Theo dự báo thời tiết hôm 23/3, cơn gió với tốc độ hơn 40km/h cuốn theo cát đã thổi qua phía bắc Ai Cập. Vào thời điểm này trong năm, kiểu thời tiết như vậy không phải là điều hiếm thấy ở sa mạc Sinai.
Trong điều kiện thời tiết đó, kênh đào Suez – một trong những tuyến đường hàng hải quan trọng nhất thế giới, vẫn hoạt động. Một trong những tàu chở container lớn nhất hành tinh – Ever Given, đã đi qua. Và quyết định tiếp tục di chuyển này sẽ ảnh hưởng đến giao thương toàn cầu chỉ trong vài giờ sau đó.
7 giờ 40 phút (giờ địa phương), tàu siêu trường siêu trọng với hàng loạt container chở mọi thứ từ cá đông lạnh đến đồ nội thất đã mắc cạn ở Kênh đào Suez. Sự cố này sẽ không chỉ cho thấy sự phức tạp của việc điều hướng một con tàu có kích cỡ bằng tháp Eiffel, mà còn thể hiện sự mong manh của chuỗi cung ứng, cũng như nền kinh tế toàn cầu.
Dựa theo dữ liệu theo dõi và hơn 10 cuộc phỏng vấn với người trong ngành, được biết, tàu Ever Given bắt đầu đi qua con kênh rộng 300m trong khi có ít nhất 1 còn tàu khác quyết định dừng lại do gió lớn. Theo 2 nguồn tin thân cận tiết lộ với Bloomberg, Ever Given không sử dụng tàu kéo, trong khi 2 tàu container nhỏ hơn phía trước lại có sử dụng.
Sau đó, sự việc không mong muốn đã diễn ra rất nhanh. Khi bắt đầu di chuyển về phía bãi cát, con tàu đã tăng tốc. Mục đích có thể là để tự điều hướng, nhưng nỗ lực này lại là quá muộn. Các thùng hàng xếp chồng lên nhau của Ever Given trở thành "cánh buồm" đẩy con tàu đi chệch hướng, di chuyển ngày càng sâu vào bờ kênh.
Ngoài ra, những đợt gió giật cũng gây khó khăn cho các thuyền trưởng khi điều khiển tàu ở một trong những đoạn thủy lộ được cho là khó đi qua nhất thế giới. Tàu Ever Given mất lái và bắt đầu chuyển hướng về phía mạn phải khi còn cách cửa kênh đào 8km. Con tàu 200 nghìn tấn sau đó nghiêng về phía mạn trái rồi nhanh chóng đi ngang và mắc cạn. Mũi tàu thường có tác dụng xẻ dòng nước nhưng lại bị mắc kẹt ở bờ cát.
Vận tốc di chuyển của Ever Given cũng là một yếu tố gây ra sự cố. Tốc độ trước khi mắc cạn của tàu là 13,5 hải lý lúc 7 giờ 28 phút, 12 phút trước khi dừng lại. Trong khi đó, tốc độ của Ever Given giới hạn khi di chuyển qua Kênh đào Suez khoảng 7,6 đến 8,6 hải lý. Các thuyền trưởng trả lời phỏng vấn cho biết họ có thể được trả tiền để tăng tốc độ khi có gió mạnh, theo đó điều hướng tàu hiệu quả hơn.
Khoảng 20 phút sau khi sự cố xảy ra, chiếc tàu kéo đầu tiên đi cùng với các tàu phía trước Ever Given đã quay lại để đẩy mạn trái, nỗ lực xoay hướng con tàu. Sau đó, 8 tàu kéo lại được huy động để đẩy cả 2 bên tàu nhưng không có hiệu quả. Trên đất liền, giới chức và các điều tra viên đã đến bờ kênh để xem xét tình hình. Các máy xúc đất cũng nỗ lực nạo vét cát ở mũi tàu nhưng thất bại.
Trong tình huống này, điều kiện thời tiết không quá cực đoan đến mức mọi hoạt động phải dừng lại, dù các cảng gần đó được phép đóng cửa do sức gió. Một số tàu khác đã dùng đến tàu kéo hoặc sự hỗ trợ khác, những tàu khác lại có thể đi qua mà không xảy ra sự cố. Benhard Schulte Shipmanagement - đơn vị phụ trách kỹ thuật của tàu Ever Given, cho biết các cuộc điều tra ban đầu cho thấy sự cố xảy ra là do gió.
Hình ảnh các tàu "xếp hàng" chờ đợi để đi qua Kênh đào Suez.
Tuy nhiên, có ít nhất 1 con tàu đã hoãn hành trình đi qua Kênh đào Suez. 1 ngày trước khi Ever Given bị mắc cạn, thuyền trưởng tàu Rasheeda – di chuyển từ đầu phía nam của kênh, lo ngại về ảnh hưởng của cơn bão cát sắp tới và con tàu chứa đầy khí tự nhiên hóa lỏng. Do đó, ông đã quyết định không vào kênh sau khi thảo luận với bên quản lý tàu là Royal Dutch Shell Plc.
