Thế giới đã bước vào giai đoạn tiêm vaccine ngừa COVID-19 được vài tháng. Bên cạnh hy vọng đại dịch COVID-19 sẽ sớm được khống chế là nỗi lo không hề nhỏ với thực tế hàng loạt biến thể mới của virus đã và vẫn đang xuất hiện. Có thể nói toàn cầu đang trong cuộc đua giữa vaccine và các biến thể virus chưa biết sẽ thế nào.
Vaccine ngừa COVID-19 của hãng Johnson & Johnson bắt đầu được phân phối ở Mỹ đầu tháng 3 trong bối cảnh các biến thể đang lây lan nguy hiểm.
Ảnh: GETTY IMAGES
Nhiều biến thể nguy hiểm
Virus biến chủng có nghĩa có sự đột biến, thay đổi trong cấu trúc gen của virus, làm virus thay đổi cách thức hoạt động. Bên cạnh chủng virus cũ, hiện thế giới đang hiện diện thêm nhiều biến thể mới như B.1.1.7 (xuất phát từ Anh, đã lan sang hơn 90 nước), B.1.351 từ Nam Phi (đã lan hơn 40 nước), P1 và P2 từ Brazil (đã lan 25 nước, có trường hợp đã nhiễm và khỏi lại bị tái nhiễm biến thể P1), D614G từ châu Âu, A.23.1 từ Rwanda.
Trong đó biến thể xuất hiện từ Nam Phi được cho là khó ngừa và nguy hiểm nhất. Các nghiên cứu cho thấy hiệu quả ngừa biến thể B.1.351 của vaccine của Pfizer/BioNTech và của AstraZeneca/Oxford không bằng ngừa chủng cũ. Thử nghiệm lâm sàng vaccine của hãng Johnson & Johnson và của Novavax cũng cho thấy khả năng ngừa biến thể này không cao.
Các biến thể này - với tốc độ lây lan nhanh hơn, nguy cơ gây tử vong cao hơn, dễ qua mặt các vaccine hiện tại - đang đe dọa nỗ lực kiềm chế đại dịch COVID-19. Chưa hết, sự xuất hiện của các biến thể còn cho thấy một lo ngại khác: Sẽ còn nhiều biến thể nguy hiểm khác xuất hiện trong tương lai nếu thế giới không thắng được cuộc đua hiện tại. Tốc độ triển khai tiêm chủng toàn cầu hiện tại đang chậm đáng ngại, đặc biệt ở các nước nghèo. Có thể hiểu dù các nước giàu có tiêm chủng nhanh thì vẫn có thể xuất hiện các biến thể mới ở các nước nghèo chưa được phủ sóng tiêm chủng đầy đủ.
Hiểu được các nguy cơ này, các cơ sở phát triển vaccine đang nỗ lực nghiên cứu để tăng hiệu quả đối phó các biến thể. Còn các tổ chức y tế toàn cầu cũng đang nỗ lực đẩy nhanh tốc độ phân phối và tiêm chủng toàn cầu.
Đây là thời điểm khó khăn. Đây sẽ là thời điểm khó khăn nhất của chúng ta để xem bên nào sẽ thắng. Nếu chúng ta có thể cầm cự thêm một tháng hay sáu tuần nữa thì sẽ có một sự khác biệt lớn. TS PETER HOTEZ, Hiệu trưởng Trường Y học nhiệt đới thuộc ĐH Y Baylor (Mỹ) |
Kỳ vọng nỗ lực của các hãng vaccine
Vaccine của Pfizer/BioNTech và vaccine của Moderna (đều hai liều) đều sử dụng phân tử mRNA làm nền tảng. Phân tử này hướng dẫn cơ thể tạo ra protein đột biến có trong virus SARS-CoV-2, phát tín hiệu để hệ thống miễn dịch chống lại protein đột biến này nếu gặp phải.
Vaccine của ĐH Oxford/AstraZeneca (hai liều) sử dụng một phiên bản được lập trình lại của một loại virus khác là adenovirus, sử dụng ADN mã hóa protein đột biến của SARS-CoV-2. Vaccine của Johnson & Johnson (một liều) cũng sử dụng adenovirus.
