Một học sinh tỉnh Bình Định đặt câu hỏi tại chương trình tư vấn tuyển sinh sáng 28-3 - Ảnh: LÂM THIÊN
Câu hỏi này của Nguyễn Bảo Thiện (học sinh lớp 12A6 Trường THPT số 1 An Nhơn, Bình Định) ngay lập tức làm nóng chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp diễn ra tại Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn sáng 28-3.
Chương trình do báo Tuổi Trẻ, Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - thương binh và xã hội), Sở GD-ĐT Bình Định, Tỉnh đoàn Bình Định và Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn phối hợp tổ chức, với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup.
Nhiều câu hỏi sát sườn
Trả lời Bảo Thiện, TS Phạm Tấn Hạ - phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho biết muốn trả lời câu hỏi này phải bắt đầu từ những điều mình đang có trước, tức là các em phải xác định được năng lực của mình ở đâu, sở thích của mình là gì.
Tuy nhiên để hiểu đúng bản thân mình hoàn toàn không đơn giản. Do vậy thực tế nhiều sinh viên khi vào học ĐH mới phát hiện mình không hợp với ngành học đã chọn.
"Đừng lựa chọn ngành nghề trên ánh hào quang của nghề nghiệp mà cần phải biết đằng sau những nghề đó là sự khắc nghiệt, áp lực của công việc... để xem mình phù hợp hay không. Thứ hai là tìm hiểu công việc mình theo đuổi có thu nhập ra sao, có những công việc phù hợp với năng lực, sở thích nhưng không kiếm được nhiều tiền và ngược lại.
Do vậy cần cân nhắc khi đưa ra quyết định lựa chọn ngành làm thế nào vừa phù hợp năng lực và điều kiện thu nhập của chính mình. Đây là lựa chọn đường dài, không phải tính toán cho trước mắt" - thầy Hạ khuyên.
Trần Anh Chí (học sinh lớp 12A2 Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Bình Định) thắc mắc về sự khác biệt giữa học ĐH và CĐ ra sao.
"Em mong muốn học nghề nhưng sợ cơ hội sau này không bằng các bạn học ĐH. Khi học CĐ hoặc học nghề ra trường, những kiến thức và kỹ năng em được học có phát huy ở các nước khác?".
Tư vấn cho học sinh này, TS Võ Thị Tuyết Nhung - phó hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn - nhấn mạnh khác biệt cơ bản giữa CĐ và ĐH là thời gian đào tạo của bậc CĐ ngắn hơn từ 2-3 năm.
Chi phí học CĐ thấp hơn ĐH do thời gian học ngắn. Đặc biệt khi học CĐ, thời gian thực hành ở doanh nghiệp chiếm khoảng 70% chương trình đào tạo nên giúp các em có nhiều kỹ năng nghề nghiệp, sau khi ra trường có thể làm việc ngay.
"Hiện nay sinh viên được học liên thông ở tất cả các cấp trình độ. Con đường ra nước ngoài làm việc của sinh viên trường nghề rất rộng. Trường chúng tôi có hai ngành được kiểm định đạt chuẩn quốc tế của Úc. Sinh viên tốt nghiệp những ngành này có thể ra làm việc ở nhiều nước với điều kiện có năng lực ngoại ngữ tốt" - cô Nhung nói.
Đại học không phải là con đường duy nhất
Học ĐH hay CĐ cũng là mối quan tâm của nhiều học sinh trong chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp diễn ra cùng ngày tại TP Huế. Khánh Duy, một học sinh ở TP Huế, đặt câu hỏi rằng bản thân đam mê ngành du lịch, tuy nhiên theo tìm hiểu, sinh viên học CĐ du lịch ra trường nhiều việc làm hơn so với học ĐH.
Giải đáp thắc mắc này, PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng - quyền hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM - cho biết ĐH không phải là con đường duy nhất để lựa chọn.
Theo thầy Hùng, nếu không đủ điều kiện về kinh tế hoặc điểm thi không đủ để đậu ĐH, các bạn có thể chọn học CĐ, rồi học liên thông lên ĐH sau.
"Nếu không đi thẳng được hãy đi đường vòng. Hiện nay gần như tất cả các trường ĐH đều có hệ liên thông từ CĐ lên ĐH" - thầy Hùng nói.
Nhiều học sinh ở Huế bày tỏ sự quan tâm về ngành công nghệ thông tin, đặc biệt là nhu cầu việc làm của ngành này sau khi ra trường tại Huế.
