Đài CNN đưa tin chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 29-3 thông báo sẽ đình chỉ mọi hoạt động giao thương với Myanmar cho đến khi chính phủ dân cử được khôi phục.
Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai cho biết Mỹ sẽ đình chỉ Thỏa thuận khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA) được Washington và Naypyidaw ký kết, thêm rằng hoạt động giao thương sẽ chỉ được nối lại khi chính quyền dân cử được khôi phục tại Myanmar.
"Mỹ lên án mạnh mẽ hành động bạo lực của lực lượng an ninh Myanmar nhằm vào dân thường. Việc giết hại những người biểu tình ôn hòa, sinh viên, công nhân, người lao động, nhân viên y tế và trẻ em đã làm chấn động toàn thể cộng đồng quốc tế” - bà Tai nói.
Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai cho biết Mỹ sẽ đình chỉ Thỏa thuận khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA) được Washington và Naypyidaw ký kết. Ảnh: REUTERS
“Những hành động đó là đòn tấn công trực tiếp vào tiến trình dân chủ và nỗ lực của người dân Myanmar nhằm xây dựng tương lai hòa bình và thịnh vượng. Mỹ sẽ hỗ trợ người dân Myanmar trong nỗ lực khôi phục một chính phủ được bầu dân chủ" - Đại diện thương mại Mỹ nhận định thêm.
Theo đó, việc đình chỉ các quan hệ ngoại giao thương mại giữa Mỹ và Myanmar sẽ có hiệu lực "ngay lập tức”. Chính quyền quân sự Myanmar hiện vẫn chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về thông tin này.
TIFA được cựu tổng thống Myanmar Thein Sein ký trong chuyến thăm Mỹ hồi tháng 5-2012, nhằm mục đích thúc đẩy đối thoại và hợp tác song phương về đầu tư - thương mại.
Cùng với TIFA, cả hai nước hợp tác để đưa ra các sáng kiến hỗ trợ chương trình cải cách Myanmar và thúc đẩy phát triển toàn diện vì lợi ích của người dân, đặc biệt là tầng lớp nghèo.
Lực lượng quân đội Myanmar sử dụng vòi rồng để trấn áp dòng người biểu tình. Ảnh: AP
Quyết định chấm dứt ngoại giao thương mại với Myanmar được chính quyền Mỹ đưa ra sau khi Myanmar chứng kiến một tuần biểu tình đẫm máu nhất kể từ khi xảy ra cuộc chính biến ra vào ngày 1-2, theo CNN.
Hơn 100 dân thường, bao gồm cả trẻ em, đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình phản đối cuộc đảo chính quân sự trên khắp Myanmar khi nước này kỷ niệm Ngày Lực lượng vũ trang hôm 27-3.
Tuy vậy, hàng ngàn người dân vẫn tiếp tục xuống đường phản đối chính quyền quân sự ở các thành phố và thị trấn lớn trên khắp lãnh thổ Myanmar, bất chấp thương vong lớn được ghi nhận trong thời gian qua.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: CNN
Tổng thống Biden cũng bày tỏ nỗi kinh hoàng của mình trước vụ đàn áp đẫm máu hôm 27-3. Khi được hỏi về phản ứng của chính quyền Washington đối với những hành động tàn bạo này, ông Biden nói: "Hiện chúng tôi đang giải quyết vấn đề đó”.
Trước đó một tuần, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã công bố các biện pháp trừng phạt mới đối với các thành viên quân đội Myanmar "chịu trách nhiệm hoặc là đồng lõa trực tiếp hay gián tiếp tham gia vào các hành động, chính sách ngăn cấm, hạn chế, trừng phạt quyền tự do biểu tình của người dân Myanmar”.
Chính quyền quân sự Myanmar tiến hành cuộc chính biến với lý do cuộc bầu cử hồi tháng 1-2020 mà đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của nhà lãnh đạo được bầu Aung San Suu Kyi đã giành chiến thắng là gian lận, điều mà ủy ban bầu cử của nước này đã bác bỏ.
Bà Suu Kyi hiện vẫn đang bị giam giữ tại một địa điểm không được tiết lộ. Nhiều nhân vật khác trong đảng NLD cũng đang bị giam giữ, CNN đưa tin.