Sản xuất nông nghiệp tại huyện Nghi lộc (Nghệ An) đang có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, mang dấu ấn đổi mới trong tư duy của người dân thời công nghệ 4.0.
Sau hơn 3 năm đưa công nghệ mới vào sử dụng, anh Đinh Quang Hoàng (xóm 9, xã Nghi Trung, Nghi Lộc, Nghệ An) đã tự tin khẳng định tính ưu việt của phương pháp trồng dưa trong nhà lưới. Trên diện tích hơn 2.000 m2 anh Hoàng chia thành 2 nhà lưới, mỗi nhà 1.000m2 với 3.000 nghìn cây dưa lưới được chăm chút tỉ mỉ.
Với diện tích lớn như vậy trồng được nhiều loại rau khác nhau. Ngoài trồng dưa lưới gia đình anh có trồng cà chua leo, măng tây có giống từ Tây Ban Nha. Anh Hoàng cho biết: “Ưu điểm của công nghệ này là có thể khắc chế được sâu bệnh. Dù chi phí đầu tư ban đầu có hơi lớn, nhưng tôi vẫn có niềm tin sẽ đạt được những kết quả như mong đợi. Đến nay, vườn dưa lưới này đã cho tôi thu hoạch trung bình ra thị trường là 500- 550 triệu mỗi năm”.
Trong khu vườn xanh mướt, vừa tranh thủ thụ phấn cho dưa lưới chị Nguyễn Thị An (xóm Kim Nghĩa, xã Nghi Long, Nghi lộc, Nghệ An) chia sẻ, gia đình chị chính thức xuống giống từ cuối tháng 2.2020 sau quá trình dài tham quan tìm hiểu, học hỏi.
Từ khi huyện đầu tư cho mô hình nhà lưới, chị chủ động hơn trong việc trồng và chăm sóc cây. Cụ thể, với việc gắn thiết bị tưới nước nhỏ giọt thì mỗi ngày 1.000m2 dưa lưới nơi đây chỉ tiêu thụ từ 40- 60 lít nước (cách một giờ tưới 1 lần, mỗi lần tưới từ 1-2 phút). Trong khi bà con trồng dưa lê hay rau màu ở đây từ trước giờ thì tốn lượng nước lớn hơn nhiều. Với những quả to đẹp, giá cân tại vườn luôn duy trì mở mức xấp xỉ 50 – 60 nghìn đồng/kg.
Hiện nay xã Nghi Long là địa phương có hệ thống nhà lưới phát triển mạnh nhất trên địa bàn huyện Nghi Lộc, với 12 nhà khép kín và có hệ thống tưới nước hiện đại. Trước nỗi lo rau rớt giá vừa qua người dân bước vào vụ sản xuất với nhiều trăn trở nhưng họ vẫn phải tiếp tục canh tác trên diện tích đã đầu tư.
Ông Nguyễn Tứ Ngọc – Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Long cho biết, đây là mô hình mới, sáng tạo với cách làm và hệ thống quản lý rất ấn tượng. Qua đó cũng là cơ hội giúp cho người dân địa phương tham gia học hỏi, kinh nghiệm, tiếp cận với công nghệ tiên tiến để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho sức khoẻ người tiêu dùng.
Xem thêm: odl.361498-hcas-peihgn-gnon-ut-uht-iob-nad-gnon-ioul-ahn-cat-hnac-na-ehgn/et-hnik/nv.gnodoal