TS Nguyễn Công Hào - trưởng ban đào tạo và công tác sinh viên ĐH Huế - nói rằng nhu cầu việc làm ngành công nghệ thông tin tại Huế trong tương lai là vô cùng lớn. Thầy Hào chia sẻ theo đề án của tỉnh, đến năm 2025 Huế cần 10.000 nhân lực trong lĩnh vực này.
"ĐH Huế hiện nay có 5 đơn vị đào tạo ngành công nghệ thông tin. Đặc biệt là ở khoa quốc tế ĐH Huế có liên kết để đưa sinh viên sang Phần Lan học ngành an toàn dữ liệu hằng năm. Tôi tin rằng chỉ cần các bạn học tốt thì cơ hội việc làm ngành này tại Huế hay Đà Nẵng, TP.HCM... sẽ rất nhiều" - thầy Hào chia sẻ.
Băn khoăn về ngoại hình
Học sinh Huỳnh Thanh Nhã đặt câu hỏi liệu ngoại hình có ảnh hưởng tới việc lựa chọn ngành nghề trong tương lai - Ảnh: LÂM THIÊN
Bạn Huỳnh Thanh Nhã (học sinh Trường THPT số 2 Tuy Phước) cho biết mình có năng khiếu và đam mê nghệ thuật nhưng hơi băn khoăn về ngoại hình: "Ngoại hình có ảnh hưởng đến việc lựa chọn ngành nghề trong tương lai?
Năng khiếu và sự tự tin của em có thể đánh bật những hạn chế về ngoại hình để giúp em chọn ngành nghệ thuật hay không?".
Tư vấn cho bạn, TS Phạm Tấn Hạ cho biết thực tế có một số nghề tuyển người có ngoại hình, nhưng nếu có ngoại hình tốt mà không có kiến thức, kỹ năng tốt cũng không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng.
"Vẻ đẹp của tâm hồn, trí tuệ là yếu tố quan trọng giúp các bạn thành công. Ngoại hình chỉ ảnh hưởng phần nào đó thôi chứ không phải là yếu tố quyết định để thành công trong công việc và cuộc sống" - thầy Hạ nhấn mạnh.
Cần kỹ năng giao tiếp tốt
Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp do báo Tuổi Trẻ tổ chức tại Thừa Thiên Huế sáng 28-3 thu hút hơn 2.000 học sinh tham gia - Ảnh: NAM ANH
Trịnh Hoài My (học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Cao Vân, Bình Định) hỏi: "Nếu muốn học kinh tế có cần kỹ năng giao tiếp tốt và nhạy bén với thị trường? Nếu muốn học ngành công nghệ thông tin có cần phải học giỏi tất cả các môn khoa học tự nhiên?".
Tư vấn cho bạn, PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - cho biết khả năng giao tiếp tốt là kỹ năng cần thiết của nhiều ngành nghề trong xã hội chứ không riêng ngành kinh tế.
Đối với kinh tế, kỹ năng này đặc biệt cần thiết hơn. Tuy nhiên nếu kỹ năng giao tiếp chưa tốt, còn rụt rè... thì không phải không học kinh tế được. Nếu các em còn rụt rè, nhút nhát, khi vào học các trường kinh tế được học chung với các bạn dạn dĩ, năng động thì họ sẽ giúp mình học hỏi, trang bị kỹ năng này.
Trao đổi thêm với học sinh này, PGS.TS Bùi Hoài Thắng - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho biết khả năng của mỗi người rất cao, vấn đề là có cố gắng hay không.
"Tất nhiên, những người làm lĩnh vực công nghệ thông tin đòi hỏi phải có tư duy logic nhưng không phải tố chất này những ngành khác không cần. Thực tế cũng có không ít người đã tốt nghiệp bác sĩ nhưng thích máy tính nên vào học văn bằng 2 về công nghệ thông tin. Tại trường chúng tôi có những giáo sư đi lên từ cao đẳng. Do vậy, các bạn cần quyết tâm để tìm cơ hội cho tương lai của chính mình" - thầy Thắng khuyên.
TTO - Đó là vấn đề mà hơn 2.000 học sinh tại tỉnh Thừa Thiên Huế quan tâm khi tham gia Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp do báo Tuổi Trẻ tổ chức.
Xem thêm: mth.64123611282301202-poh-uhp-teib-oas-meihgn-iart-auhc-ehgn-hnagn-nohc-aul/nv.ertiout