Công đoàn Verdi Đức mới đây đã kêu gọi nhân viên kho vận ở 6 trung tâm giao hàng của Amazon tập trung đình công vào tối Chủ Nhật, theo giờ địa phương. Họ dự định sử dụng cuộc đình công kéo dài 4 ngày, để buộc Amazon chấp nhận thỏa thuận thương lượng lương tập thể cho nhân viên.
Các kho hàng của Amazon (hoặc trung tâm giao hàng) có công nhân đình công nằm ở Rheinberg, Wayne, Koblenz, Leipzig và hai kho ở Bad Hessfeld, Đức. Verdi cho biết, cuộc đình công tương đương với một “khởi đầu không chính thức” của chiến dịch đàm phán lương trong ngành bán lẻ và thương mại điện tử của Đức. Các cuộc đàm phán về lương tập thể sẽ bắt đầu trong vài tuần tới.
Cuộc đình công kéo dài 4 ngày này được lên kế hoạch trước Lễ Phục sinh (4/4) nhằm gia tăng áp lực lên Amazon, bởi đây là thời điểm doanh số bán hàng của nền tảng này dễ dàng đạt đỉnh. “Amazon đã kiếm được nhiều tiền trong đại dịch Covid-19, không có lý do nào để họ né tránh việc đàm phán tăng lương cho nhân viên”, Orhan Akman, đại diện Verdi nói.
Công đoàn Verdi đã yêu cầu các nhà tuyển dụng trong ngành bán lẻ và thương mại điện tử ở Đức tăng lương cho nhân viên của họ lên 4,5%. Orhan Akman nhận định với tình hình kinh doanh hiện tại ở Amazon, việc tăng lương như vậy là hoàn toàn khả thi.
Trong khoảng một thập kỷ trở lại đây, nền tảng thương mại điện tử và bán lẻ này đã vấp phải vô số lần tranh chấp lao động, cũng như các đợt đình công xảy ra do công nhân khởi xướng. Họ thường phàn nàn về điều kiện làm việc khắc nghiệt với mức lương thấp, trong khi Amazon luôn thẳng tay ngăn chặn việc thành lập liên đoàn lao động. Ngoài ra, Amazon cũng bị người lao động tố cáo không đảm bảo các phương án an toàn cho họ trong thời kỳ bùng phát dịch Covid-19.
Dư luận và các chính trị gia cũng chỉ trích Amazon , nhất là khi công ty này vừa chấp nhận thỏa hiệp tăng mức lương tối thiểu cho người lao động tại Mỹ lên mức 15 USD một giờ. Nhưng ngay sau đó, Amazon bất ngờ áp dụng chính sách mở rộng về việc giám sát các tài xế giao hàng bằng camera AI. Những người này không được phép lựa chọn, họ chỉ có thể chấp nhận bị giám sát hoặc mất việc.
Tại Đức, Amazon phải đối mặt với sự phản đối kéo dài từ các tổ chức công đoàn, yêu cầu trả lương cao hơn cho nhân viên trong lĩnh vực hậu cần và chuyển phát nhanh nhằm cải thiện điều kiện làm việc. Kể từ năm 2013, các nhân viên người Đức của Amazon đã thường xuyên tổ chức các cuộc đình công và biểu tình kéo dài với lượng lớn người tham gia. Theo báo cáo, Đức là thị trường lớn thứ hai trên thế giới của Amazon, chỉ đứng sau Mỹ.
Liên quan đến cuộc biểu tình của nhân viên, Amazon chính thức tuyên bố, họ cung cấp cho nhân viên mức lương và phúc lợi hậu hĩnh. Ngoài ra, trong các cuộc đình công ở Đức vừa qua, hơn 90% nhân viên ở trung tâm hậu cần ở trong điều kiện làm việc bình thường.
Mới tuần trước, một số lượng lớn nhân viên kho hàng và chuyển phát nhanh của Amazon ở Ý đã tổ chức một cuộc tổng đình công. Đây được cho là cuộc tổng đình công đầu tiên bao trùm toàn bộ hệ thống hậu cần Amazon tại nước này. Họ yêu cầu Amazon và các tổ chức công nghiệp đại diện cho người sử dụng lao động ngồi lại và thương lượng với nhân viên về tốc độ làm việc, tiền lương, bảo hộ lao động và các khoản trợ cấp đặc biệt liên quan đến dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, vụ kiện tập thể mà các nhân viên Amazon tại trung tâm California đệ trình lên Tòa án Thượng thẩm San Francisco cũng đã được chuyển tới Tòa án Bắc California vào thứ Sáu. Nội dung đơn kiện đề cập việc Amazon bắt buộc người lao động phải giám sát bộ đàm ngay cả trong khoảng thời gian nghỉ ăn kéo dài 30 phút.
Hồi đầu tháng này, một nhà thầu phụ của Amazon cũng vừa bị Văn phòng Ủy ban Lao động California phạt 6,4 triệu USD vì hành vi chiếm đoạt tiền lương của công nhân viên. Đối tác cung cấp lao động này chỉ chi trả mức thù lao thấp hơn quy định và bố trí các ca làm việc lên tới 10 giờ mỗi ngày với khối lượng công việc lớn, khiến các tài xế giao hàng thậm chí không có cả thời gian ăn uống hay nghỉ ngơi.
Phong Vũ
ICT News
Xem thêm: nhc.79525009003301202-eht-pat-gnoc-hnid-nozama-neiv-nahn/nv.zibefac