Hành vi khai thác cát trái phép là vi phạm pháp luật, không chỉ gây thất thoát tài nguyên khoáng sản quốc gia mà tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực tới đất đai, môi trường và địa hình lòng sông, vì không được cơ quan chức năng nào cho phép, kiểm soát và giám sát trong suốt quá trình khai thác. Trong bối cảnh cần nhu cầu lớn về cát san lấp để phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội thì giá trị của tài nguyên này lại ngày càng tăng cao. Sau nhiều ngày trinh sát, mới đây, Đội Cảnh sát đường thủy, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Hưng Yên đã chủ trì, phát hiện và bắt giữ 2 tàu khai thác cát trái phép trên sông Hồng. Bước đầu làm rõ thủ đoạn tận thu tài nguyên khoáng sản lậu của các đối tượng liên quan.
Phóng viên đã bí mật ghi lại những hình ảnh về hoạt động khai thác cát trái phép trên sông Hồng tại địa bàn giáp ranh giữa huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên và huyện Phú Xuyên, Hà Nội vào đêm ngày 23/11 vừa qua. Hành vi rút ruột tài nguyên khoáng sản dưới lòng sông tưởng chừng trót lọt trong màn đêm, nhưng tất cả đã lọt vào tầm ngắm của tổ công tác. Vì bị ập vào kiểm tra bất ngờ, gần 10 đối tượng đang có mặt trên 2 con tàu không kịp trở tay.
Trung tá Vũ Gia Định, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát đường thủy, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Hưng Yên cho biết: "Các đối tượng có sự chuẩn bị rất kỹ càng, rất manh động và trong vụ bắt giữ lần này có một số đối tượng không hợp tác với cơ quan chức năng".
Qua kiểm tra, tàu hút không hề được đăng ký và đăng kiểm - một yêu cầu vốn bắt buộc đối với tất cả các phương tiện hoạt động trên sông. Thậm chí, để gia tăng công suất, nhằm mục đích ăn cắp khoáng sản với số lượng lớn nhất trong thời gian ngắn, chủ tàu hút này đã hoán cải, thiết kế hệ thống vòi hút cỡ lớn với công suất khủng - gấp cả chục lần so với công suất tàu hút cát thông thường được cấp phép trên sông.
Theo tài liệu trinh sát, các đối tượng hoạt động khai thác cát trộm có tổ chức. Ngoài việc bố trí người cảnh giới ở nhiều vị trí trên bờ sông - thì việc giao dịch sắp xếp đầu mối tiêu thụ cũng được chuẩn bị từ trước. Cát hút lên đến đâu sẽ được sang mạn và bán trực tiếp trên sông, sau đó sẽ đưa về bãi tập kết trái phép gần đó.
Thượng tá Trần Văn Dũng, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Hưng Yên cho hay: "Nhu cầu thì rất lớn nhưng vẫn phải chấp hành nghiêm các quy định của Luật Khoáng sản cũng như quy định trong công tác khai thác cát. Xử lý nghiêm minh kiên quyết các trường hợp vi phạm trong hoạt động khai thác cát trái phép không có vùng cấm và không có ngoại lệ".
Theo tính toán của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên, nhu cầu cát san lấp phục vụ cho các dự án trọng điểm phát triển kinh tế của địa phương giai đoạn 2021-2030 là trên 100 triệu m3. Trong khi trữ lượng cát lòng sông Hồng đưa vào quy hoạch, cấp phép khai thác khoảng 4 triệu m3, nghĩa là chỉ đáp ứng khoảng 4%. Hiện 3 mỏ đang được cấp phép, trữ lượng còn lại chỉ đạt khoảng 500.000 m3 nên chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu thực tế. Trong bối cảnh nguồn cát san lấp ngày càng thiếu, hoạt động khai thác cát trái phép lại không phải đóng bất cứ một khoản thuế phí tài nguyên nào nên nếu trót lọt, với dàn tàu hút công suất khủng này, các đối tượng sẽ trục lợi cả tỷ đồng trong một đêm.
Ông Nguyễn Quang Hưng, Phó Trưởng Phòng Tài nguyên nước, khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên đề nghị, chính quyền địa phương và nhân dân đều phải vào cuộc để giám sát hoạt động khai thác cát trái phép. Trong đó có biện pháp đấu giá cấp phép giao cho một số doanh nghiệp có đủ năng lực để khai thác và phục vụ nguyên liệu cho các dự án trên địa bàn tỉnh. "Khi mà đấu giá giao cho DN thì DN sẽ quản lý", ông Hưng nói.
Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên đang trong quá trình đánh giá thực tế, hoàn thiện thủ tục để đưa ra đấu giá đối với một số mỏ khai thác cát trên sông Hồng. Dự kiến sẽ thực hiện trong năm 2024. Bên cạnh nỗ lực truy quét xử lý tội phạm khai thác cát trái phép của cơ quan chức năng, giải pháp này được địa phương kỳ vọng sẽ ngăn chặn có hiệu quả tình trạng "cát tặc" trên sông. Hành vi này vốn không chỉ gây thất thoát tài nguyên khoáng sản quốc gia mà việc khai thác bừa bãi theo kiểu "ăn cắp và tận thu" còn tiềm ẩn nguy cơ gây sạt lở ven bờ, đe dọa tính mạng và tài sản của người dân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!