Sáng 20-1, tại TP Nha Trang, lãnh đạo UBND 3 tỉnh Khánh Hòa - Phú Yên - Ninh Thuận tổ chức hội nghị hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2024 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Ông Nguyễn Tấn Tuân - chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - cho hay nghị quyết số 26/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định nhiệm vụ phát triển vùng và liên kết vùng có vai trò đặc biệt quan trọng.
Hợp tác 7 ngành, lĩnh vực, thúc đẩy liên kết vùng
3 tỉnh Phú Yên - Khánh Hòa - Ninh Thuận thuộc tiểu vùng Nam Trung Bộ có vị trí địa lý đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển và các hoạt động kinh tế ven biển như: kinh tế hàng hải; nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản; công nghiệp đóng tàu; du lịch biển…
Đây cũng là cửa ngõ ra biển chính của khu vực Tây Nguyên, kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây, thúc đẩy sự phát triển chung của khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên.
Theo ông Tuân, hiện nay việc hợp tác, liên kết phát triển giữa các tỉnh trong vùng được đẩy mạnh nhưng chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Phần lớn hoạt động liên kết giữa các tỉnh trong vùng chỉ dừng lại ở việc tham quan, hội thảo chứ chưa liên kết thực tế, chiều sâu và toàn diện.
"Để đưa khu vực Nam Trung Bộ trở thành một vùng phát triển năng động, bền vững và mạnh về kinh tế biển, chúng ta không thể bước đi một mình mà rất cần sự đồng hành, đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau giữa các địa phương trong vùng nói chung và của 3 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận nói riêng" - ông Tuân nói.
Tại hội nghị, 3 tỉnh đã ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác trong 7 ngành, lĩnh vực trọng tâm, gồm: Công nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản; xúc tiến đầu tư, thương mại, dịch vụ; du lịch, văn hóa; giao thông - vận tải; y tế, giáo dục và đào tạo, lao động, việc làm; bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; an ninh - quốc phòng.
Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, mang tính đột phá
Tại hội nghị, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết hội nghị hợp tác có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ đối với 3 địa phương mà còn có ý nghĩa lan tỏa vùng và cả nước.
Ông Định đề nghị 3 tỉnh triển khai hợp tác, liên kết giữa các tỉnh cần bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước.
Hợp tác phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tập trung các hoạt động liên kết phát triển bền vững kinh tế biển; đầu tư phát triển, nâng cao hiệu quả kết cấu hạ tầng…
Các tỉnh chủ động nghiên cứu, phối hợp với bộ ngành trung ương đề xuất, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển. Đặc biệt là cơ chế, chính sách đặc thù, mang tính đột phá, tháo gỡ điểm nghẽn để tạo động lực phát triển.
Ông Định cũng đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo sở ban ngành, cơ quan đơn vị, hiệp hội, doanh nghiệp cần xây dựng, ban hành ngay kế hoạch hợp tác cụ thể để việc ký kết đảm bảo mang lại hiệu quả cao.
"Quốc hội sẽ luôn đồng hành cùng các địa phương, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các địa phương hợp tác phát triển bền vững" - ông Định cho hay.
Cần thiết lập tổ công tác chung 3 tỉnh
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Quốc Nam - chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận - cho biết cần lập tổ công tác có lãnh đạo các sở ngành và UBND tỉnh của 3 địa phương để kết nối, trao đổi liên tục từ triển khai nhiệm vụ đến tháo gỡ vướng mắc. Qua đó, sau mỗi quý hoặc chậm nhất 6 tháng, lãnh đạo 3 tỉnh ngồi lại với nhau để rà soát lại những việc đã làm và chưa làm được.
"Với cách làm như thế thì công việc luôn luôn tạo thành một dòng chảy. Ba tỉnh có khó khăn gì chúng ta đề xuất kiến nghị lên bộ ngành trung ương để giải quyết kịp thời" - ông Nam nói.
Đoàn chuyên gia của Cơ quan Khảo sát khảo cổ Ấn Độ (ASI) thuộc Bộ Văn hóa Ấn Độ đã bắt đầu cuộc khảo sát, nghiên cứu, để lên kế hoạch bảo tồn Tháp Nhạn tại TP Tuy Hòa (Phú Yên).