Với hai nền tảng vaccine này, một khi muốn định hướng lại để đối phó với các biến thể mới, các cơ sở phát triển sẽ cần chỉnh sửa mã ADN hoặc mRNA. Điều may là công việc này có thể thực hiện đơn giản và nhanh, tuy nhiên điểm bất cập là sẽ phải tốn kém thay đổi quy trình sản xuất vaccine và cần thêm thời gian để sản xuất, phân phối.
Với hy vọng tránh được các bất cập này, hiện Pfizer đang cân nhắc khả năng thêm liều thứ ba vào phác đồ hai liều hiện tại để củng cố hiệu quả ngừa các biến thể mới. Nói với đài NBC News hồi cuối tháng 2, giám đốc điều hành Pfizer - ông Albert Bourla tự tin rằng “liều thứ ba sẽ tăng phản ứng kháng thể từ 10 đến 20 lần”.
Moderna cũng đang nghiên cứu khả năng tiêm tăng cường thêm một liều cùng với phác đồ hai liều hiện tại. Ngoài ra, cuối tháng 2 Moderna cũng đã gửi phiên bản vaccine được tối ưu hóa khả năng đối phó biến thể ở Nam Phi đến Viện Y tế quốc gia Mỹ để nghiên cứu thêm.
Trong khi đó, Johnson & Johnson tự tin vaccine của mình có khả năng chống nhiều biến thể hơn vì phát triển muộn hơn các hãng trên. Johnson & Johnson cũng đang nghiên cứu vaccine sử dụng hai liều (hiện chỉ có phiên bản tiêm một liều).
Tuần rồi Pfizer thông báo sẽ sớm đưa vào thử nghiệm thuốc điều trị COVID-19, một tin tích cực mang lại thêm hy vọng dập tắt đại dịch. Trong khi đó theo hãng tin Reuters, hiện nhiều nước châu Á đang đẩy nhanh việc phân phối vaccine của AstraZeneca, sau thời gian băn khoăn về độ an toàn khi có thông tin tiêm vaccine này gây huyết khối xuất hiện ở châu Âu. Đầu tuần rồi, nhiều nước và vùng lãnh thổ ở châu Á đã kích hoạt tiêm chủng. Một số lãnh đạo khu vực cũng đi tiêm vaccine này để củng cố niềm tin, trong đó có Viện trưởng Hành chính viện Đài Loan - ông Tô Trinh Xương, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha. Tại châu Âu, sau thời gian ngắn ngưng lại, hiện nhiều nước châu lục này cũng đã khôi phục tiêm vaccine này. Thủ tướng Anh Boris Johnson nhận liều đầu tiên cuối tuần trước và cho biết “không thấy gì khác lạ”. Vaccine của AstraZeneca là một trong một số ít vaccine ngừa COVID-19 có mặt đầu tiên, có giá rẻ và theo Reuters thì loại vaccine này sẽ là trung tâm của các chương trình chủng ngừa COVID-19 ở phần lớn các nước đang phát triển. |
Mặt tích cực của “ngoại giao vaccine”
Hiện các ông lớn về vaccine COVID-19 (Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ) đang nỗ lực mở rộng phân phối vaccine ra toàn cầu. So với Mỹ thì hai nước Ấn Độ và Trung Quốc hăng hái hơn trong việc thực hiện chiến dịch “ngoại giao vaccine”. Trung Quốc đã thông báo sẽ quyên góp vaccine cho 53 nước, đã và đang chuyển hàng triệu liều vaccine nội địa của mình đến các nước châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh.
Tuần trước, khi được hỏi liệu Mỹ có vượt qua được Trung Quốc trong chuyện “ngoại giao vaccine”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ không trả lời. Tuy nhiên, theo trang tin The Hill, Mỹ đang cùng với các nước chung nhóm bộ tứ (Ấn Độ, Úc, Nhật) bàn chuyện cung cấp vaccine cho các nước châu Á để vừa chặn dịch COVID-19 vừa làm đối trọng với chiến dịch “ngoại giao vaccine” của Trung Quốc. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã bàn chuyện này với ba người đồng cấp các nước này từ ngày 18-2.
Trong cuộc họp với các lãnh đạo G7 tháng trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden hứa rằng Mỹ sẽ quyên góp 4 tỉ liều cho liên minh vaccine Gavi của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và có thể sẽ còn nhiều thêm nữa.•