Hiện tại, Kênh đào Suez vẫn bị tắc nghẽn. Theo nhiều nguồn tin thân cận với công tác cứu hộ, việc giải cứu siêu tàu này có thể kéo dài đến ít nhất là thứ Tư tuần sau.
Kênh đào Suez là đường hàng hải chứng kiến 12% lượng giao thương toàn cầu đi qua. Trung bình, mỗi ngày có 50 con tàu di chuyển, xuất phát từ sáng sớm.
Thuyền trưởng của Ever Given đã có kinh nghiệm di chuyển qua Kênh Suez nhiều lần trước đó, cũng như khả năng điều hướng khi có gió lớn. Các công ty vận tải biển cho biết họ yêu cầu các thuyền trưởng hàng đầu cho các lộ trình qua Suez. Tuy nhiên, những gì xảy ra sau đó đã khiến số hàng hóa trị giá 10 tỷ USD bị mắc kẹt, cùng hơn 300 tàu chở hàng của nhiều ngành công nghiệp bị ùn ứ, không thể di chuyển.
Ian Ralby – CEO của công ty tư vấn và luật I.R. Consilium, cho biết: "Chúng ta chứng kiến duy nhất 1 con tàu đi chệch hướng và toàn bộ nền kinh tế hàng hải, toàn cầu đều bị ảnh hưởng. Con tàu này vận chuyển những thứ mà chúng ta cần hàng ngày. Điều này cho thấy chuỗi cung ứng mà chúng ta dựa vào có sự kết nối chặt chẽ và tỷ lệ sai sót cho phép là rất nhỏ."
Andrew Kinsey – cựu thuyền trưởng từng lái 1 tàu chở hàng 300m qua Kênh Suez và hiện là cố vấn rủi ro hàng hải tại Allianz Global Corporate & Specialty, cho hay, mỗi ngày Ever Given nằm yên càng khiến việc giải cứu trở nên khó khăn hơn. Nguyên nhân là bởi lớp trầm tích cuốn theo dòng chảy sẽ bám xung quanh con tàu.
Ông nói thêm rằng sự cố này sẽ là một cơ hội bị bỏ lỡ nếu ngành vận chuyển không thể tích ứng. Kinsey nhận định: "Những còn tàu lớn hơn sẽ đi qua Suez và sự cố tiếp theo sẽ còn tồi tệ hơn."
Trong khi đó, CNN nhận định, sự cố này xảy ra đúng vào thời điểm chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã gặp gián đoạn lớn do dịch Covid-19 làm đình trệ hoạt động giao thương trên biển. Theo tính toán của công ty thông tin và dữ liệu vận tải biển Lloyd, vụ việc đang khiến số hàng hóa trị giá 400 triệu USD bị ách tắc mỗi giờ. Ước tính, lưu lượng hàng hóa phía tây Kênh đào Suez trị giá 5,1 tỷ USD/ngày, phía đông trị giá 4,5 tỷ USD/ngày.
Allianz cho biết các tàu thuyền sẽ chịu thêm chi phí lâu dài và tốn kém nếu Kênh đào Suez không sớm được khai thông. Việc chuyển hướng tàu sang Mũi Hảo vọng ở phía nam châu Phi sẽ khiến việc di chuyển mất thêm 2 tuần và thậm chí còn có nguy cơ gặp cướp biển.
Ngoài ra, tình trạng tắc nghẽn tại Suez còn khiến thị trường dầu mỏ toàn cầu thêm phần bất ổn, khi đã chịu áp lực trong thời gian gần đây. Hiện giá vận chuyển container loại 40 feet từ Trung Quốc đến châu Âu đã đạt 8.000 USD/container, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Giới chuyên gia cho biết, do bị mắc kẹt ở cả 2 đầu nên nếu kéo, thân tàu có thể bị vỡ. Vì vậy, giới chức Ai Cập và cơ quan quản lý cảng dự định dỡ hàng trên tàu bằng trực thăng để giảm trọng tải và đợi thủy triều lên cao trong vòng 10 ngày tới giúp việc giải cứu dễ dàng hơn.
Hiện tại, Mỹ và các quốc gia khác đã phát tín hiệu sẵn sàng giúp đỡ Ai Cập trong việc giải cứ con tàu. Lực lượng hải quân Mỹ tại Trung Đông cho biết sẵn sàng triển khai lực lượng để hỗ trợ. Một đội cứu hộ Hà Lan cũng xác nhận, ngày 28/3 sẽ có thêm 2 tàu kéo nữa đến Suez để hỗ trợ cho công tác giải cứu. Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ cũng có thể cử 1 tàu xử lý đến kênh đào để giúp Ai Cập.
Dẫu vậy, quá trình giải cứu kéo dài sẽ càng khiến số tàu hàng mắc kẹt ở 2 đầu kênh tăng vọt và hoạt động giao thuơng tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề.