Sáng nay (30/3), thị trường chứng khoán trong nước diễn ra khá giằng co trong những phút đầu phiên. Sự giằng co thể hiện ở chỗ các chỉ số liêu tục đảo chiều và sự phân hóa mạnh trong các nhóm cổ phiếu. Tuy nhiên, sự bứt phá của VIC, CTG, BVH, PLX, GMD… đã giúp VN-Index tăng điểm tích cực và vượt qua mốc 1.180 điểm.
Hỗ trợ tích cực nhất cho đà tăng của thị trường là các cổ phiếu ngành bất động sản khi ngoài VIC thì khá nhiều các cổ phiếu lớn ngành bất động sản khác như VHM, NVL, DXG… đang giao dịch khá tích cực.
Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong quý I/2021, lĩnh vực kinh doanh bất động sản có 1.733 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (tăng 27,1%), tính trung bình mỗi ngày có 19 doanh nghiệp bất động sản mới ra đời trong quý I/2021.
Tuy nhiên, đà tăng đang chịu áp lực khá lớn khi cổ phiếu ngành ngân hàng phân hóa khá mạnh trong phiên sáng nay. Khi CTG, TCB, STB… đang giữ được sắc xanh, còn VCB, BID, MBB, ACB… giao dịch dưới mốc tham chiếu.
Đáng chú ý là cổ phiếu SSB tiếp tục có phiến tăng trần thứ 5 liên tiếp sau khi niêm yết tại HOSE, và cổ phiếu SHB cũng có phiên giao dịch khá đáng chú ý khi tiếp tục tăng điểm mạnh với khối lượng hơn 30 triệu trong phiên giao dịch sáng nay và có thời điểm tăng hết biên độ.
Ở nhóm ngành khác, giá dầu tăng gần 1% sau khi Reuters cho biết, Nga sẽ hỗ trợ ổn định sản lượng dầu, trước cuộc họp với tổ chức các nhà sản xuất cuối tuần này với những dự đoán họ sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng. Tuy giá dầu tăng, nhưng cổ phiếu ngành dầu khí phân hóa khá mạnh khi GAS, PVC giao dịch dưới mốc tham chiếu, còn PVD, PVS, PVB… giao dịch quanh mốc tham chiếu.
Thị trường chứng khoán những phiên gần đây chứng kiến cổ phiếu FLC vượt mệnh giá, đồng thời tiếp tục vượt qua những đỉnh giá cũ sau gần 9 năm. Đà tăng giá mạnh mẽ của FLC diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp chuẩn bị trình kế hoạch tăng vốn thêm gần 5.000 tỷ đồng thông qua việc chào bán cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 70% (cổ đông sở hữu 10 cổ phần được quyền mua thêm 7 cổ phần) tại đại hội cổ đông thường niên vào ngày 12/4.
Toàn bộ số tiền thu được từ đợt chào bán sẽ được sử dụng để đầu tư thực hiện các dự án bất động sản và bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Năm 2021, FLC đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất sẽ đạt 15.250 tỷ đồng, tăng 13% so với kết quả 2020, chưa tính tới doanh thu từ Bamboo Airways. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế là 1.100 tỷ đồng, cao hơn 160% so với năm qua. Đây là kế hoạch lợi nhuận cao nhất của FLC trong 5 năm gần nhất. FLC cũng dự kiến chia cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 10% có thể bằng cổ phiếu hoặc tiền mặt, theo quyết định của Hội đồng quản trị.
Dòng tiền vào thị trường chứng khoán tiếp tục tăng mạnh. Cụ thể, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 19/3/2021, huy động vốn của các tổ chức tín dụng chỉ tăng 0,54%. Trong khi tổng mức huy động vốn trên thị trường chứng khoán ước tính đạt 55.562 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước; giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu đạt 18.907 tỷ đồng/phiên, tăng 155% so với bình quân năm trước.
Kết thúc phiên sáng, VN-Index tăng 6,40 điểm, tương đương 0,54% lên 1.182,08 điểm. Thanh khoản đạt 485,6 triệu đơn vị, với hơn 9.268,4 tỷ đồng. HN-Index tăng 3,13 điểm, tương đương 1,13% lên 279,29 điểm. Thanh khoản đạt 112,9 triệu đơn vị, với hơn 1.755,9 tỷ đồng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.9842124103301202-meid-0811-com-touv-xedni-nv/et-hnik/nv.vtv