, trong đó được tự động gia hạn 2 lần tại thời điểm đến hạn đối với dư nợ gốc tái cấp vốn còn lại. Thời hạn gia hạn mỗi lần bằng thời hạn tái cấp vốn. Các tổ chức tín dụng thực hiện việc tái cấp vốn, trường hợp dư nợ gốc vượt quá khoản tái cấp vốn thì ngân hàng chủ động hoàn trả lại cho NHNN số tiền vượt quá theo quy định.
NHNN sẽ dừng giải ngân tái cấp vốn khi giải ngân hết 4.000 tỉ đồng nhưng không quá ngày 31-12-2021. TCTD cho Vietnam Airlines vay có trách nhiệm xem xét và quyết định việc cho Vietnam Airlines vay theo Nghị quyết và quy định của pháp luật.
Đồng thời, TCTD cho vay phải theo dõi riêng khoản vay của Vietnam Airlines theo Nghị quyết; thỏa thuận với doanh nghiệp về lãi suất, số tiền, thời hạn vay, hình thức bảo đảm tiền vay...
Những thỏa thuận này phải phù hợp với khả năng tài chính của TCTD, tài sản bảo đảm của Vietnam Airlines và tình hình tài chính của Vietnam Airlines đang bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh Covid-19; chịu trách nhiệm về quyết định cho vay đối với Vietnam Airlines.
Như vậy, chặng đường giải ngân khoản tái cấp vốn đã hoàn tất. Hãng hàng không quốc gia còn phải hoàn tất khoản phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ trị giá 8.000 tỉ đồng để vực dậy hãng sau một năm thua lỗ.
Vietnam Airlines vẫn phải chịu lãi vay
Tổng số tiền tái cấp vốn cho các TCTD tối đa là 4.000 tỉ đồng; lãi suất tái cấp vốn là 0%/năm, áp dụng đối với thời hạn tái cấp vốn cũng như thời gian gia hạn tái cấp vốn. Ngân hàng Nhà nước không yêu cầu tài sản bảo đảm khi tái cấp vốn.
Như vậy cần làm rõ rằng Vietnam Airlines vẫn phải chịu lãi vay chứ không phải được vay với lãi suất 0%.
Sau khi TCTD cho Vietnam Airlines vay, nếu đợi đến khi đáo hạn để Vietnam Airlines trả lại gốc thì các tổ chức sẽ bị giam vốn trong suốt kỳ hạn vay 3 năm, không thể dùng tiền vào các mục đích khác.
Thay vào đó, các tổ chức này sẽ vay NHNN đúng bằng số tiền đã cho Vietnam Airlines vay, lãi suất vay mới của họ là 0%. Về bản chất, NHNN đã cấp lại vốn cho các TCTD kinh doanh nên khoản vay này có tên là "tái cấp vốn".
Vì là gói tín dụng ưu đãi nên lãi suất thực tế mà Vietnam Airlines phải trả cho TCTD sẽ thấp hơn so với lãi suất thị trường, hiện vẫn chưa có tỷ lệ cụ thể. Phần chênh lệch giữa lãi vay thực tế và lãi suất thị trường sẽ được quy đổi thành cổ phần Vietnam Airlines theo giá phát hành 10.000 đồng/cổ phần hoặc một phương án khác.
Xem thêm: lmth.senilria-manteiv-ohc-it-0004-tor-cuht-hnihc-coun-ahn-gnah-nagn/019413/nv.semitnogiaseht.www