Ngày 20-1, Đại học Quốc gia TP.HCM phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ, thành phố Cần Thơ tổ chức tọa đàm giới thiệu chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia "Khoa học và công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long".
Chương trình sẽ chú trọng phát triển kinh tế bền vững của Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với các tác động từ những hoạt động kinh tế - xã hội ở thượng nguồn sông Mekong.
Đồng thời các nhà khoa học sẽ tìm giải pháp sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm nhẹ thiên tai, cũng như phát triển xã hội bền vững, hài hòa.
PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM, cho biết giai đoạn 2014 - 2020, Đại học Quốc gia TP.HCM phối hợp Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam đồng chủ trì triển khai chương trình khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững Tây Nam Bộ.
Đại học Quốc gia TP.HCM đã thành lập Viện Biến đổi khí hậu trực thuộc Trường đại học An Giang.
Trường cũng đang triển khai 2 dự án quốc tế liên quan trực tiếp việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp nông thôn, bao gồm dự án Tăng cường giáo dục đại học lĩnh vực nông nghiệp với kinh phí hơn 9 triệu USD do Hàn Quốc tài trợ và Dự án Xây dựng kế hoạch và thiết lập chuỗi lúa gạo nông hộ nhỏ bền vững với kinh phí 4,3 triệu AUD do Úc tài trợ.
Tuy nhiên, các vấn đề cho thấy đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn đang đối mặt nhiều vấn đề như điều kiện tự nhiên, biến đổi khí hậu, công nghệ hiện đại, vốn nhân lực, kết cấu hạ tầng, môi trường đầu tư kinh doanh, và cơ chế quản trị, hợp tác, liên kết vùng...
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái cho rằng các nhiệm vụ trong chương trình khoa học, công nghệ cấp quốc gia được thực hiện tại đồng bằng sông Cửu Long cần hạn chế sự chồng chéo với các chương trình cấp tỉnh, bộ hay những chương trình quốc gia khác. Các nhiệm vụ trong chương trình khoa học quốc gia cần có tính kế thừa với những kết quả đã có.
Ông Thái thông tin thêm Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đang xây dựng một bộ quy định mới nhằm khuyến khích các bộ, ngành, địa phương ưu tiên đặt hàng các vấn đề đang phải xử lý, từ đó xem xét và hoàn thiện những hồ sơ đặt hàng này thành các nhiệm vụ để triển khai giải quyết.
Những "đầu bài" cho chương trình khoa học công nghệ
Tại tọa đàm ngày 20-1, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu nêu một số vấn đề mà thành phố quan tâm trong chương trình khoa học công nghệ, phù hợp kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu đến năm 2030, tầm nhìn 2050 trên địa bàn gồm nghiên cứu phát triển từ biến đổi khí hậu thành phát triển tuần hoàn, tăng trưởng xanh.
Thành phố cũng kỳ vọng có được các mô hình công nghệ giải pháp sử dụng bền vững tài nguyên, thích ứng hạn hán, xâm nhập mặn, ngập lụt, sạt lở, giảm phát thải khí nhà kính. Đồng thời, công nghệ mới có thể áp dụng trong nông nghiệp thông minh, vật liệu mới, xây dựng thành phố thông minh…
PGS.TS Vũ Hải Quân - giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM, chủ nhiệm chương trình KC-4.0/19-25 - cho biết chương trình nhận được hơn 500 đề xuất đăng ký tham gia, trong đó 74 nhiệm vụ đã được lựa chọn, triển khai.