5.000 người Tây Ban Nha vui sướng như phát điên khi tham gia buổi biểu diễn nhạc rock ngày 27-3. Trước đó, họ phải có xét nghiệm âm tính và luôn đeo khẩu trang - Ảnh: REUTERS
Hệ thống y tế ở nhiều nước châu Âu đang chịu áp lực nặng nề, trong khi người dân đã chán ngán những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt kéo dài.
Biến thể virus hoành hành
Chính phủ nhiều nước trong Liên minh châu Âu (EU) những ngày qua liên tục cảnh báo hệ thống bệnh viện có nguy cơ bị quá tải do số ca nhiễm COVID-19 tăng cao. Sự bùng phát này chủ yếu do biến chủng B.1.1.7, được phát hiện đầu tiên ở Anh và có khả năng lây lan nhanh hơn, gây ra.
Tại Pháp, các phòng chăm sóc tích cực (ICU) hiện đang điều trị cho hơn 4.700 bệnh nhân COVID-19. Đây là số ca nhập viện cao nhất từ đầu năm 2021 đến nay. Theo giới chức y tế Pháp, trong hai ngày 26 và 27-3, mỗi ngày nước này ghi nhận hơn 42.000 ca mắc COVID-19.
Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Véran nhấn mạnh áp lực lên hệ thống y tế sẽ tiếp tục tăng, bệnh viện tại những vùng dịch nặng sẽ sớm quá tải.
Tại Đức, số ca bệnh mới cũng tăng vọt. Theo Reuters, những tuần sắp tới sẽ quyết định liệu Đức có bị "vỡ trận" hay không. Theo số liệu công bố ngày 28-3, Đức có thêm 90 ca tử vong và 17.176 ca nhiễm mới do biến thể mới virus gây ra.
Ông Helge Braun, chánh văn phòng của Thủ tướng Angela Merkel, cho biết số ca nhiễm tăng hiện nay đi kèm với rủi ro là xuất hiện biến thể mới kháng các loại vắcxin hiện tại, và khi đó tất cả lại phải lao vào một cuộc tìm kiếm vắcxin mới và triển khai tiêm chủng lại từ đầu.
Bộ trưởng Y tế liên bang Đức Jens Spahn ngày 27-3 kêu gọi tiến hành "phong tỏa cứng" trong vòng 10-14 ngày nhằm kiểm soát dịch bệnh, nếu không hệ thống y tế Đức sẽ đến điểm vỡ trong tháng 4-2021, nhưng dường như điều này sẽ không xảy ra.
Các bệnh viện tại Ba Lan cũng đang phải tiếp nhận lượng bệnh nhân COVID-19 nhiều nhất kể từ đầu dịch và số ca mắc mới trong vài ngày qua vượt mốc 35.100 ca/ngày. Ukraine có 5.052 ca nhập viện trong 24 giờ qua vì COVID-19, với 203 người tử vong.
Ngay cả trong thời kỳ đỉnh dịch vào cuối năm 2020, số ca nhập viện trong ngày ở Ukraine cũng chỉ ngấp nghé 2.000 trường hợp. Tại các nước này, sự bùng phát dịch bệnh cũng chủ yếu do biến chủng B.1.1.7.
Người dân bức bối
Nhiều đợt phong tỏa, lệnh giới nghiêm ban đêm, các biện pháp hạn chế đã khiến cuộc sống của người dân ở châu Âu bức bối kéo dài. Mỗi khi nhà chức trách nhắc đến từ "phong tỏa", làn sóng phản đối lại rầm rộ.
Mới đây, khi bị nhà thờ, doanh nghiệp và người dân phản đối, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã phải từ bỏ ý định gia hạn lệnh phong tỏa đất nước qua lễ Phục sinh.
Khảo sát công bố ngày 28-3 cho thấy người dân Đức thất vọng vì cách chống dịch của chính quyền và sự ủng hộ cho đảng của bà Merkel giảm đến 25% so với khảo sát tương tự vào tháng 9-2020.
Tại Pháp, bộ trưởng y tế nước này tránh từ "phong tỏa" nhưng từ nửa đêm 26-3 có thêm ba vùng ở Pháp là Rhône, Aube và Nièvre bị hạn chế nghiêm ngặt trong 4 tuần bên cạnh lệnh giới nghiêm từ 19h áp dụng trên toàn quốc để đẩy lùi COVID-19.
Hầu hết cửa hàng sẽ phải đóng cửa, người dân chỉ được ra ngoài nếu có việc cần thiết. Trước đó, Paris và khu vực phía bắc của Pháp cũng bị áp dụng các biện pháp hạn chế tương tự.
Với nhiều người, từ ngữ không thực sự thay đổi bản chất vấn đề, cuộc sống của họ vẫn mất tự do. Chính quyền Pháp cố gắng kiểm soát tình hình bằng cách kêu gọi tăng tốc triển khai tiêm vắcxin, tiêm ngày tiêm đêm nếu có thể. Đến ngày 27-3, đã có hơn 7,7 triệu người được tiêm mũi đầu tiên.
Tây Ban Nha cho phép tụ tập có điều kiện
Nhằm tìm một lối thoát, chính quyền Tây Ban Nha đồng ý cho tiến hành một thực nghiệm sống để kiểm tra liệu xét nghiệm âm tính trong ngày kết hợp đeo khẩu trang có thể cho phép người dân tham gia các sự kiện đông người mà không cần giãn cách hay không.
Theo đó, ngày 27-3 hơn 5.000 người được xét nghiệm nhanh với kết quả âm tính đã tham dự một buổi biểu diễn nhạc rock ở Barcelona trong hội trường kín với điều kiện luôn đeo khẩu trang.
Hình ảnh hàng ngàn người chen vai sát cánh, "quẩy" nhiệt tình trái ngược với thực tế là chỉ 4 người Tây Ban Nha chỉ được gặp nhau để hạn chế lây nhiễm COVID-19. Salvador, 29 tuổi, một người tham dự, cho biết mình rất tự hào khi tham gia thử nghiệm và cảm giác như được sống lại.
Vào tháng 12-2020, một thử nghiệm tương tự với 500 người cho thấy kết hợp xét nghiệm trước và đeo khẩu trang, lây nhiễm tại các sự kiện đông người bị hạn chế đáng kể.
TTO - Liên minh châu Âu (EU) không cần vắc xin Sputnik V của Nga và vẫn sẽ đạt được miễn dịch cộng đồng bằng vắc xin của châu Âu, đó là quan điểm của một lãnh đạo EU vừa đưa ra.
Xem thêm: mth.39655841282301202-91-divoc-iv-nart-ov-neid-iod-ua-uahc/nv.ertiout