Ngày 29-3, thông tin từ Công an TP Hà Nội, thời gian gần đây, tổng đài 113 và 114 của đơn vị này liên tục nhận được những cuộc gọi quấy rối, thậm chí nháy máy trêu đùa.
“Tình trạng trên xuất hiện nhiều hơn vào thời điểm các em học sinh nghỉ học vì dịch bệnh COVID-19” – Công an TP Hà Nội cho hay.
Tổng đài 113, 114 của Công an TP Hà Nội liên tục bị quấy rối. Ảnh: CACC
Mới đây nhất, chiều 23-3, Trung tâm Thông tin chỉ huy Công an TP Hà Nội nhận tin báo về việc có đám cháy tại tầng thượng của Toà nhà Viện Y Học Cổ Truyền Quân Đội. Ngay lập tức, trung tâm đã điều động người, phương tiện từ 113, 114 Hoàng Mai, Thanh Xuân đến nơi có báo cháy. Tuy nhiên, khi lực lượng 114 có mặt tại toà nhà thì không phát hiện điểm cháy.
Công an TP Hà Nội nhận định những tin hoang báo như trên không chỉ gây căng thẳng, ức chế cho cán bộ trực tổng đài, mà còn gây ảnh hưởng đến công tác điều động lực lượng khi có vụ việc gây rối về an ninh trật tự hay sự cố cháy nổ, cứu nạn cứu hộ xảy ra.
Đáng chú ý, rất nhiều trường hợp báo tin giả, trình báo sai sự thật với công an để che đậy việc làm mất, chiếm đoạt tài sản hoặc tạo lý do để trốn tránh trách nhiệm pháp lý…
Thậm chí, một số đối tượng còn gọi điện đến số máy 113, 114 để chửi bới, lăng mạ các cán bộ, chiến sỹ trực tổng đài hoặc với mục đích thử điện thoại, trêu đùa, chọc ghẹo, gây ức chế tâm lý cho người thi hành công vụ.
“Dù là trường hợp nào và xuất phát từ nguyên nhân gì, việc báo tin giả hay trình báo sai sự thật với cơ quan nhà nước đều là hành vi vi phạm pháp luật” – công an cho hay.
Để công tác tiếp nhận, xử lý tin báo ngày một tốt hơn, Công an TP Hà Nội đề nghị mỗi người dân cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật; chú ý tăng cường quản lý, giáo dục con, em mình tuyệt đối không được phép gọi điện quấy rối, trêu đùa, nháy máy, hoang báo, có lời lẽ xúc phạm danh dự, nhân phẩm lực lượng công an đang làm nhiệm vụ tại tổng đài 113, 114.
Công an TP cũng đề nghị các cơ sở giáo dục trên địa bàn cần tăng cường công tác quản lý học sinh, phối hợp với cơ quan công an phát hiện xử lý nghiêm các hành vi gọi điện thoại đến Tổng đài Cảnh sát 113, 114 để quấy rối, trêu đùa, hoang báo...
“Công an TP Hà Nội cũng sẽ áp dụng các biện pháp kỹ thuật, nghiệp vụ để phát hiện, làm rõ và xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi vi phạm” – đơn vị này nhấn mạnh.
Báo tin giả có thể bị phạt đến 5 triệu đồng Theo Công an TP Hà Nội, Điều 5 Nghị định 167/2013 quy định người nào có lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng Cùng với đó, người nào báo thông tin giả đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng Đáng chú ý, hành vi “báo cháy giả” sẽ bị xử phạt ở mức cao hơn rất nhiều. Cụ thể, tại điểm a khoản 3 Điều 40 Nghị định 167/2013, hành vi này sẽ bị phạt tiền 2–5 triệu đồng. Trường hợp không cố ý báo tin giả, người thực hiện hành vi phải chứng minh được điều này với cơ quan công an để không bị xử phạt. |