Gần 3 năm sau khi ra đời, đến nay, Nền tảng tự động hóa quy trình nghiệp vụ (RPA) toàn diện "Make in Vietnam" akaBot đã được đón nhận bởi các doanh nghiệp tài chính ngân hàng, bán lẻ, sản xuất... ở hàng chục thị trường lớn trên thế giới, không riêng gì Việt Nam.
Trong phần trả lời phỏng vấn VnEconomy dưới đây, ông Bùi Đình Giáp, nhà sáng lập, Giám đốc Nền tảng tự động hóa quy trình nghiệp vụ akaBot chia sẻ: nền tảng "Make in Vietnam" này đang hướng đến mở rộng thêm nhiều thị trường mới với mục tiêu lọt top 20 toàn cầu trong năm 2021.
Bên cạnh công nghệ tự động hóa bằng robot, cánh tay máy, được ứng dụng trong các nhà máy, dây chuyền sản xuất, hiện nay nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng các "trợ lý ảo bot" tự động hóa các quy trình nghiệp vụ. Ông đánh giá thế nào về xu hướng phát triển và ứng dụng của công nghệ mới này trên thế giới cũng như ở Việt Nam?
Việc ứng dụng công nghệ tự động hóa trong các doanh nghiệp hiện không chỉ là các robot vật lý mà còn là tự động hóa bằng phần mềm. Xu thế tự động hóa bằng phần mềm đang phát triển rất mạnh trên toàn cầu. Theo nghiên cứu đánh giá của Gartner, từ nay đến năm 2027, thị trường này sẽ tăng trưởng trung bình hàng năm khoảng hơn 40% và đạt mức hơn 25 tỷ USD. Đây là tốc độ tăng trưởng lớn và được đánh giá là nhanh nhất trong số các phần mềm dành cho doanh nghiệp hiện nay.
Về mặt công nghệ, mảng tự động hóa quy trình hiện đang nằm trong top 10 xu thế công nghệ nóng nhất hiện nay trên toàn cầu cũng như ở Việt Nam với mức tăng trưởng rất mạnh. Tôi cho rằng sự tăng trưởng và phát triển mạnh của xu thế công nghệ này xuất phát từ thực tế nhu cầu phát triển của các doanh nghiệp.
Hiện nay trong các doanh nghiệp, số lượng các công việc mang tính lặp đi lặp lại là rất lớn. Trong khi đó, các lao động ngày càng dịch chuyển sang làm những công việc mang giá trị gia tăng cao hơn. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 xảy ra, phải làm việc từ xa đã đặt ra đòi hỏi đảm bảo tính liên tục trong vận hành hoạt động của một tổ chức, doanh nghiệp...
Trước xu thế phát triển mạnh mẽ, trên thế giới đã có một số hãng cung cấp giải pháp công nghệ tự động hóa quy trình cho doanh nghiệp. Đâu là điểm khác biệt lớn nhất trong nền tảng akaBot "Make in Vietnam" cung cấp so với các nền tảng nước ngoài?
Trên thế giới, các giải pháp công nghệ tự động hóa quy trình đang có nhiều nhà cung cấp với số lượng tương đối lớn. akaBot là giải pháp tự động hóa quy trình nghiệp vụ (RPA) toàn diện "Make in Vietnam" của FPT cho các doanh nghiệp với các "trợ lý robot ảo" có khả năng mô phỏng thao tác của con người trên màn hình máy tính, giúp thực hiện các tác vụ lặp đi lặp lại với số lượng lớn, check mail, download file, đọc file excel, đối soát số liệu... Việc ứng dụng trợ lý ảo bot trên máy tính sẽ thao tác giống như một nhân viên thực.
Với công nghệ lõi là RPA, akaBot có khả năng tích hợp AI (Trí tuệ nhân tạo) và OCR (công nghệ nhận dạng ký tự quang học) để xây dựng giải pháp tự động hóa thông minh toàn diện, đảm bảo không xâm lấn hệ thống công nghệ thông tin hiện tại và có thể tương tác với tất cả các phần mềm doanh nghiệp như: Word, Excel, SAP, web... Nền tảng này đã được Software Reviews xếp hạng là 1 trong 6 nền tảng RPA phổ biến nhất toàn cầu. Đặc biệt, akaBot vừa được trao giải nhất ở hạng mục sản phẩm số xuất sắc nhất của Giải thưởng sản phẩm công nghệ số "Make in Vietnam".
Nền tảng giải pháp của akaBot có nhiều điểm lợi thế nổi trội hơn so với các nhà cung cấp khác ở chi phí thấp và khả năng triển khai rất nhanh trong 1-2 tuần. Về mặt giá thành ứng dụng cũng như triển khai, nền tảng này giúp các doanh nghiệp tiết kiệm ít nhất 60% chi phí. Đối với các doanh nghiệp lớn, chi phí ứng dụng bot thấp hơn chi phí trả lương 1 nhân viên trong 1 năm.
Đến nay, nền tảng này đã được triển khai ứng dụng cụ thể trong những doanh nghiệp ở các ngành nghề, lĩnh vực nào và mang lại hiệu quả cụ thể gì, thưa ông?
Đến nay, chúng tôi đã và đang cung cấp giải pháp RPA cho hơn 30 khách hàng và đối tác chiến lược, doanh nghiệp lớn ở Mỹ, Nhật Bản, Anh, Hàn Quốc, Đài Loan, tiêu biểu như Thinkpower, HSBC, Panasonic, TPBank, Mizuho, DIP, SCSK... Các giải pháp tự động hóa quy trình có thể áp dụng cho nhiều lĩnh vực khác nhau như tài chính ngân hàng, bán lẻ, sản xuất, logistics... giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí đến 60%, tăng năng suất đến 80% và giảm thời gian xử lý đến 90% trong khi được cam kết mức độ bảo mật cao.
