Tắc nghẽn ở sân bay vì vé máy bay rẻ?
Lan Nhi
(KTSG Online) - Nhu cầu di chuyển của hành khách bằng đường hàng không sau thời gian trầm lắng vì dịch bệnh đã không suy giảm như những đợt trước mà thậm chí còn “bùng phát” tăng cao đột biến. Giải thích vì lý do hàng đầu dẫn đến việc khách di chuyển bằng đường hàng không tăng mạnh, cho dù đây là mùa bay thấp điểm, các chuyên gia hàng không có chung nhận định: “Do giá vé máy bay rẻ, rẻ và quá rẻ”.
Không phải vô tình mà cuối tuần trước, khi Bộ Y tế đang lo ngại về đợt dịch Covid-19 lần thứ tư có thể bùng phát thì Hãng hàng không quốc gia (Vietnam Airlines) lại phát đi một thông báo về lượng khách đi máy bay tăng cao đột biến tại sân bay Tân Sơn Nhất nên hành khách phải đến sân bay sớm để đảm bảo hành trình di chuyển.
Sân bay Tân Sơn Nhất cuối tuần qua đông nghẹt khách Ảnh:VNA |
Vé máy bay giá quá rẻ, ai cũng có thể đi
Việt Nam đã đối mặt với 3 đợt dịch bùng phát trong vòng một năm qua. Cứ mỗi khi có một đợt dịch manh nha bùng phát, ngành hàng không là ngành gánh chịu thiệt hại lớn đầu tiên với việc hàng ngàn hành khách hủy chuyến vì e ngại dịch bệnh.
Mới đây nhất là trường hợp hai hành khách nhập cảnh trái phép về Phú Quốc qua đường biển từ Campuchia về Hải Phòng bị nhiễm Covid-19 và một khách đi cùng chuyến tàu biển về TPHCM cũng bị lây nhiễm. Với tình trạng này, chính Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thành Long cho biết, ngành y tế rất e ngại về đợt dịch thứ 4 có khả năng bùng phát. Nếu theo suy luận đó, ngành hàng không được dự đoán là đối mặt với đợt sụt giảm doanh thu nghiêm trọng lần thứ tư, tương tự như ba lần trước.
Nhưng thực tế lại diễn ra không như dự đoán. Chỉ sau khi phát hiện 3 ca nhiễm bệnh vài ngày, hôm 27-3, Vietnam Airlines phải phát đi thông báo về việc lượng khách đi máy bay tăng cao tại sân bay Tân Sơn Nhất. Tại một số thời điểm trong ngày, hành khách có thể phải xếp hàng chờ đợi tại các khu vực làm thủ tục.
Không chỉ riêng Tân Sơn Nhất, sân bay Nội Bài, Côn Đảo cũng là những điểm đến đông nghẹt hành khách và các lực lượng phục vụ mặt đất sân bay phải làm việc rất quá tải, không khác bao nhiêu so với những tháng cao điểm hè.
Thậm chí Vietnam Airlines còn khuyến cáo hành khách, ngoài việc có mặt tại sân bay trước ít nhất hai tiếng, thì trong trường hợp máy bay sắp khởi hành mà chưa được soi chiếu, hành khách liên hệ nhân viên hàng không có mặt tại khu vực soi chiếu để ưu tiên kiểm tra.
Trong lịch sử kinh doanh hàng không 30 năm qua của Vietnam Airlines, chưa khi nào hãng có những mức giá tốt cho chặng bay trọng điểm Hà Nội - TPHCM hoặc ngược lại chỉ với giá 88 ngàn hay 99 ngàn đồng/chặng (chưa bao gồm các loại thuế phí) để cạnh tranh trực tiếp với các hãng còn lại.
Vietjet Air cũng luôn duy trì mức giá rẻ tương tự đối với những hạng vé siêu tiết kiệm (chỉ có hành lý xách tay) và không thu thêm phí hành lý ký gửi. Bamboo Airways thì tung ra những giá vé thậm chí chỉ chưa bằng giá bát phở : 26 ngàn đồng/vé/chặng (chưa bao gồm thuế phí) nhân dịp ngày Thành lập Đoàn TNCS HCM (26/3).
Nghĩa là các hãng có đủ mọi lý do để giảm giá vé nhằm kích cầu đi lại khiến cho thị trường hàng không như được chắp thêm cơ hội “ai cũng có thể bay” khiến quá tải tại một số thời điểm như cuối tuần qua.
Thêm vào đó, lý do đã có vaccine tiêm phòng Covid-19, dù Việt Nam chưa đạt đến mốc 50 ngàn người được tiêm trong số 80 triệu dân hiện có nhưng tâm lý yên tâm hơn đã khiến hành khách tiếp tục chọn hàng không để di chuyển thuận lợi, sau nhiều ngày e ngại.
Tăng chuyến bằng mọi cách để cạnh tranh
Với lượng khách tăng cao đột biến, các hãng hàng không quyết định tăng chuyến để đáp ứng nhu cầu di chuyển và tăng doanh thu, bằng bất cứ giá nào. Như Vietnam Airlines, quyết không nhường thị phần cho Bamboo Airlines và Vietjet Air nên đã không cắt tải trong mùa thấp điểm để cạnh tranh trực diện.
Thay vì chỉ duy trì 260-270 chuyến bay/ngày trong mùa thấp điểm, hãng đã tăng lên 360 chuyến/ngày để giá nào, giờ nào khách cũng bay được. Vietjet Air thì giữ tải ở mức bình quân 267 chuyến/ngày và đồng thời mở lại hàng loạt đường bay ngách đến các điểm du lịch hút khách ngay từ cuối tháng 3, thay vì chờ đến tháng 4 như mọi năm.
Các đường bay đang khai thác từ Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng đi Phú Quốc và các đường bay khác cũng được tăng chuyến.
Sự hồi sinh trên thị trường hàng không nội địa đã trở nên mạnh mẽ hơn, dù thời điểm “hoàng kim” về giá vé như năm 2019 trở về trước chưa biết đến khi nào được phục hồi, do các hãng cùng đồng loạt cạnh tranh quyết liệt để giữ khách.
Với đà này, dự đoán cuối quý 2, đầu quý 3 năm nay, khi “hộ chiếu vaccine” được thực hiện và việc mở lại thận trọng các đường bay quốc tế thì các hãng lại tiếp tục cạnh tranh trực diện trên một số đường bay quốc tế trọng điểm tại châu Á và châu Âu. Những dấu hiệu đó đang rõ dần.
Xem thêm: lmth.er-yab-yam-ev-iv-yab-nas-o-nehgn-cat/899413/nv.semitnogiaseht.www