Trang Insider đã phỏng vấn 4 nhân viên du thuyền, cả những người đang làm và đã nghỉ việc. Họ cho biết nghỉ việc trước khi hết hạn hợp đồng rất tốn kém.
Về cơ bản, nghỉ việc trên tàu du lịch hay du thuyền cũng tương tự những công việc khác. Nhưng nếu đó là công việc trên mặt đất, người lao động dễ dàng đóng gói đồ đạc, đi xe của mình hoặc bắt taxi về nhà. Còn với người làm việc trên tàu, họ thường cách nhà hàng trăm cây số, thậm chí ở giữa biển.
Sau khi hoàn tất việc báo cáo với người quản lý, làm hết thủ tục giấy tờ và nhận được quyết định đồng ý cho nghỉ việc, những người thôi việc phải tự trang trải chi phí hồi hương, bao gồm cả vé máy bay, và có thể không đủ điều kiện để quay trở lại làm việc trong ngành. Chỉ một số hãng có chính sách nghỉ việc nhân đạo, như trường hợp gia đình có chuyện khẩn cấp.
Nghỉ việc không dễ
Một nhân viên pha chế tại một hãng du thuyền lớn đã nghỉ việc vào tháng 3-2023 tiết lộ với Insider rằng anh đã phải vay gần 1.400 USD (32,8 triệu) - gấp đôi lương hằng tháng của mình - để trả cho hành trình về nhà kéo dài 33 tiếng đồng hồ.
Anh nghỉ việc vì sống trong lo sợ, dẫn đến các vấn đề về sức khỏe tâm lý (từng có ý định tự tử), sau khi gửi bản kiến nghị công ty xem xét lại hệ thống khuyến mãi. Khi anh báo với quản lý không đủ tiền mua vé máy bay, các đồng nghiệp (cũ) khuyên anh nên làm tiếp một tháng nữa. Anh xin giấy từ bác sĩ xác nhận sức khỏe tinh thần đã khủng hoảng đến mức có ý định tự tử để được hỗ trợ khoản tiền này, nhưng đã bị từ chối.
Một cựu nhân viên của Royal Caribbean, người đã nghỉ việc vào năm 2022, nói với Insider đã phải trả tiền cho chuyến bay về nhà do từ chức sau 3 tháng làm việc (hợp đồng 5 tháng) vì môi trường làm việc quá tệ.
Đỉnh điểm là bị cách ly 10 ngày trong phòng không có cửa sổ vì COVID-19, không có ánh sáng, đồ ăn rất ít. “Tôi rất muốn gọi điện than thở với người nhà, bạn bè. Nhưng tôi không có nơi nào để đi, tôi bị mắc kẹt giữa đại dương”, người này kể lại.
Ban quản lý cho biết sẽ ghi lý do nghỉ việc của cô là COVID-19 để có thể quay lại làm việc nếu muốn. Tuy nhiên, cô vẫn phải làm việc thêm một tuần để chờ tàu cập cảng bất chấp đang rất khủng hoảng.
Mắc nợ từ lúc bắt đầu làm việc
Jim Walker, một luật sư hàng hải ở Mỹ, cho biết: “Con tàu vẫn đưa bạn về nhà, nhưng sẽ khấu trừ chi phí vào tiền lương. Vì vậy, có thể xem như đó là sự trừng phạt dành cho người bỏ việc sớm”.
Ông cho biết thêm, các công ty thường trả tiền cho việc bay về nước với các nhân viên bị sa thải, nhưng không được áp dụng cho người từ chức. Ngoài vé máy bay về nhà, những người này cũng phải tự trả tiền mua quần áo mới (trên tàu họ thường mặc đồng phục của công ty) và chi phí vận chuyển từ tàu về cảng (nếu tàu đang ở giữa biển).
“Nhìn chung, một số người đã mắc nợ ngay cả trước khi bắt đầu làm việc, hay nói cách khác, họ không đủ khả năng nghỉ việc”, ông nói.
Royal Caribbean, Norwegian Cruise Line và Carnival - ba công ty du lịch hàng hải lớn nhất thế giới - không đưa ra bất cứ bình luận nào về vấn đề này.
Ông Dara Khosrowshahi, CEO Uber, đã thực hiện 100 chuyến taxi công nghệ và shipper nhằm lôi kéo tài xế và vực dậy kết quả kinh doanh.
Xem thêm: mth.12880750103403202-tad-tar-gnuc-ihgn-noum-neyuht-ud-nert-ceiv-mal/nv.ertiout