Một công ty chuyên cung cấp nhân lực ở Nhật Bản đã ứng dụng bot để tạo một cuộc cách mạng về nhân lực số. Theo đó, nếu như trước đây doanh nghiệp này cho thuê nhân lực là người thật thì nay là các con bot để thực hiện các công việc của một nhân viên tuyển dụng, kiểm tra hồ sơ, gửi thông báo... Các giải pháp akaBot cũng đã được ứng dụng cho một số ngân hàng tại Đài Loan và doanh nghiệp bán lẻ ở Hàn Quốc...
TPBank là một trường hợp điển hình thành công cả về số lượng và tốc độ triển khai trong lĩnh vực ngân hàng ở Việt Nam. Năm 2020, ngân hàng này đã triển khai ứng dụng 75 con bot chỉ trong vòng 4 tháng. Dự kiến trong năm nay, số lượng bot sẽ tăng lên mức 200 con.
Trong quá trình triển khai đưa các giải pháp tự động hóa quy trình vào các doanh nghiệp, thách thức lớn nhất với các doanh nghiệp cung cấp nền tảng công nghệ "Make in Vietnam" như akaBot là gì?
Việc bước qua rào cản tâm lý khi ứng dụng tự động hóa sẽ ảnh hưởng tới việc làm là một thách thức khó khăn rất lớn với các nhà cung cấp giải pháp công nghệ và không dễ dàng đạt được. Chỉ khi vượt qua được rào cản này thì việc triển khai mới đạt được tốc độ nhanh như TPBank.
Những trường hợp thành công khi ứng dụng bot trong doanh nghiệp đều xuất phát từ chính những người đang trực tiếp làm việc một cách chủ động. Bên cạnh đó, việc triển khai ứng dụng một giải pháp công nghệ mới đòi hỏi quyết tâm và sự sát sao của người lãnh đạo doanh nghiệp.
Từ kinh nghiệm triển khai, tôi cho rằng chúng ta bắt đầu từ những vấn đề rất nhỏ, dễ triển khai nhanh để giúp doanh nghiệp và các nhân viên thấy rõ những lợi ích, giá trị mang lại cho bản thân; từ đó sẽ dần triển khai mở rộng. Khi người dùng nhận thấy lợi ích của bot mang lại sẽ chủ động ứng dụng.
Khi ứng dụng tự động hóa cũng đồng nghĩa với việc sẽ dôi dư nhân lực. Vấn đề này cần được xử lý thế nào, thưa ông?
Tất nhiên, khi ứng dụng một giải pháp công nghệ mới như tự động hóa sẽ ảnh hưởng đến việc làm của một bộ phận nhân viên lao động thủ công nhưng nó cũng sẽ tạo ra những công việc mới. Khi nhân viên được giải phóng sức lao động ở các công việc mang tính lặp đi lặp lại thì doanh nghiệp sẽ tập trung nguồn lực vào những mảng công việc có giá trị gia tăng cao hơn như phân tích, tìm kiếm khách hàng... Với những doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng chậm, chưa có kế hoạch tăng nhân viên thì việc ứng dụng bot sẽ đối mặt với thách thức dôi dư nhân sự.
Tôi cho rằng, trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ và chuyển đổi số là một đòi hỏi tất yếu như hiện nay thì những doanh nghiệp đối diện với thực tế này và nắm bắt cơ hội sẽ có được lợi thế hơn. Việc ứng dụng công nghệ sẽ mang lại lợi ích lớn, giúp các doanh nghiệp vận hành một cách liên tục, vượt qua khủng hoảng, tiết kiệm chi phí, đảm bảo lợi thế cạnh tranh...
Là một nền tảng "Make in Vietnam" đã và đang cung cấp cho nhiều doanh nghiệp cả trong và ngoài nước, akaBot sẽ khai thác cơ hội từ thị trường mảng tự động hóa quy trình hơn 25 tỷ USD này thế nào?
Tôi cho rằng, cơ hội của thị trường là rất lớn. Trong thời gian tới, thị trường sẽ có những hướng phát triển mới, ngách thị trường mới và còn tăng trưởng mạnh hơn nữa. Chúng tôi xác định sẽ là người chơi chính trong cuộc chơi này ở Việt Nam cũng như trên toàn cầu. Ngay từ ngày đầu phát triển, akaBot đã định vị là sản phẩm cung cấp ở thị trường toàn cầu.
Hiện nay, akaBot đang nằm trong top 30 nền tảng (platform) trên toàn cầu và phấn đấu lọt vào top 20 trong năm 2021 (chiếm khoảng 1-2% thị phần), đồng thời mở rộng thêm nhiều thị trường mới (Trung Đông, UAE, Pháp, Bỉ...). Riêng ở Việt Nam, với những lợi thế của một nền tảng công nghệ Việt, akaBot xác định là thị trường trọng điểm và sẽ vươn lên vị trí dẫn đầu.
Trong 3 năm qua, trung bình mỗi năm nền tảng này đạt mức tăng trưởng doanh thu gấp 4 lần. FPT đã bán bản quyền akaBot với tổng giá trị hợp đồng lên tới 6,5 triệu USD cho một công ty Nhật Bản trong vòng 5 năm. Trước đó, FPT Software và Công ty Tư vấn giải pháp và tích hợp hệ thống ThinkPower (Đài Loan) đã ký thỏa thuận phân phối giải pháp akaBot tại Đài Loan.
Xem thêm: mth.87443958152301202-oa-tobor-yl-ort-iov-peihgn-hnaod-os-iod-neyuhc/nv.ymonocenv