Trần Thị Q. (SN 2014) được mẹ xin cho nghỉ học, cùng em gái xuống gặp bố. Trần Anh Lập (SN 1986, trú xã Nghĩa Thái, Tân Kỳ, Nghệ An) - bố của Q. là một mắt xích trong đường dây mua bán trái phép chất ma túy bị tòa án đưa ra xét xử.
Không thể vào tham dự phiên tòa, Q. được mẹ giao nhiệm vụ trông nom cô em gái 5 tuổi ngoài hành lang. Cô bé kéo em lại chỗ chiếc ghế kê đối diện cửa, nhìn vào vị trí dành cho bị cáo trong phòng xét xử.
Em gái nghịch ngợm, không chịu ngồi yên. Q. nhường cho em nốt chai nước ngọt đang uống dở của mình rồi kéo em hướng vào phía trong. "Im, ngoan nào. Bố đấy. Ngồi ngoan lát mình vào chơi với bố nhé", cô bé dỗ dành em, đôi mắt đã loang loáng nước.
Đã là bố của hai cô con gái nhưng Trần Anh Lập không tu chí làm ăn. Bản thân nghiện ma túy, lại không có nghề nghiệp, Lập thường xuyên vắng nhà. Gánh nặng kinh tế dồn lên đôi vai của người vợ kém 4 tuổi. "Mẹ đi làm ở nhà máy may. Từ hồi bố bị bắt thì mẹ nghỉ việc, ở nhà với chúng cháu", Q. tỏ ra là một đứa trẻ sớm hiểu chuyện.
Theo kết quả điều tra, do có quen biết nên chiều ngày 7/11/2020, Lập gọi điện cho Cao Tiến Thuận (SN 1968, trú xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An) thông báo có khách đặt mua 30 gói hồng phiến. 5 ngày sau, khi có hàng, Thuận đưa cho Lập 10 gói ma túy, báo giá cho khách 40 triệu đồng, bán xong sẽ trả công cho Lập 5-10 triệu đồng. Chiều ngày 13/7/2020, Lập mang ma túy đi giao thì bị công an bắt giữ.
Quá trình điều tra và xét xử, Trần Anh Lập thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố. Tuy nhiên, Cao Tiến Thuận lại cho rằng bản thân bị oan. Thậm chí, bị cáo Thuận còn có lời nói đe dọa Lập vì cho rằng người này "gắp lửa" bỏ tay mình.
Suốt phiên xử, nhiều lần Trần Anh Lập dõi ánh mắt ra phía cửa, đờ đẫn nhìn 2 cô con gái nhỏ. Có lẽ, chính đôi mắt chờ đợi của đứa con đã tiếp thêm sức mạnh để Lập vượt qua nỗi sợ hãi bị đe dọa, trả thù để khai báo thành khẩn, mong nhận được sự khoan hồng của pháp luật.
Đáp lại lời đe dọa "không xong với tao" của Thuận, Lập chỉ nói: "Anh làm thì nhận đi, đừng chối nữa" rồi lại hướng mắt ra chỗ các con.
Vào giờ nghị án, hai đứa con nhỏ của Lập rón rén bước vào phòng xử, đứng phía sau bố. Lập ngồi xoay hẳn người lại, đôi mắt đỏ hoe. "Có đi học đều không con? Nhớ trông em cho mẹ làm nhé", Lập dặn.
Bé Q. gật đầu với bố, đôi mắt ầng ậc nước. Cô bé nhón chân, vươn người gần hơn với bố, thì thầm: "Bố ơi, con được 11 điểm 10 rồi, bố còn nợ con 6 điểm 10 nha". Nghe con nhắc tới "món nợ" này, Lập đưa tay gạt nước mắt: "Bố nhớ rồi, cho bố nợ, hôm nào về bố trả cả thảy. Con cố học giỏi, được nhiều điểm 10 hơn nữa nha". Bé Q. khẽ khàng gật đầu.
Bé Q. năm nay học lớp 1, bố đi vắng biền biệt nên việc học hành đều do cô bé tự giác và mẹ chỉ bảo thêm. Những lần về nhà hiếm hoi, Lập xem qua bài vở của con và giao kèo cứ mỗi điểm 10 sẽ có thưởng.
"Bố thưởng cho con 5 lần rồi, mỗi lần là 1 cuốn vở để con tập viết. Lần này con cho bố nợ, chắc sẽ được nhiều vở lắm, tha hồ tập viết luôn ", bé Q. hồn nhiên khoe khi đứng ngoài hành lang đợi tòa tuyên án.
Với vai trò đồng phạm trong vụ án, Trần Anh Lập bị tuyên phạt 19 năm tù; Cao Tiến Thuận lĩnh 20 năm tù.
Bị dẫn giải ra khỏi phòng xét xử để về trại, Trần Anh Lập ngoái lại, dặn người em trai phụ chị dâu chăm nom 2 cháu rồi đưa tay ra dấu với con gái về giao kèo giữa hai bố con. "Món nợ" ấy sẽ là động lực để Lập tập trung cải tạo, mong sớm trả án để trở về.
Hoàng Lam