"Thật khó ngờ lượng khổng lồ vắc xin Covid-19 lại nằm ngay cạnh chúng ta", Daniele Natalia, người đứng đầu thị trấn Anagni, cho biết trong một cuộc phỏng vấn.
Lượng vắc xin khổng lồ được phát hiện sau một cuộc đột kích của nhà chức trách Ý và được công bố với thế giới hôm 24/3. Điều này ngay lập tức thu hút sự chú ý của cả thế giới đối với thị trấn cách Rome khoảng 1 giờ lái xe về phía nam.
Tối 24/3, cảnh sát địa phương nhận được yêu cầu từ các đặc vụ của cơ quan tình báo Ý có tên DIGOS, đơn vị chuyên trách xử lý tội phạm có tổ chức, khủng bố và bắt cóc, về vụ việc. Thông tin ngay lập tức thu hút sự chú ý cũng như cả sự thèm khát với lô vắc xin có giá từ 116 tới 145 triệu USD này.
29 triệu liều vắc xin biến thị trấn Anagni trở thành trung tâm của cuộc chiến giữa Liên minh châu Âu (EU) và Astra, công ty dược phẩm bị khối này cáo buộc đã không thực hiện các hợp đồng sản xuất vắc xin đã ký. EU tiến hành thanh tra trong bối cảnh lo ngại rằng vắc xin có thể được chuyển tới Anh thay vì dành cho khối này dù nhu cầu đang rất lớn.
Astra thì cho biết lượng vắc xin này họ dành cho EU và các nước đang phát triển. Tuy nhiên, tuyên bố đó đã không thể xoa dịu được căng thẳng và những chỉ trích nhằm vào họ.
"Người dân châu Âu có cảm giác bị một số công ty dược phẩm lừa dối", Thủ tướng Ý Mario Draghi nói với các nhà lãnh đạo EU tại một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến hôm 25/3. Dù không nêu tên Astra nhưng những tuyên bố này rõ ràng đang nhằm đến việc EU không được đáp ứng lượng vắc xin như họ mong muốn dù là nơi sản xuất ra chúng.
Hiện tại, các nhà lãnh đạo châu Âu vẫn đang tìm hiểu xem lượng vắc xin khổng lồ được phát hiện ở thị trấn Anagni có liên quan đến việc thiếu vắc xin của khối hay chỉ là hiểu nhầm với chuỗi cung ứng phức tạp của Astra. Công ty này cũng từng nói rằng 30 triệu liều sẽ được cung cấp cho EU trong quý này, tương đương khoảng 25% cam kết ban đầu.
Về phần mình, Astra tiếp tục khẳng định không có bí mật gì ở Anagni. Công ty dược phẩm Anh – Thụy Điển cho biết thông báo ngày 24/3 không chính xác khi nói rằng đây là một kho dự trữ. Họ nói rằng quy trình sản xuất của mình phức tạp và các lọ thuốc cần được kiểm định trước khi đi ra thị trường. Họ cũng nói rằng 16 triệu liều trong số đó là dành cho EU và 13 triệu liều khác dành cho Covax, chương trình cung cấp vắc xin cho các nước đang phát triển của Liên Hợp Quốc.
Tuy nhiên, vụ việc đã phản ánh cuộc "khủng hoảng lòng tin" trong mối quan hệ giữa Astra với các chính phủ châu Âu bởi tình trạng cầu vượt xa cung. Nó cũng cho thấy chủ nghĩa dân tộc vắc xin có thể gây tác hại tồi tệ đến mức độ nào trước một cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng nghiêm trọng như đại dịch Covid-19.
Là một trong những tâm dịch của thế giới, nhu cầu với vắc xin ở EU đang rất lớn, nhất là khi làn sóng thứ 4 đang có nguy cơ bùng lên.