Lãnh đạo TP Đà Nẵng khẳng định sẽ minh bạch, công khai tất cả chính sách, dự án để tiếp tục thu hút đầu tư, khơi thông lại dòng chảy kinh tế của TP chứ không vì bất kỳ lợi ích nhóm nào.
Vị thế lớn hơn
UBND TP Đà Nẵng mới đây đã ban hành kế hoạch đền bù giải tỏa đối với 249 dự án thuộc 3 nhóm. Theo đó, nhóm I/2018 gồm 17 dự án, công trình đã cam kết đền bù giải tỏa xong trong năm 2018 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành; thống nhất tiến độ gia hạn hoàn thành công tác đền bù giải tỏa đến ngày 30-4-2021.
Nhóm I/2021 gồm 116 dự án, công trình thuộc danh mục trọng điểm, động lực hoặc các dự án yêu cầu hoàn thành đền bù giải tỏa trong năm 2021. Nhóm II/2021 gồm 116 dự án, công trình triển khai phân kỳ đền bù theo tiến độ thi công năm 2021 và 2022. Trong đó, nhiều dự án lớn nằm ở khu vực Tây Bắc Đà Nẵng như: dự án khu du lịch nghỉ dưỡng và sinh thái Làng Vân của Công ty CP Vinpearl, dự án khu đô thị sinh thái Nam Ô của Công ty CP Trung Thủy, khu đô thị sinh thái Quan Nam - Thủy Tú của Công ty CP Đầu tư Trung Nam…
UBND TP Đà Nẵng xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm năm 2021; giao cho các quận, huyện chỉ đạo tổ chức lập kế hoạch chi tiết tiến độ thực hiện đền bù giải tỏa và tập trung ưu tiên giải quyết các vướng mắc liên quan công tác giải phóng mặt bằng, rút gọn trình tự thủ tục.
Ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa TP Đà Nẵng, bày tỏ ông "rất mừng rỡ và kỳ vọng" trước những khởi sắc gần đây của Đà Nẵng khi đồ án điều chỉnh quy hoạch được thông qua cùng với thông tin về một loạt dự án lớn. "Đây là một bước ngoặt cho cả Đà Nẵng lẫn các DN và người dân TP; là động lực, sự khởi đầu cho những bước đi trở lại của cộng đồng DN sau dịch Covid-19. Lần trở lại này cũng giúp Đà Nẵng có vị thế lớn hơn trong mắt các nhà đầu tư" - ông nhấn mạnh.
Theo ông Bình, mong mỏi lớn nhất của cộng đồng DN là các dự án nhanh chóng được triển khai. "Những dự án đã được phê duyệt thì phải làm sao nhanh chóng được thực hiện. Đơn cử lần này, việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Bến cảng Liên Chiểu sẽ kéo theo hàng loạt dự án liên quan cùng khởi động trở lại" - ông Bình dẫn chứng, đồng thời mong muốn TP Đà Nẵng bắt tay thực hiện ngay nhằm giúp các DN sớm hưởng lợi từ những đổi thay do chính các dự án lớn mang lại.
Đà Nẵng sẽ nỗ lực tháo gỡ điểm nghẽn, đưa nguồn lực đất đai vào phát triển kinh tế. Ảnh: QUANG LUẬT
Minh bạch, công khai
Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng, cho hay đồ án điều chỉnh quy hoạch chung được phê duyệt đã kèm theo 12 phân khu có ranh giới, định hướng và yêu cầu phát triển. Trước mắt, Đà Nẵng sẽ tập trung làm quy hoạch phân khu chi tiết.
Theo ông Hùng, hiện có nhiều nhà đầu tư bày tỏ sự quan tâm và đề xuất đầu tư ở cùng một phân khu. Đối với vấn đề này, ông Hùng cho hay lãnh đạo TP và các ngành liên quan sẽ nghiên cứu, phân tích để lựa chọn nhà đầu tư phù hợp định hướng phát triển.
Ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết để đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á, thời gian qua, TP đã tập trung khai thác và phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai, tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản. Tài nguyên đất đai dần trở thành động lực lớn cho sự tăng trưởng kinh tế song vẫn bảo đảm điều kiện an sinh xã hội và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
Theo ông Nam, để đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới, Đà Nẵng đã có nhiều biện pháp nhằm tăng cường năng lực quản lý đất đai trên địa bàn. Trong đó, nổi bật là việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, cổng thông tin đất đai; phát triển phần mềm kêu gọi đầu tư và khai thác quỹ đất đấu giá, đấu thầu dự án có sử dụng đất; triển khai các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trong lĩnh vực đất đai; tập trung xây dựng đội ngũ đủ năng lực, phẩm chất và uy tín ngang tầm nhiệm vụ... "Đây chính là nền tảng quan trọng để TP khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên nói chung và đất đai nói riêng" - ông nhấn mạnh.
Đối với các nhà đầu tư quan tâm đến những dự án, phân khu trong đồ án điều chỉnh quy hoạch chung, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết đã giao Sở Xây dựng phối hợp với các sở, ngành liên quan làm việc với từng nhà đầu tư để thống nhất nội dung, đề xuất tiêu chí cụ thể. Trong đó, nếu nhiều nhà đầu tư quan tâm cùng một khu đất thì TP sẽ nghiên cứu kỹ các ý tưởng để lựa chọn nhà đầu tư phù hợp nhằm phát huy hết tiềm năng của các phân khu, dự án.
"Tất cả đều được thực hiện minh bạch, công khai. TP sẽ không vì bất cứ nhóm lợi ích nào làm ảnh hưởng đến sự phát triển chung, đến môi trường đầu tư của địa phương" - ông Lê Trung Chinh khẳng định.
Tái khởi động dự án Làng Vân
Ngày 30-3, UBND TP Đà Nẵng và UBND quận Liên Chiểu đã công bố tái khởi động dự án Khu phức hợp du lịch và nghỉ dưỡng Làng Vân nằm ở chân đèo Hải Vân thuộc phường Hòa Hiệp Bắc. Dự án được phê duyệt đầu tư từ năm 2011, do Công ty CP Vinpearl (thành viên của Tập đoàn Vingroup) làm chủ đầu tư, tổng vốn dự kiến khoảng 35.000 tỉ đồng, hiện đã được điều chỉnh quy mô còn gần 1.000 ha.
Phát biểu tại lễ công bố, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh lưu ý dự án này nằm ở vị trí địa lý đặc biệt nên chủ đầu tư phải bảo đảm hài hòa giữa các yếu tố thiên nhiên, văn hóa và an ninh quốc phòng. Ông Chinh bày tỏ mong muốn Công ty CP Vinpearl khởi công dự án đúng tiến độ như cam kết, đồng thời khẳng định chính quyền sẽ đồng hành, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, giúp DN sớm triển khai dự án cũng như kinh doanh hiệu quả tại Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Việt Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup, cam kết sẽ tuân thủ quy trình triển khai dự án, thi công công trình bảo đảm an toàn, đúng tiến độ, cũng như xúc tiến các hoạt động kinh doanh hiệu quả tại địa phương.
Nghiên cứu xây dựng trung tâm tài chính tại Đà Nẵng
UBND TP Đà Nẵng đã lựa chọn và ký kết biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Liên Thái Bình Dương về việc xây dựng đề án phát triển Đà Nẵng thành trung tâm tài chính của khu vực.
Theo ông Nguyễn Văn Phụng, Giám đốc Sở Tài chính TP Đà Nẵng, để thực hiện đề án, TP sẽ đề xuất cơ chế đặc thù nhằm đáp ứng yêu cầu vận hành của trung tâm tài chính, tạo ra một quần thể có nhiều DN, nhà đầu tư, nhà tài chính mang tầm quốc tế quy tụ. "Trung tâm sẽ tạo dòng tiền phong phú hơn để các DN kết nối, trao đổi cung cầu trong sản xuất - kinh doanh" - ông Phụng nhấn mạnh.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 29-3
Xem thêm: mth.93501431203301202-ahp-tub-et-hnik-ed-nehgn-meid-oaht-gnan-ad-pt-ohc-oa-yaht/et-hnik/nv.moc.dln